Máy bay quân sự Pháp lần đầu hạ cánh tại Việt Nam sau nhiều năm

Hình ảnh tại buổi họp báo.
Hình ảnh tại buổi họp báo.
(PLO) - Đội hình bay bao gồm 3 chiếc chiến đấu cơ Rafale, 1 máy bay vận tải A400M, 1 chiếc A310 và 1 máy bay tiếp vận C-135 của Pháp đã tới Nội Bài, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1954 các máy bay quân sự của Pháp hạ cánh tại sân bay của Việt Nam.

Sáng 27/8, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã tổ chức họp báo để thông tin chính thức về chiến dịch PEGASE – Chiến dịch triển khai đội hình bay tầm cỡ của Pháp tại Đông Nam Á. Theo thông tin được đưa ra tại họp báo, từ chiều 26/8, một đội hình bay bao gồm 3 chiến đấu cơ Rafale, 1 máy bay vận tải A400M, 1 chiếc A310 và 1 máy bay tiếp vận C-135 đã chính thức hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Hoạt động này diễn ra sau khi đội bay của Pháp hoàn thành diễn tập Pitch Black 2018 tại Australia. Phía Pháp đã huy động 100 sĩ quan và nhân viên kỹ thuật do Tướng Patrick Charaix dẫn đầu thực hiện chiến dịch. 

Phát biểu tại họp báo, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Olivier Sigaud đánh giá đây là chiến dịch có tính lịch sử. “Thực chất, chưa có lần nào trong quá khứ chúng ta có chuyến thăm của một tốp máy bay quân sự của Pháp sang Việt Nam như lần này. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1954 các máy bay quân sự của Pháp bay trên bầu trời Việt Nam và hạ cánh tại sân bay của Việt Nam”, ông nói.

Theo Đại biện Sigaud, Chương trình PEGASE của các máy bay quân sự Pháp sang Việt Nam cũng là một sự kiện mang tầm chính trị quan trọng, nằm trong chương trình chung nhằm kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước. “Trong khuôn khổ 2 lễ kỷ niệm quan trọng này của 2 nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3 vừa qua đã có chuyến thăm chính thức Pháp theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong chuyến thăm đó, Tổng Bí thư và các lãnh đạo Pháp đã bày tỏ mong muốn quan hệ song phương phát triển hơn nữa trên lĩnh vực quốc phòng. Việc triển khai chiến dịch PEGASE tại Việt Nam là một trong những bước đi cụ thể để thực hiện điều này”, ông Sigaud cho hay.

Ngoài yếu tố về lịch sử, chính trị, chiến dịch PESAGE còn có ý nghĩa về mặt chiến lược. Chiến dịch này góp phần tăng cường sự hiện diện của Pháp tại khu vực có lợi ích chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Pháp với các đối tác chiến lược chính trong khu vực. Mặt khác, chiến dịch cho phép duy trì năng lực tác chiến đội bay, sẵn sàng để triển khai tới bất cứ nơi nào trên thế giới. “Chúng tôi chọn Việt Nam là một trong những điểm triển khai Chiến dịch PESAGE lần này thể hiện tầm quan trọng mà Pháp dành cho vị thế của Việt Nam trong quan hệ song phương giữa 2 nước”, Đại biện Đại sứ quán Pháp nhấn mạnh.

Tại họp báo, Tướng Patrick Charaix – chỉ huy chiến dịch PESAGE – cũng đánh giá đây là chuyến thăm lịch sử của không quân Pháp tới Việt Nam. “Trước đây, quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước chủ yếu là trong lĩnh vực hải quân. Với việc tham gia chiến dịch tác chiến PEGASE, chúng tôi hy vọng và mong muốn đặt những viên gạch đầu tiên trong quan hệ hợp tác không quân giữa hai nước”, Tướng Patrick bày tỏ. Theo ông Charaix, chuyến thăm được thực hiện sau tập trận tại Australia. Chính quyền Australia hiện đã đề nghị đến năm 2020 sẽ tiến hành tập trận nên đến năm 2020, Pháp có thể tổ chức hoạt động tương tự chuyến thăm lần này. “Chúng tôi nghĩ rằng sự hợp tác của chúng ta có thể tập trung vào mảng đào tạo và đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm”, ông nói thêm.

Rafale hiện là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Pháp, do Tập đoàn Dassault Aviation, một trong những hãng chế tạo máy bay lâu đời nhất thế giới sản xuất. Theo lịch trình dự kiến, đội bay Pháp sẽ ở Việt Nam từ ngày 26 đến 29/8. Ngoài Việt Nam, các máy bay của không quân Pháp trong chiến dịch PEGASE còn ghé thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.