Lớn lên trong sợ hãi
Nhiều cô gái đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên không chỉ có những thay đổi thay đổi về cơ thể mà còn thay đổi cả tâm tính. Có nhiều em bỗng trở nên buồn nản khổ sở, không biết chia sẻ cùng ai. Hỏi ra mới biết rằng tuần trước em bị “chảy máu vùng kín”. Em nghĩ chắc là do mình nắm tay bạn trai cùng lớp nên đã mất trinh!
“Đấy là lần đầu tiên em nắm tay con trai, vì em với bạn ấy đi học thêm về khuya, qua đoạn đường vắng, em sợ ma nên bạn ấy cầm tay dắt đi. Vậy mà hôm sau em đã bị chảy máu rồi. Em nghe nói mất trinh thường chảy máu nên không dám nói với mẹ”, Hiền, một cô bé học lớp 6 tâm sự trong thổn thức.
Mặc dù với thời đại internet bùng nổ thông tin, trẻ có thể tự tìm hiểu đôi chút về cơ thể mình nhưng không phải là bằng một con đường chính thống. Tò mò và có phần lén lút là cách mà trẻ em Việt Nam phải tự tìm hiểu về cơ thể mình. Cách thức đó, đương nhiên không thể dễ dàng khiến trẻ hiểu một cách đúng đắn về những thay đổi sinh lý của cơ thể.
“Em không thích người em bị “mọc lông”, cô bé Lan Anh, học sinh lớp 7 nói, cô bé cho rằng thế là hư hỏng!
Những cậu bé mới lớn thì thường xuất hiện với khuôn mặt xây xước vì cạo râu. Chẳng có ai dạy cho bọn trẻ cách sử dụng dao cạo thế nào cho phải cả.
Cho trẻ biết bí mật của cơ thể bằng cách dạy con cạo râu
Những đứa trẻ Tây mặc dù nổi tiếng hơn so với trẻ con phương Đông ở sự tự lập nhưng lại có một nền giáo dục khoa học và vững chắc hơn đảm bảo có thể phát triển tự lập.
“Tôi nhớ vào lễ tạ ơn năm tôi 15 tuổi, tôi thức dậy và thấy bố đang ngồi nhìn tôi ngủ. Ông hôn tôi và nói rằng đã đến lúc tôi phải học cách cạo râu rồi. Ông dẫn tôi vào phòng tắm và dạy tôi cách cạo râu, cách đưa lưỡi dao thế nào để không bị rách da”, Dana, một khách du lịch người Mỹ tại Việt Nam cho biết.
Tuổi dậy thì là giai đoạn có thể gây nhiều rắc rối cho trẻ. |
“Ông dạy tôi nên đưa lưỡi dao ngược lên nhưng qua thời gian, tôi thấy rằng đưa lưỡi dao xuống phía dưới sẽ hợp với khuôn mặt tôi hơn và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm ơn bố vì bài học đầu tiên ấy. Ông cho tôi biết rằng tôi đang lớn lên một cách bình thường và giúp tôi cảm thấy yên tâm với cơ thể mình. Tôi bắt đầu thấy mình như một người đàn ông trưởng thành và sẵn sàng đối thoại với bố nếu có rắc rối gì về cơ thể”.
Theo PGS.TS Văn Thị Kim Cúc, giám đốc Trung tâm Tâm lý học Ngàn phố thì trẻ em Việt Nam thường lớn lên hơi quá bản năng, không được sự chỉ dẫn tỉ mỉ của bố mẹ: “Cái quan trọng là bố mẹ phải có ý thức về việc dạy dỗ con về cơ thể mình nếu không trẻ có thể hoảng sợ khi có sự thay đổi về cơ thể và thậm chí, dẫn đến hậu quả đáng tiếc”.
Theo Kim Sen
Afamily