Trong bài diễn văn "I have a dream…" đọc tại thủ đô Washington ngày 28/8/1963 trong giai đoạn mà nước Mỹ còn phân biệt chủng tộc, Martin Luther King đã hướng về một giấc mơ mà ở đó "những đứa trẻ da đen và những đứa trẻ da trắng sẽ cùng nắm tay nhau như anh chị em một nhà".
Bài diễn văn đó là nền tảng cho Đạo Luật Dân quyền năm 1964, do tổng thống Lyndon Johnson ban hành, với nội dung nghiêm cấm tất cả các phân biệt đối xử trên nước Mỹ vì chủng tộc, màu da, tôn giáo hay giới tính.
Nhà sử học người Mỹ, Taylor Branch, tác giả một bộ sách ba tập (America in the King Years – Hoa Kỳ trong những năm tháng King) dành để nói về nhà đấu tranh da đen được ngưỡng mộ nhất tại Hoa Kỳ quả quyết, phong trào dân quyền của mục sư Martin Luther King không chỉ đòi hỏi công bằng và quyền được đối xử bình đẳng cho những người Mỹ da đen. Mục sư King đã hướng tới "toàn thế giới".
Martin Luther King đến nay là công dân Mỹ đầu tiên và duy nhất không phải là tổng thống nhưng ngày sinh của ông là một ngày lễ được cả nước vinh danh.
Cuộc đời 39 năm sóng gió
Nửa thế kỷ qua, tất cả các đời tổng thống bất luận là thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa đều nói đến "di sản đồ sộ" mà người con của thành phố Atlanta, bang Georgia này để lại. Nhưng trong cuộc đời ngắn ngủi 39 năm, mục sư King không phải lúc nào cũng được xem là một anh hùng.
Ông từng bị FBI theo dõi ngày đêm, từng phải vào tù ra khám sau các cuộc biểu tình tọa kháng, từng nhiều lần bị ám sát hụt cho đến viên đạn của James Earl Ray ngày 4/4/1968.
Năm 1964 tổng thống Johnson ban hành Đạo Luật Dân quyền trước sự chứng kiến của mục sư Martin Luther King. Ba năm sau đó, cũng tổng thống Johnson chỉ định vị thẩm phán da đen đầu tiên vào Tối cao Pháp viện. Bảy dân biểu da đen mở được cánh cửa của Hạ viện...
Từ đó tới nay, tướng Collin Powell, được mời làm tổng tham mưu trưởng quân đội và bà Condoleezza Rice là phụ nữ da đen đầu tiên đứng đầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Đúng Ngày Martin Luther King năm 2009, vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ tuyên thệ nhậm chức. Trong các lĩnh vực từ văn hóa đến thể thao, những ngôi sao hay thần tượng như Beyoncé, Oprah Winfrey Jordan Peel làm mê hoặc cả thế giới. Ở mỗi chặng đường nói trên, đều có dấu ấn của cố mục sư Martin Luther King.
Martin Luther King trong một cuộc tuần hành đòi công bằng và quyền được đối xử bình đẳng cho những người da đen |
Nhà sử học David Farber, đại học Kansas nhắc lại rằng, ngày nay mọi người vinh danh ông mà đã quên mất rằng, tại đất nước Hoa Kỳ trong những năm 1960, Martin Luther King là "một nhân vật gây nhiều tranh cãi".
Vị mục sư trẻ tuổi này, từng bị coi là "một đối tượng cực đoan" khi ông mạnh mẽ chống lại chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đòi công lý cho tất cả những con người nghèo khổ trên đất Mỹ, không chỉ riêng gì cho người Mỹ gốc châu Phi".
Ở vào thập niên 1960, đang dấy lên phong trào dân quyền, chống chiến tranh Việt Nam, gây chia rẽ hơn bao giờ hết trong công luận Mỹ. Mục sư Martin Luther King công khai bày tỏ lập trường chống chiến tranh.
Đúng một năm trước ngày bị ám sát, ngày 4/4/1967, ở New York, ông đã đọc một bài diễn văn lên án Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam. Hai tờ báo uy tín tại Mỹ thời đó xem những công kích này của mục sư King là "một sai lầm chiến thuật" làm "hủy hoại uy tín" của ông.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu về lịch sử thuộc đại học Buffalo Henry Louis Taylor Jr. ghi nhận Martin Luther King bị tấn công từ tứ phía: "Một bộ phận trong phong trào dân quyền chống đối chủ trương đấu tranh bất bạo động của mục sư King. Một phần lớn chính giới ở Hoa Kỳ bất bình khi ông công khai lên án chiến tranh Việt Nam".
