Mẹ cũng là lần đầu làm mẹ...

Có con mới hiểu lòng cha mẹ. (Nguồn: Phương Anh)
Có con mới hiểu lòng cha mẹ. (Nguồn: Phương Anh)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ai cũng nghĩ mình hiểu tình cha mẹ, nhưng chỉ đến khi làm mẹ rồi, những người trẻ mới thấu được tấm lòng bao la, rộng lớn của người mẹ.

Làm mẹ là một hành trình trưởng thành

Bùi Phương Anh (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, làm mẹ nghĩa là cuộc đời người phụ nữ sẽ thay đổi 360 độ, không bao giờ quay trở về giống như thời còn độc thân, vô tư, hồn nhiên nữa: “Đầu tiên là cơ thể thay đổi, những vết rạn da quanh bụng, quầng thâm mắt do thức đêm trông con mọn. Thứ hai, tâm hồn của người làm mẹ cũng sẽ “trưởng thành” hơn, phải phấn đấu lo cơm áo, gạo tiền để con mình có một cuộc sống đầy đủ nhất”.

Phương Anh tâm sự, sau khi có con cả tâm sinh lý, thể chất của người phụ nữ đều thay đổi rất nhiều. Cô bắt đầu có những cơn đau lưng nhẹ khi thường xuyên phải bế ẵm, ru con đi ngủ vào mỗi buổi tối, buổi đêm muộn. Có những hôm mỏi rã rời tay, nhưng vẫn phải cố bồng bế vì con chỉ có “hơi mẹ” mới yên giấc. Mặt khác, sau khi sinh con, Phương Anh cho rằng, cô trở thành một người có trách nhiệm nhiều hơn thời ngày xưa: “ Có lẽ người mẹ nào cũng vậy thôi, có con rất hạnh phúc vì đứa trẻ luôn coi mẹ như cả thế giới, chỉ cần được nghe tiếng của tôi, được tôi ôm vào lòng là con bé cười cả ngày. Vì vậy, tôi luôn cảm thấy mình phải có trách nhiệm để nuôi dạy con trở thành một người tốt, một đứa trẻ hạnh phúc”.

Đặc biệt, theo Phương Anh làm mẹ giúp cô trở thành một người kiên nhẫn: “Khi con chưa biết nói, tôi phải thật tinh ý để phát hiện tại sao em bé khóc, tại sao em bé khó chịu. Ngay cả khi con tôi đã biết ăn uống, tôi cũng phải kiên nhẫn dỗ bé ăn, đợi con xong vì trẻ con sẽ ăn lâu hơn người lớn”. Đây cũng là một đức tính tốt khiến cô dễ dàng quay trở lại môi trường làm việc sau khi sinh, được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là “đằm thắm, mặn mà, từ tốn” hơn thời xưa rất nhiều.

Nguyễn Minh Tâm (26 tuổi, Hà Nam) tâm sự, có con là “đặc quyền” của riêng người phụ nữ, mà chỉ người phụ nữ mới có thể thấu hiểu tất cả: “Sau khi trở thành mẹ, thay đổi lớn nhất của tôi là về tâm lý”. Minh Tâm cho rằng, ban đầu cô choáng ngợp khi có con, đứa trẻ ra đời gần như chiếm trọn thời gian và trở thành “trung tâm” cuộc đời của cô. Minh Tâm phải học cách sắp xếp thời gian, vừa chăm con, vừa làm việc, vừa giúp mẹ chồng nội trợ: “Dù có gia đình hai nhà nội ngoại và chồng hỗ trợ, nhưng công việc mà một người mẹ phải làm nhiều gấp đôi, gấp ba lần bình thường”. Cô cho biết, nhiều lúc cảm thấy buồn vì không đủ thời gian chăm sóc cho bản thân mình.

Minh Tâm chia sẻ: “Có vô số những tình huống khác nhau xảy ra mỗi ngày với đứa trẻ, mỗi em bé đều có nhu cầu và mong muốn không giống nhau, người mẹ cần hỗ trợ linh hoạt. Mặc dù điều này rất vất vả nhưng khi thấy con cái hạnh phúc, tôi sẽ thấy mọi thứ mình làm đều đáng giá”. Tâm cho biết, cô “lớn lên” rất nhiều sau khi có con, đầu tiên đó là lòng biết ơn với bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng luôn tâm lý, giúp đỡ mình hết mức có thể. Tiếp theo, sự sẻ chia, quan tâm đến người khác, ví dụ như việc dành thời gian để nuôi dạy con của mình, bằng cách quan sát, thấy được ưu điểm, khuyết điểm để định hướng cho con phát triển một cách tốt nhất.

