Bộ Công thương nhận định, tuy kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn đạt kết quả tăng trưởng khá. Tốc độ xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng của nhập khẩu, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu.
Kinh tế vẫn phát triển ổn định
Theo số liệu mới nhất vừa được Bộ Công thương công bố cho thấy kinh tế Việt Nam không bị ảnh hưởng lớn từ căng thẳng Biển Đông, đặc biệt trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Theo đó, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2014 có mức tăng trưởng 5,8% cao hơn cùng kì năm 2013. Cụ thể, các nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng cao như sản xuất và phân phối điện tăng 10,9% so với cùng kì 2013, công nghiệp chế biến tăng 7,85%, ngành cung cấp nước, quản lí và xử lí nước thải tăng 5,9%
Theo báo cáo tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 204 ước đạt khoảng 70,88 tỉ USD, tăng khoảng 14,9% so với năm 2013, tương đương với 9,19 tỉ USD. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỉ trọng 32,5%, ước đạt khoảng 23,053 tỉ USD, tăng 11,5% các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô chiếm tỉ trọng 61,7% ước đạt 43,756 tỉ USD tăng 17,12% so với năm 2013.
Xuất khẩu tăng trưởng ở mức khá ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, 6 tháng đầu năm 2014 cả nước có 13 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD.
Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt khoảng 69,561 tỉ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2013, tương đương với 6.885 tỉ USD. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 30.261 tỉ USD, chiếm 43,5% kim ngạch nhập khẩu, tăng 10,3%, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 39.299 tỉ USD, chiếm 56,5% tăng 11,6% so với năm 2013.
Tốc độ tăng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu, cán cân thương mại của VN nhân 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục xuất siêu, ước xuất siêu khoảng 1,32 tỉ USD.
Giải bài toán phụ thuộc Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công thưởng Đỗ Thắng Hải: Mấu chốt phải mở rộng thị trường |
“Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng bằng 48,7% kế hoạch năm. Xuất siêu ổn định góp phần đảm bảo dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Xuất nhập khẩu của khối DNNN tăng trưởng khá, nhóm hàng nông lâm thủy sản tăng 13,6%. Các thị trường truyền thống tiếp tục được giữ vững”, Bộ Công thương nhận định.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, đầu tư trong nước đạt 96.551 nghìn tỉ đồng, đạt 34,3% kế hoạch năm, tăng 13,7% so với cùng kì. Đầu tư nước ngoài đạt 6,8 tỉ USD, bằng 64,7% so với cùng kì.
Mấu chốt là phải mở rộng thị trường
Mặc dù phát triển đầy nỗ lực, tuy nhiên ngành công nghiệp khai khoáng có giảm nhẹ 2,5%, chỉ số tồn kho vẫn khá cao. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm nhẹ chủ yếu ở mặt hàng nông sản như: rau quả, gạo, cao su…
Căng thẳng Biển Đông ngày càng leo thang nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng cao, tháng 5/2014 tăng hơn 30%, tháng 6 tăng hơn 11 %. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: “Căng thẳng Biển Đông đã ảnh hưởng đến nền kinh tế song nhờ chỉ đạo của Chính phủ, bộ ngành đã nhanh chóng ổn định, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp yên tâm phát triển”.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều ngành công nghiệp: cơ khí, xây dựng, chế biến gỗ, dệt may, chế biến titan, sắn,…đang đứng trước rất nhiều khó khăn do chịu sự chi phối của các nhà thầu, doanh nghiệp Trung Quốc. Chỉ số tồn kho nhiều ngành tăng cao do quan hệ buôn bán với phía Trung Quốc đình trệ.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc sẽ triệt tiêu nội lực, làm thui chột khả năng sáng tạo của người Việt, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Nói về vấn đề không phụ thuộc, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng là nước láng giềng của một quốc gia lớn như Trung Quốc mà Việt Nam làm các hàng hóa giống y chang như họ thì rất khó để phát triển. Ông lưu ý các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất xảy ra để chủ động đối phó, trước đây chủ yếu làm ăn với Trung Quốc thì nay phải tích cực đàm phán, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng “Giải bài toán phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc điểm mấu chốt là phải mở rộng và đa dạng hóa thị trường”. Ông Hải cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thị trường trong nước có mức tăng trưởng cao. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng gần 11% so với cùng kì nhưng sức mua vẫn còn thấp.
Theo ông, các doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bên cạnh làm ăn với Trung Quốc, cần tích cực đàm phán, mở rộng cơ hội hợp tác với các thị trường tiềm năng. Các thị trường mới bị bỏ quên trước đây cần phải chủ động thiết lập quan hệ để từng bước đa dạng hóa thị trường.
Ông cho biết, căng thẳng Biển Đông leo thang vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội, một bộ phận lớn người Việt Nam đã quay lưng với hàng Trung Quốc khiến hàng Việt ngày càng được ưa chuộng hơn. “Vấn đề vải thiều ở Bắc Giang đã quá rõ, thay vì xuất khẩu sang Trung Quốc như trước đây, chúng ta mở rộng thị trường cho vải Nam tiến, vải thiều đi Tây vận động 90 triệu người dân mua vải ăn nhờ vậy người nông dân bớt khổ”, ông Hải lấy ví dụ./.