Một nhà sử học khác là David Garrow đã viết nhiều sách về mục sư King lưu ý rằng: Lên tiếng về chiến tranh Việt Nam ở vào thời điểm đó, tức là năm 1967 "chưa được công luận hưởng ứng như ở vào thời thời kỳ năm 1972 chẳng hạn (...) Trong hai năm cuối đời, mục sư King đã hơn một chục lần nhắc đi nhắc lại giấc mơ của ông tại thủ đô Washington năm 1963 đã trở thành một cơn ác mộng".
Giấc mơ còn dang dở
Nửa thế kỷ sau ngày mục sư Martin Luther King bị ám sát, nhiều chuyên gia cho rằng, giấc mơ về một xã hội hài hòa và nhân ái trên đất Hoa Kỳ, tới nay vẫn hãy còn là một giấc mơ. Nhà sử học đại học New Hampshire, Jason Sokol, không phủ nhận những "bước tiến rất dài" mà xã hội Mỹ đã đạt được trong 50 năm qua, nhưng "những bất công vẫn tồn tại". Chỉ cần nhìn vào chênh lệch về tỷ lệ nghèo khó giữa hai cộng đồng da trắng và da đen, hay những vụ bạo hành nhắm vào người Mỹ gốc Phi.
Trong mắt giám đốc trung tâm nghiên cứu về lịch sử thuộc đại học Buffalo Henry Louis Taylor Jr., trong 50 năm qua, "con người đã có một cái nhìn khác về những vấn đề chủng tộc, nhưng bản chất kỳ thị thì vẫn còn nguyên vẹn".
Mục sư King bị ám sát ngày 4/4/1968 |
Thắng lợi vẻ vang của ứng cử viên tổng thống Barack Obama năm 2008 rồi năm 2012 không xóa đi được những "đổ vỡ" trong xã hội giữa các cộng đồng da trắng và da đen. Những vụ bạo động bùng lên sau những cái chết của một người Mỹ da đen như Trayvon Martin, tại bang Florida năm 2012 hay Michael Brown tại Ferguson-bang Missouri hai năm sau đó là những sự kiện đưa nước Mỹ trở về với thực tế phũ phàng.
Với giáo sư Taylor, giấc mơ xây dựng một đất nước công bằng hơn, cả về mặt kinh tế, xã hội lẫn chính trị từng được mục sư King ấp ủ, chưa được trọn vẹn.
Nhìn rộng ra hơn ngoài phạm vi nước Mỹ, giáo sư Farber, đại học Kansas không mấy lạc quan cho rằng, những biến cố của năm 1968 vẫn còn tính thời sự, những vụ ám sát, bạo động, các cuộc tuần hành rầm rộ của những năm nào như vẫn còn vang vọng cho đến tận ngày hôm nay.
Năm mươi năm trước, tại sân vận động Mêhicô, hai vận động viên Hoa Kỳ Tommie Smith, John Carlos, khi bước lên khán đài nhận huy chương Olympic giơ tay đeo găng đen lên trời để phản đối những bất công mà người Mỹ gốc Phi phải gánh chịu. Nửa thế kỷ sau lại nổi lên phong trào Black Lives Matter, tố cáo những vụ bạo hành của cảnh sát Mỹ nhắm vào người da đen.
Năm 1968 nước Mỹ nêu lên một câu hỏi rất khó trả lời: Nên đối xử với phụ nữ như thế nào. Nửa thế kỷ sau, phong trào MeToo bùng phát khi có những người can đảm dám tố cáo ông vua không ngai trong làng giải trí, điện ảnh Harvey Weinstein hãm hiếp nhiều ngôi sao điện ảnh…
Năm 1968, sinh viên tại các trường đại học ở Mỹ xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam. Nửa thế kỷ sau, ngày 24/3/2018, thanh niên Hoa Kỳ lại tuần hành về thủ đô Washington trong phong trào Marche for Our Lives để bảo vệ mạng sống của 30.000 người bị cướp đi mỗi năm vì súng ống được lưu hành.
Trong số 1,8 triệu người tuần hành trên toàn quốc, ở thủ đô Washington, một bé gái chín tuổi Yolanda Renee đã bước lên khán đài và như ông ngoại của cô bé xưa kia, trước hàng trăm ngàn người Yolanda đã chia sẻ một giấc mơ. Cô bé mơ được sống trong một thế giới không có súng đạn.