Làm cha mẹ là một hành trình trưởng thành. (Nguồn: Linh Thùy)

Làm cha mẹ là một hành trình trưởng thành. (Nguồn: Linh Thùy)

Đối với Trần Thùy Linh (29 tuổi, Hà Nội), cô trải nghiệm cuộc sống khi lấy chồng, sinh con ở xa nhà bố mẹ cả hai bên gia đình. Một mình cô và chồng, gồng gánh vừa nuôi con, vừa phát triển công việc kinh doanh vào năm 24 tuổi, không hề dễ dàng: “Con tôi thường khóc đêm, sáng hôm sau vợ chồng phải lấy hàng sớm, nên cả hai tranh thủ thay phiên nhau bồng bế, ru vỗ em bé ngủ”. Nuôi con ở xa gia đình, là một trải nghiệm giúp cho Thùy Linh trưởng thành. Theo cô, cuộc sống hai vợ chồng không như thời còn yêu nhau, vô tư, hồn nhiên, sẽ có những lúc bất đồng, thậm chí tranh cãi, nhưng cả hai người dần học được cách thấu hiểu, hòa hợp với nhau hơn: “Trước đây, tôi là một người chỉ sống cho hiện tại, vui chơi hết mình, thường xuyên đi du lịch, hưởng thụ. Hiện tại, sau khi có con, tôi sống tiết kiệm hơn, cũng san sẻ gánh nặng với mọi người nhiều hơn.”

Mặc dù vất vả như vậy, nhưng Thùy Linh cho rằng có con cũng là một trải nghiệm hạnh phúc đối với người mẹ. Cô có thêm những người bạn, hội nhóm “mẹ bỉm sữa” quen nhau trên mạng cùng trò chuyện, chia sẻ cách nuôi con, chăm con: “Trên hành trình nuôi con, dù không ở gần gia đình nội-ngoại, nhưng tôi vẫn có những người chị, người em thân thiết giúp đỡ, hỗ trợ, sẻ chia rất nhiều”.

Yêu thương mẹ nhiều hơn

Người xưa có câu nói: “Có con mới hiểu lòng cha mẹ”, quả không sai, nhiều người trẻ sau khi tự tay nuôi nấng, chăm bẵm đứa con thơ của mình mới hiểu nỗi vất vả, tình yêu bao la mẹ đã từng dành cho mình. Minh Tâm chia sẻ, sau khi có con cô càng thương mẹ nhiều hơn: “Tôi lấy chồng gần có mẹ săn sóc, giúp đỡ, được nhà chồng tâm lý hỗ trợ. Mẹ tôi ngày xưa chỉ có một mình nuôi ba chị em chúng tôi không biết còn vất vả, chông gai thế nào”. Được biết, Tâm xuất thân ở một gia đình nhà nông, trước kia ở dưới quê, người phụ nữ gánh vác rất nhiều việc, vừa phải chăm con, vừa phải làm đồng áng phụ giúp chồng, vừa làm nội trợ.

Cô tâm sự, ngày trước, cô thi thoảng nghĩ rằng mẹ không hiểu mình, không thương mình, có nhiều lúc cãi lại mẹ. Sau khi có con, Minh Tâm mới thấu hiểu có người mẹ nào lại không thương con. Có người mẹ nào lại không mong muốn con mình được an toàn, vui vẻ, hạnh phúc mà sẵn sàng hy sinh, thậm chí mang tiếng ác: “Dù tôi đã lập gia đình, có con, nhưng đối với mẹ tôi vẫn luôn là một đứa trẻ. Khi gặp khó khăn, vất vả chỉ cần về nhà, ôm lấy mẹ, được mẹ an ủi là tất cả nỗi buồn đều tan biến”.

Giống với Minh Tâm, Bùi Phương Anh tâm sự, sau khi có con cô mới hiểu tình yêu của mẹ dành cho mình lớn đến nhường nào: “Trước đây, do khoảng cách thế hệ, tôi luôn cảm thấy mẹ và mình không hợp nhau. Tôi thường hay giận dỗi, cãi lại lời của mẹ, cho rằng mẹ bảo thủ, bao bọc tôi một cách thái quá. Đôi lúc, tôi cảm thấy mẹ không thương yêu mình, vì bà thường hay mắng tôi”. Sau khi có con, Phương Anh mới hiểu rằng, không phải cứ nói lời ngon ngọt mới là yêu thương. Mẹ lúc nào cũng quan tâm đến cô, nhưng chưa biết cách thể hiện. Những lời mắng như “sao nhịn ăn?”, “Đi chơi về khuya là mẹ cho ăn đòn đấy”, hay “con gái, con đứa không biết chăm sóc bản thân” khiến cô cay cay sống mũi khi nhớ lại: “Lúc đấy tôi thấy mẹ khó tính quá, sau này mới biết, vì mẹ lo tôi sống không tốt, nên mới nói vậy”.

Phương Anh nhớ nhất một kỷ niệm, mà rất lâu sau này bố mới kể lại cho cô: “Vào ngày tôi nhập học đại học, bố mẹ đưa tôi đến nhận kí túc xá tại trường. Khi về, trên đường đi mẹ đã khóc mãi, thậm chí, mẹ còn định bỏ việc ở quê lên Hà Nội ở với tôi. Mẹ sợ tôi bị cuộc đời cám dỗ, sợ tôi không biết chăm sóc bản thân. Mãi sau này, khi tôi đã lấy chồng, bố mới kể lại, tôi thấy hối hận, vì ngày xưa đã không dành thời gian tâm sự, ở bên mẹ nhiều hơn”.

