Thông tin dự kiến 0 giờ ngày 1/1/2011, Bộ tài chính sẽ bắt tay vào kiểm kê, đánh giá lại vốn, tài sản tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước không mấy làm công luận ngạc nhiên. Thậm chí, không ít ý kiến còn đặt câu hỏi: “Sao mãi đến đến giờ này, sau 10 năm, Bộ mới tính chuyện kiểm kê.”
Kiểm kê tài sản doanh nghiệp có vốn nhà nước - nhớ câu "mất bò mới lo làm chuồng" - Ảnh minh họa |
Trước đây, vào những năm đầu của kế hoạch 5 năm, Chính phủ thường tổ chức thực hiện việc kiểm kê đánh giá lại tài sản của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước; tuy nhiên, từ sau đợt kiểm kê vào thời điểm 1/1/2000 tới nay, chưa thực hiện kiểm kê, đánh giá lại tài sản của doanh nghiệp nhà nước.
10 năm, đối với một con người, đó là quãng thời gian đủ dài để một đứa trẻ từ lúc chưa biết nói biết đi trở nên biết quan sát và nhìn nhìn nhận về thế giới xung quanh. 10 năm với một doanh nghiệp cũng đủ để trải qua sự thăng trầm dâu bể.
Hãy hình dung, trong quãng thời gian đó nếu doanh nghiệp cứ vô tư hoạt động, chỉ định kỳ lập rồi gửi báo cáo tài chính mà không hề phải trải qua một cuộc tổng kiểm tra , “sát hạch” lớn nào thì ai dám chắc sự bảo toàn khối tài sản, vốn khổng lồ mà Đảng, Chính phủ đã tin tưởng giao vào tay họ giờ được “đúc“ vuông, tròn hay méo?
Mấy năm nay, chuyện kiểm kê tài sản công , đất công cũng được Bộ tài chính “xới” lên. Nhưng đó đây, chỗ này chỗ khác người ta vẫn nhìn thấy việc sử dụng chưa thực hiệu quả. Trong câu chuyện về Vinashin với việc quản lý vốn lỏng lẻo, đầu tư dàn trải gây thiệt hại cho nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng vừa qua, dư luận hướng sự chú ý vào vai trò giám sát của các bộ ngành như Tài chính, Giao thông vận tải với câu hỏi: cơ quan quản lý vốn nhà nước ở đâu, sao không một lần thổi còi trước sự vung tay quá trán của Vinasshin để đến giờ phải gánh tình cảnh này.
Nhà nước với vai trò chủ sở hữu có thể điều hòa từ nơi thừa vốn sang nơi thiếu vốn; tuy nhiên, do chưa có đánh giá chính xác về tình trạng thừa thiếu vốn tại các doanh nghiệp nên cũng chưa thực hiện điều chỉnh được. Việc kiểm kê đánh giá lại tài sản của doanh nghiệp thời điểm này là cần thiết và nên làm khẩn trương. Nhưng cũng từ muôn sự đã xảy ra, chớ quên câu xưa nay vẫn dạy: “mất bò mới lo làm chuồng”. Có lẽ đã đến lúc ngay cả những cơ quan quản lý cần bắt đầu nhìn nhận mọi thứ xung quanh bằng việc kiểm kê lại chính mình.
Khánh Minh