Màu “áo xanh” thầm lặng tại SEA Games 31

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hơn tuần nay, không khí Ngày hội thể thao lớn nhất khu vực đã hiện hữu trên từng tuyến phố, trong sự chào đón của người dân khi sự kiện SEA Games 31 đang được tổ chức và diễn ra tại Việt Nam. Góp phần tạo nên thành công của Đại hội là đóng góp không nhỏ của đội ngũ tình nguyện viên trẻ tuổi.

Vòng tuyển chọn trong mơ

Sau 2 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, cũng như 19 năm kể từ kỳ SEA Games 2003, triệu con tim yêu thể thao Việt Nam mới lần nữa lại được hoà chung một nhịp đập hướng về SEA Games 31. SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam đang là đề tài nóng hổi khắp trong nhà, ngoài ngõ, bởi chúng ta không chỉ khẳng định được vị thế đội chủ nhà với loạt thành tích đáng nể mà còn cho thấy nỗ lực tổ chức Đại hội an toàn, thành công.

Ngô Thị Linh và Dương Thị Lê (phải) – tình nguyện viên tại Trung tâm Báo chí.

Ngô Thị Linh và Dương Thị Lê (phải) – tình nguyện viên tại Trung tâm Báo chí.

Để có được thành công của Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31, bên cạnh Ban Tổ chức, có một lực lượng đóng vai trò không nhỏ đó chính là các tình nguyện viên (TNV). Trong nhiều ngày qua, hàng nghìn TNV trẻ tuổi tại 13 tỉnh, thành phố đã và đang tiếp tục dốc sức mình cho thành công của Đại hội. Được biết, những TNV hầu hết đều là sinh viên các trường đại học, được lựa chọn từ những vòng tuyển chọn gắt gao của Ban Tổ chức.

Thủ đô Hà Nội, nơi tổ chức Lễ khai mạc, bế mạc và 18 môn thi đấu tại 14 địa điểm là địa bàn trọng điểm trong kỳ Đại hội lần này. Công tác tuyển chọn TNV cho Thủ đô đã được bắt đầu từ tháng 2/2022 với khoảng 5.000 đơn do các bạn trẻ đăng ký. Trong đó, hơn 3.000 TNV đã được Ban Tổ chức đánh giá và lựa chọn kỹ càng dựa trên các tiêu chí về ngoại hình, khả năng ngoại ngữ, tinh thần trách nhiệm và phải đảm bảo về mặt sức khỏe.

“Cũng như câu slogan của SEA Games 31 – “vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, chúng em sẽ cố gắng hết sức mình cho kỳ Games 31 thành công, nhằm truyền cảm hứng và lan tỏa tình đoàn kết, tinh thần thể thao mạnh mẽ tới người dân trong khu vực Đông Nam Á”, bạn Dương Thị Lê chia sẻ.

Các TNV chủ yếu là sinh viên thuộc các trường đại học tại Hà Nội, được tham gia đào tạo và huấn luyện bài bản để có thể đáp ứng nhu cầu của Đại hội. “Em đã phải rất quyết tâm để có thể trở thành một phần nhỏ của SEA Games 31”, đó là những lời chia sẻ của bạn Dương Thị Lê (18 tuổi, sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội) - TNV tại Trung tâm Báo chí. Đối với Lê, đây là giấc mơ mà nhất định em phải làm được, bởi sau nhiều năm SEA Games mới trở lại Việt Nam và em không muốn bỏ lỡ cơ hội này.

“Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games là vào năm 2003, cũng chính là năm sinh của em và đây chính là lần thứ hai Việt Nam mình lại đăng cai. Em cảm thấy rất hào hứng, tự hào vì điều đó, khi được thầy cô giới thiệu thì em không ngần ngại đăng kí tham gia vào công việc tình nguyện cho SEA Games 31”, Lê chia sẻ.

Để hoàn thành được ước mơ đó, Lê đã phải trải qua 2 vòng tuyển chọn gắt gao, bao gồm vòng đơn và vòng phỏng vấn trực tiếp. Đối với vòng phỏng vấn trực tiếp, Lê thậm chí còn phải phỏng vấn bằng tiếng Anh 100%. Cùng với khả năng ngoại ngữ, các ứng viên còn phải thể hiện được những kinh nghiệm mà mình đã có và cuối cùng là một tinh thần sẵn sàng “cháy” hết mình cho một mùa SEA Games 31 thành công.

Không chỉ riêng Lê mà rất nhiều sinh viên khác đều sẵn sàng mang nhiệt huyết tuổi trẻ của mình đến với SEA Games 31 nếu có cơ hội. Ngô Thị Linh (24 tuổi, cử nhân Trường Đại học Hà Nội) – trưởng nhóm TNV tại Trung tâm Báo chí, dù đã tốt nghiệp nhưng khi nghe thông tin tuyển chọn TNV, bạn vẫn quyết định đăng kí tham gia với tinh thần học hỏi, trải nghiệm và mong muốn góp sức mình cho Đại hội.

“Lần đầu tiên em biết đến SEA Games là vào năm 2003, khi linh vật chú Trâu Vàng xuất hiện trên phố phường, cùng giai điệu bài hát “Vì một thế giới ngày mai” vang lên trên những con đường khi bố mẹ đón em đi học về. Khi ấy em chỉ hiểu rằng đây là một sự kiện quan trọng của đất nước. Gần 20 năm sau, lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á, lúc này đã có những hiểu biết nhất định, em cảm thấy bản thân muốn được đóng góp một phần nhỏ bé sức mình vào sự kiện lớn của đất nước cũng như khu vực”, Linh tâm sự.

Có thể thấy với nhiều bạn trẻ, TNV tại SEA Games 31 không chỉ là một công việc tự nguyện hay là một phong trào thi đua, đối với các bạn đây là cơ hội được hiện thực hoá ước mơ của mình, cơ hội được học hỏi, trải nghiệm, tiếp xúc với các nền văn hoá trong khu vực và quan trọng hơn cả là được cống hiến hết mình cho Đại hội nói riêng và Tổ quốc nói chung.

Hình ảnh đẹp của các tình nguyện viên tại Lễ khai mạc SEA Games 31.

Hình ảnh đẹp của các tình nguyện viên tại Lễ khai mạc SEA Games 31.

Trải nghiệm khó quên của tuổi trẻ

Sức trẻ luôn đem lại những nguồn năng lượng tích cực và chính sức trẻ của các TNV đã góp phần không nhỏ mang đến một mùa SEA Games 31 thành công như hiện tại. Trong nhiều ngày qua, hình ảnh đẹp của màu áo xanh tình nguyện xuất hiện ở khắp mọi nơi càng khẳng định tinh thần xung kích của tuổi trẻ, xây dựng hình ảnh thanh niên Việt Nam thanh lịch, văn minh trong mắt bạn bè quốc tế.

Để làm được như vậy, các TNV luôn phải “đi sớm, về khuya”, luôn là người có mặt sớm nhất và ra về muộn nhất. Vì đa phần đều là các bạn sinh viên nên để có thể tham gia tình nguyện họ phải sắp xếp việc học, thức khuya, dậy sớm vì công việc này. Như các TNV tại Cung Thể thao Quần Ngựa thường sẽ có mặt lúc 6 - 7h giờ để hỗ trợ công tác hậu cần, hướng dẫn các đội tuyển và họ sẽ rời nhà thi đấu vào lúc 21 - 22h.

Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các TNV cũng được chuẩn bị sẵn tâm lý khi có tình huống phát sinh, đòi hỏi các bạn phải có cách giải quyết hợp lý và kịp thời. Như ngày khai mạc SEA Games, trước lúc bắt đầu Lễ thời tiết khá xấu và có mưa lớn, các TNV đã dọn dẹp, làm sạch sân khấu, đảm bảo cho buổi lễ được diễn ra an toàn và thành công. Sau khi kết thúc chương trình, các bạn cũng ở lại nhặt rác, vệ sinh và kiểm tra khán đài xem có ai để quên đồ gì hay không. Hôm đó, các TNV đã phải làm việc từ 15h chiều đến 22h giờ tối trong thời tiết mưa gió.

Có thể nói, những người trẻ ấy, họ không quản khó khăn, không quản vất vả và luôn cố gắng hết sức mình cho công việc với mong muốn Đại hội thành công tốt đẹp. Khối lượng công việc nhiều cộng với thời gian làm việc dài như vậy nhưng các TNV luôn có thái độ vui tươi, tích cực. Dù rất mệt nhưng các bạn không than vãn và luôn động viên nhau bằng những nụ cười của sức trẻ đầy nhiệt huyết.

Bởi dù có vất vả một chút nhưng họ thật tự hào vì những gì mình đã góp sức cho Đại hội. Đồng thời đây còn là cơ hội giúp họ học hỏi, trau dồi thêm nhiều kỹ năng. Bạn Ngô Thị Linh chia sẻ: “Qua quá trình làm tình nguyện, em đã học hỏi được thêm nhiều điều. Đầu tiên là hãy luôn cố gắng giữ thái độ chuyên nghiệp trong khi làm nhiệm vụ. Bởi em hiểu rằng khi khoác lên mình chiếc áo TNV, chúng em cũng đang là một hình ảnh đại diện cho đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Tiếp theo, đó là khả năng xử lý và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài ra, kỹ năng lãnh đạo và làm việc nhóm của em cũng được củng cố và cải thiện hơn rất nhiều”...

Bên cạnh đó, quý báu hơn cả còn là những kỷ niệm sẽ còn mãi… Bạn Dương Thị Lê nhớ lại: “Cho đến bây giờ nếu nói về kỷ niệm thì cũng có nhiều, nhưng mà đáng nhớ nhất chính là Lễ khai mạc SEA Games 31 tại sân vận động Mỹ Đình. Khi có cơ hội được xem Lễ khai mạc trực tiếp như vậy em rất xúc động và hạnh phúc khi được hoà mình vào âm nhạc, vào không khí tại sân vận động, mà đã rất lâu rồi em cũng như rất nhiều khán giả mới cảm nhận được sau một thời gian dài do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các tiết mục nghệ thuật được trình diễn trên sân Mỹ Đình thật sự khiến em cảm thấy rất tự hào, nghệ thuật của nước nhà cũng không thua kém gì với bạn bè quốc tế”. Có lẽ tất cả những kỷ niệm mà các TNV có được trong kỳ SEA Games này đều thật đẹp và đáng nhớ.

Khi được hỏi, nếu có cơ hội, các bạn sẽ tiếp tục tham gia những hoạt động tương tự, tất cả câu trả lời nhận được đều là có. “Công việc tình nguyện có cả những niềm vui và những khó khăn, nhưng sau này chúng đều sẽ là kỷ niệm khó quên trong tuổi trẻ. Nếu có cơ hội và thời gian, em nghĩ rằng em sẽ vẫn tiếp tục tham gia những hoạt động tương tự, cũng như khích lệ bạn bè cùng tham gia”, Linh trả lời.

Có lẽ SEA Games 31 sẽ là kỳ Đại hội Thể thao đặc biệt mang đầy ý nghĩa đối với các TNV. Vì đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Các bạn đã và đang hoà vào dòng chảy chung để tạo nên thành công của kỳ SEA Games này và dòng lịch sử trọng đại của đất nước…

Đọc thêm

Cuộc chiến ở sân Vinh

Đông Á Thanh Hoá sẽ làm khách tại sân Vinh (Ảnh: VPF)
(PLVN) - Các CLB miền Trung đều ra quân trong ngày chủ nhật, điểm nhấn sẽ là sân Vinh với trận derby Thanh - Nghệ.

Giải chạy lan tỏa thông điệp cứu hộ động vật hoang dã

Giải chạy lan tỏa thông điệp cứu hộ động vật hoang dã
(PLVN) - Vào ngày 8/12/2024 tới đây, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiếp tục đồng hành cùng Sporting Republic tổ chức giải chạy “Song Hong Half Marathon 2024” - #Run4WildlifeHN tại Khu đô thị Ciputra (Hà Nội). “Song Hong Half Marathon 2024” - #Run4WildlifeHN là giải chạy được tổ chức thường niên nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ các loài động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam.

Tầm nhìn cho thể thao, thấy nhưng làm được không?

Thể thao Việt Nam hướng tới sân chơi châu lục. Ảnh: G.P
(PLVN) - Trong tuần tới, một “hội nghị Diên Hồng” về tầm nhìn cho thể thao Việt Nam tới 2045 sẽ được tổ chức. Tầm nhìn chúng ta đã có, nhưng để mang những tấm huy chương ở những đấu trường như Olympic là không hề dễ dàng.

Nhiều tay vợt tranh tài Cúp Báo Hànộimới

Mùa giải năm nay có sự phát triển vượt bậc, thể hiện ở số lượng vận động viên tham gia thi đấu tăng khoảng 30% so với mùa giải trước (ảnh Quang Thái).
(PLVN) - Nhiều tay vợt đã thể hiện được trình độ và sự quyết tâm cao tại Giải bóng bàn các câu lạc bộ Hà Nội mở rộng, tranh Cúp Báo Hànộimới lần thứ XI năm 2024. Các vận động viên đã đem đến cho khán giả theo dõi tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (Hà Nội) những pha bóng gay cấn.