Với mỗi bậc cha mẹ, nỗi niềm day dứt buồn bã nhất là không lo được cho con cái như mức bình thường của xã hội.
Thế nên có lẽ nhiều người chắc đã không dũng cảm xem hết một đoạn clip do một đài truyền hình thực hiện mới đây, ghi lại hình ảnh một người cha khóc vì không có tiền mua thiết bị điện tử cho con học online. Đó là những giọt nước mắt cần cảm thông, rất đời, rất thực.
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới hoạt động giáo dục và đào tạo. Hàng triệu học sinh phổ thông đã không thể tới trường học tập một cách bình thường. Việc chuyển sang trạng thái học trực tuyến là việc không thể tránh khỏi, vừa là giải pháp tạm thời, vừa là một phần của công việc chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai.
Hiện cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó có trên 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh thành đang triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, do những khó khăn về kinh tế, do tác động khó lường của dịch bệnh, rất nhiều gia đình ở các địa phương trên cả nước, từ miền Nam cho tới miền Bắc, cả thành thị lẫn nông thôn đã không thể và không đủ điều kiện mua sắm phương tiện và thiết bị học tập trực tuyến.
Theo con số thống kê chính thức, tính tới 12/9, có khoảng hơn 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận, huyện) không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị. Việc tổ chức dạy học trên truyền hình cho lớp 1 và lớp 2, dạy học bổ trợ cho các lớp khác trên truyền hình cũng gặp những khó khăn lớn về thiết bị, sóng và đường truyền.
Con số thống kê trên chưa tính tới các tỉnh thành hiện đang triển khai dạy và học trực tiếp nhưng cũng cần sẵn sàng phải chuyển sang học trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh phát sinh phức tạp.
Tối 12/9, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến, nhất là các khu vực đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội; sự kiện này đã lay động lòng nhiều người.
Ngoài việc hỗ trợ máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng dịch học trực tuyến, chương trình “Sóng và máy tính cho em” góp phần tiến tới phủ sóng internet ở những vùng còn chưa có sóng và nâng cao chất lượng sóng nhằm thực hiện mục tiêu ứng dụng, phát triển khoa học trong giáo dục, nâng cao dân trí, mở mang tri thức xã hội, số hóa việc học tập, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.
Như vậy, đây là hành động rất thiết thực, thể hiện tầm nhìn xa. Đúng như đánh giá của Thủ tướng: “Hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này là hỗ trợ cả một thế hệ, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là chúng ta giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau”.
Còn chờ gì nữa mà chúng ta không hành động? Hãy cùng xắn tay áo lên, cùng chung tay với chương trình này, như Bộ trưởng TT&TT nói trong cuộc phát động: “Một chiếc máy tính bảng cũ bị chúng ta bỏ quên ở đâu đó nhưng lại có thể giúp thay đổi cuộc đời của một học sinh, giúp em đi học trong những ngày giãn cách, tiếp cận tri thức, lớn lên với đầy đủ tri thức để cống hiến cho cuộc đời”.