Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Yến-Trưởng phòng Bản quyền, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Yến |
- Thưa bà, Cty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã thể hiện những nỗ lực bền bỉ trong việc đưa các tác phẩm văn học nước ngoài đến với độc giả Việt Nam. Xin tò mò, tiền tác quyền có lớn không?
Các tác giả, đối tác rất ưu ái với Việt Nam, do đó, dù doanh thu từ thị trường Việt Nam không cao, giá chỉ vài nghìn USD các tác giả vẫn chấp nhận. Trong khi đó, ở thị trường khác của châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc…, tiền tác quyền không phải tiền nghìn mà là tiền triệu USD. Nếu doanh thu như ở Việt Nam thì tác giả của Harry Porter không thể trở thành triệu phú.
- Nạn sách lậu hoành hành hiện nay rõ ràng sẽ ảnh hưởng bất lợi đến quá trình đàm phán?
Quyền tác giả trong lĩnh vực sách có nhiều loại như quyền về bản in, bản điện tử. Nhã Nam mua bản quyền ngôn ngữ tiếng Việt trên toàn thế giới. Hợp đồng mua bán bản quyền sách có nhiều mốc thời gian nhưng hợp đồng đầu tiên chủ yếu khoảng từ 5-7 năm. Các đơn vị làm sách phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm mới hoàn thành một đầu sách nhưng các đầu nậu chỉ cần vài ngày, lâu nhất là một tuần đã có thể tung sách lậu ra thị trường. Sau 5 năm thực thi hợp đồng, nếu báo cáo của bên mua cho biết chẳng bán được bao nhiêu thì phía đối tác sẽ đặt dấu chẩm hỏi về thị trường Việt Nam, dẫn tới việc đặt vấn đề mua bán bản quyền tiếp theo khó.
Các cơ quan chức năng đang xử lý sách lậu |
Sách lậu hiện nay đa dạng về hình thức, ngoài bản giấy, còn có các ấn bản điện tử. Có lúc các ấn bản điện tử phát hành lậu trở thành một trào lưu như trào lưu book club. Hiện nay trào lưu book club không còn nhiều. Tuy nhiên, trên trang web Thư viện điện tử, các bạn trẻ yêu sách nhiều khi không hiểu luật đã mua sách về đọc rồi đánh máy lại, đưa lên mạng, chia sẻ thân thiện, biến cuốn sách mà chúng tôi đã mua tác quyền thành tài sản công cộng. Khi phát hiện ra những vi phạm này, chúng tôi đã viết thư thông báo cho người đạo sách biết Nhã Nam là chủ sở hữu hợp pháp của cuốn sách trên và đề nghị họ chất dứt tình trạng vi phạm bản quyền.
- Bà có thể cho biết Nhã Nam đã làm gì trong cuộc chiến chống lại sách lậu?
Để tuyên chiến với sách lậu, hàng tháng, bộ phận phát hành của Nhã Nam điểm sách thường xuyên, xem có sách lậu hay không? Sau khi phát hiện sách lậu, chúng tôi đã cung cấp thông tin cho cơ quan công an, quản lý thị trường của các địa phương để truy quét. Năm ngoái, các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công vào sách lậu. Cũng trong năm ngoái, một số nhà xuất bản như Nhã Nam, Nhà xuất bản Trẻ… đã phối hợp tổ chức triển lãm sách lậu, cảnh báo tình trạng vi phạm lộ liễu về bản quyền.
Không chỉ công ty chúng tôi, ngay cả các tác giả cũng rất quan tâm đến việc thực thi bản quyền ở Việt Nam. Đại diện của nhà văn Marc Levy đã thông báo cho chúng tôi biết về việc trang web V.point đang bán các ấn bản điện tử của nhà văn. Họ băn khoăn không biết có phải Nhã Nam đã cho phép V.point bán sách trên mạng mà không thông báo, gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Việc xử lý vi phạm bản quyền trên mạng internet không dễ dàng gì vì nhiều khi chủ trang web sống ở nước ngoài.
Xin cảm ơn bà!
Lam Hạnh (Thực hiện)