Người mẹ nào cũng là lần đầu làm mẹ, nên hãy bao dung hơn với mẹ của mình. (Ảnh minh họa, nguồn:vannie.beauty)

Người mẹ nào cũng là lần đầu làm mẹ, nên hãy bao dung hơn với mẹ của mình. (Ảnh minh họa, nguồn:vannie.beauty)

Đối với Thùy Linh, cô chia sẻ đã từng rất buồn bực khi bố mẹ không đồng ý cho cô kết hôn xa: “Từ nhỏ tôi đã được bố mẹ cưng chiều. Sau khi nghe mẹ nói không ưng thuận chuyện tôi kết hôn và chuyển đến một thành phố mới để sinh sống, tôi rất buồn. Tôi nghĩ rằng mẹ không hiểu tôi, không thương yêu tôi. Thậm chí, trong nửa năm, tôi đã không về nhà thăm mẹ vì bất đồng quan điểm”. Nhưng sau khi Thùy Linh sinh con, nhìn con gái ở xa chăm con, mẹ của cô rất “xót” con, thường xuyên vừa gọi điện, vừa sụt sùi khóc vì thương cô vất vả: “Nhiều lúc, mẹ bảo muốn bỏ tất cả công việc ở miền Nam, để ra Hà Nội giúp tôi chăm con, nhưng tôi không cho”.

Cứ mỗi ngày, khi xem camera trong nhà trên điện thoại, thấy bố mẹ lủi thủi một mình. Nhiều khi nhìn mẹ đứng tựa cửa, hoặc ngắm bức ảnh gia đình ba người hạnh phúc, khiến Thùy Linh nhận ra mình vô tâm thế nào: “Khi có con rồi, cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng. Tôi mới hiểu trước đây mẹ đã dành tình yêu cho mình lớn đến nhường nào, cả tuổi thanh xuân, những ước mơ, vẻ đẹp thuở con gái bà đều hy sinh để chăm lo cho tôi”.

Thùy Linh chia sẻ, cô nhớ nhất vào năm ngoái, khi về nhà thăm cha mẹ. Thấy mẹ già đi nhiều hơn, cô không kìm được mà nói: “Giờ con mới hiểu mẹ đã vất vả vì con đến nhường nào”. Mẹ ôm Thùy Linh vào lòng như hồi bé và nói: “Cảm ơn con đã hiểu cho mẹ. Mẹ cũng là lần đầu làm mẹ, nên đã từng có nhiều sai sót, xin lỗi con!”.

Đọc thêm

Hội thảo bàn giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Toạ đàm trong khuôn khổ hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. (Ảnh: Hiền Minh/VGP)
(PLVN) - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Câu lạc bộ Trẻ em Việt Nam trên không gian mạng thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024. Tại Hội thảo, các chuyên gia về an toàn thông tin đã chỉ ra các mối nguy hại tác động tới trẻ từ internet trong bối cảnh hiện nay.

Kỹ năng số giúp phụ nữ cân bằng, tự tin hơn trong khởi nghiệp

Kỹ năng số giúp phụ nữ cân bằng, tự tin hơn trong khởi nghiệp
(PLVN) - Chiều ngày 22/11/2024, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ Châu Á (TAF) tổ chức Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ: Cân bằng giữa phát triển kinh doanh và công việc chăm sóc” tại 20 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.

Hành động ngay để đối phó mối đe dọa do tăng tỷ lệ kháng kháng sinh

Bộ Y tế phối hợp các đối tác thông tin về Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR).
(PLVN) - Sáng nay, 22/11, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế phối hợp tổ chức Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR) (từ 18-24/11/2024) với chủ đề “Giáo dục, vận động, hành động ngay”, nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.

Chung tay hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam

Chung tay hành động vì bình đẳng giới và sự phát triển toàn diện của phụ nữ Việt Nam
(PLVN) -Chiến dịch “Ruy băng trắng” là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Mô hình truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng” lần đầu tiên được Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam tổ chức ở Việt Nam năm 2015 trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ Úc và đã được duy trì, nhân rộng ở nhiều tổ chức và địa phương trong cả nước.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền giới thiệu về biển, đảo Việt Nam tại Quảng Ninh

Quang cảnh chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân
(PLVN) -  Ngày 22/11, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ninh và Thành ủy Hạ Long tổ chức chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” nhằm tuyên truyền, giới thiệu về lực lượng Cảnh sát biển, tình hình biển, đảo Việt Nam và tình hình biển Đông.

Hà Nội đi đầu trong chỉ đạo phòng chống lãng phí

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi công bố quyết định (Ảnh: UBND.TPHN)
(PLVN) - Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí. Qua đó thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của TP Hà Nội.

Hàng không tăng hơn 3.000 chuyến bay phục vụ Tết

Hàng không tăng hơn 3.000 chuyến bay phục vụ Tết
(PLVN) - Vietnam Airlines Group (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 13/1 đến 12/2/2025 (tức 15 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ).