Những suất cơm đầy đặn, đủ chất dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm được bán với giá 1.000 đồng vào thứ 2 hàng tuần tại 405 Bạch Đằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Suất cơm làm "mát lòng" nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội những ngày nắng nóng. Ảnh MP. |
“Của biếu là của lo, của cho là của nợ”, nhằm xoá bỏ tâm lý e dè, mặc cảm này khi nhận những bữa cơm 0 đồng, miễn phí, anh Nguyễn Anh Vũ - người sáng lập Quỹ thiện nguyện Tâm Thương nảy ra ý tưởng tổ chức chương trình cơm 1.000 đồng.
“Chỉ phải chi trả 1.000 đồng, những người lao động, người khó khăn phải “chạy ăn từng bữa” có thể trở thành “thượng đế”, được phục vụ chu đáo với sự tôn trọng và sẻ chia”, anh Vũ nói.
Người lao động, khó khăn được thưởng thức những món ăn đầy đủ dưỡng chất. Ảnh: MP |
Quỹ Thiện nguyện Tâm thương từng có những hoạt động ý nghĩa như “Chuyến xe về tết” hay các hoạt động giúp đỡ người khó khăn, yếu thế.
"Suất cơm 1.000 đồng" cũng được quỹ phát động thường niên tại các nhà hàng ở Hà Nội.
Chỉ phải chi trả 1.000 đồng, những người lao động, người khó khăn phải “chạy ăn từng bữa” có thể trở thành “thượng đế”. Ảnh: MP. |
Trải qua 5 tuần liên tiếp, mỗi thứ hai hàng tuần nơi đây lại thành địa chỉ quen thuộc giúp ích cho hàng trăm người lao động khó khăn, người có hoàn cảnh đặc biệt được mua những món ăn nhà hàng với mức giá 1.000 đồng. Đầu bếp lựa chọn nguyên liệu tươi ngon, mùa nào thức ấy, gói gọn tình yêu ẩm thực của mình vào mỗi món ăn để gửi đến các thực khách đặc biệt. Thịt, cá, rau, củ quả... đều rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được chế biến và sử dụng trong ngày nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động bán những suất ăn giá 1.000 đồng sẽ được tiếp tục sử dụng vào mục đích thiện nguyện tiếp theo.
“Của cho không bằng cách cho”, đây là một mô hình xuất phát từ sự tử tế và tôn trọng những người còn kém may mắn, là tiếp nối truyền thống “lá lành đùm lá rách” có từ ngàn đời của dân tộc Việt.