Theo tạp chí trên, đầu những năm 2000 là thời điểm cướp biển hoành hành ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những vùng biển có lưu lượng tàu bè qua lại cao và những khu vực vùng biển mở có nhiều tàu chở hàng qua lại nhưng không được hoặc ít được bảo vệ. Thống kê mới nhất về tình trạng cướp biển của Phòng thương mại quốc tế (ICC) và Cục hàng hải quốc tế (IMB) cho biết, trong 3 quý đầu tiên của năm 2017 ước tính đã xảy ra 121 vụ cướp biển. Những vụ việc này bao gồm âm mưu, tấn công, bắn, cướp tàu…
Tuy nhiên, nếu trước đây những khu vực Sừng châu Phi hay Vịnh Eden là những địa điểm nổi tiếng về nạn cướp biển thì trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, 40% những vụ tấn công cướp biển lại xảy ra ở các vùng biển châu Á. Cướp biển đã trở thành một mối lo ngại về an ninh lớn ở khu vực khi hoạt động vận chuyển thương mại diễn ra tấp nập tại khu vực từ Biển Andaman tới vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Bắc Philip pines. Trong các năm 2015 và 2016, nạn cướp biển xảy ra tập trung ở khu vực Đông Nam Á, khiến khu vực trở thành thiên đường của cướp biển.
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ Đông Nam Á là thiên đường của cướp biển bởi chính phủ các nước trong khu vực chưa thiết lập được những hệ thống cảnh báo cũng như xây dựng được năng lực phản ứng sớm. Việc giám sát và kiểm soát cũng là một thách thức ngày càng lớn. Trong bối cảnh như vậy, việc sử dụng các máy bay không người lái sẽ là cách thức hiệu quả để các nước đang muốn giảm nguy cơ cướp biển tại các tuyến đường vận tải thương mại và vận tải quan trọng cân nhắc. Bởi, với việc chi phí tương đối thấp, những chiếc máy bay không người lái có thể do thám ở những khu vực rộng lớn và đảm bảo an ninh thông qua việc tiến hành trinh sát liên tục.
Trong vài năm qua, khi những nỗ lực khác đã được chứng minh chỉ mang lại hiệu quả hạn chế, máy bay không người lái đã được thảo luận như một trong những công cụ chống cướp biển. Các công ty vận tải thương mại hoạt động ở các vùng biển xa ngoài phạm vi hoạt động của các lực lượng an ninh trên biển đang ngày càng chuyển sự chú ý tới việc sử dụng máy bay không người lái. Đến nay, giới chức một số nơi cũng đã đưa máy bay không người lái vào các chiến dịch chống cướp biển. Ví dụ, Chiến dịch Atalanta của Lực lượng hải quân Liên minh châu Âu (EUNAVFOR) – chiến dịch chống cướp biển của EU ở ngoài khơi bờ biển Somalia – cũng đã triển khai các máy bay không người lái để làm nhiệm vụ thu thập thông tin, theo dõi, phát hiện mục tiêu và do thám.
Theo The Diplomat, các nước Đông Nam Á có thể nghiên cứu để áp dụng tại vùng biển của khu vực dù việc này có thể tốn kém. Lực lượng hải quân những nước có tiềm lực tài chính, hậu cần và năng lực hoạt động như Indonesia và Malaysia có thể triển khai các máy bay không người lái hoạt động ở tầm trung trong khi các lực lượng hải quân nhỏ hơn có thể triển khai các máy bay người lái ở gần bờ và để theo dõi các địa điểm thường xảy ra cướp biển, các khu bảo tồn và tiến hành đột kích vào những thiên đường an toàn từ khoảng cách gần.
Những nỗ lực của các chính phủ và cả các bên tư nhân, các bên không phải nhà nước có thể nâng cao năng lực do thám cần thiết để giúp giảm đe dọa cướp biển ở vùng biển xung quanh Đông Nam Á, biến nơi từng là thiên đường cướp biển này trở lại thành thiên đường vận tải an toàn và an ninh.