Anh N.V.T ở quận Thanh Xuân, Hà Nội phản ánh với Dân Việt, qua mạng xã hội Facebook thấy có quảng cáo "Owen duy nhất 1 lần trong năm, giảm ngay 50%, chỉ còn 279 nghìn đồng sở hữu ngay một quần âu cao cấp", nên đã đặt hàng và được chuyển hàng đến tận nhà.
Do tin tưởng vào thương hiệu Owen nên anh T không kiểm tra kỹ. Sau một tuần sử dụng phát hiện quần có chất lượng vải rất kém, giạt bị phai màu và sợi vải bị sùi lên.
Anh N.V.T được mời gọi mua sản phẩm dởm qua mạng xã hội. Ảnh anh N.V.T cung cấp
Khi đó, anh T tìm hiểu lại mới biết có thể là một số đối tượng chuyên bán hàng lừa đảo trên mạng xã hội, còn ở các cửa hàng của Owen không hề có chương trình khuyến mại giảm giá 50%.
"Họ đưa quần áo trên mạng là hình ảnh của hàng chính hãng và còn đưa cả số điện thoại, địa chỉ website của hãng Owen đều là thật. Nhưng khi gọi vào số hotline nhiều lần chẳng được ai trả lời hay tư vấn nên mới có nhiều người bị lừa" - anh T cho hay.
Tương tự, chị T.T.L thấy có chương trình khuyến mãi của Owen tới 50% cũng đã liên hệ qua mạng xã hội Facebook để mua quần cho chồng.
Người tự xưng là nhân viên của thương hiệu Owen quảng cáo: "Em là Hồng Ngọc, bên em có chương trình chăm sóc khách hàng online. Địa chỉ là tầng trệt, Satra Củ Chi, 1239 Tỉnh lộ 8, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Do cửa hàng mới khai trương nên cần chạy chương trình khuyến mãi để đẩy mạnh doanh số".
Các đối tượng tự lập ra những trang giả mạo thương hiệu thời trang uy tín để bán hàng dởm. Ảnh nhân vật cung cấp
Tuy nhiên, khi chị T.T.L hỏi chương trình có áp dụng ở tất cả các cửa hàng không và muốn trực tiếp chọn hàng, thì người này trả lời chỉ bán hàng trực tuyến, chuyển hàng tận nơi.
"Tôi nghi ngờ nên hỏi tiếp là tôi ở Hà Nội chứ có ở TPHCM đâu nhưng người này vẫn khẳng định: ở đâu cũng được ship tận nhà. Thấy đối tượng vòng vo, không bán ở cửa hàng chính của hãng nên tôi đã không còn tin tưởng", chị T.T.L nói.
Chị T.T.L cũng cho biết, nếu tỉnh táo để ý sẽ không bị mắc lừa, vì các đối tượng này nhắn tin lúc thì bảo là Hồng Ngọc, khi lại nói là Ngọc Ánh, ngay cái tên cũng còn nói không chuẩn là thấy có vấn đề. Một điểm lưu ý là các đối tượng chỉ quảng cáo chương trình khuyến mãi áp dụng cho hình thức trực tuyến chứ không bán ở cửa hàng.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện thương hiệu Owen khẳng định, đó là các hình thức lừa đảo của các đối tượng trên mạng xã hội, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như uy tín và thương hiệu của hãng.
"Chúng tôi đã có nhiều cảnh báo đưa ra, sau khi nhận được phản hồi của rất nhiều khách hàng về việc trên thị trường đang xuất hiện nhiều page trên Facebook sử dụng tên và logo Owen nhưng không bán sản phẩm Owen chính hãng, gây nên nhiễu loạn thông tin và thiệt hại cho khách hàng", đại diện Owen cho biết.
Cảnh báo của Owen về thực trạng giả mạo trên mạng xã hội facebook.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Ngọc – Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và Cộng sự phân tích: Việc lợi dụng một thương hiệu thời trang có tên tuổi như Owen để bán hàng thì rõ ràng đã vi phạm Luật sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, các đối tượng này nếu khi giao hàng mà giao sản phẩm của một hãng khác, sau đó giải thích với khách hàng là hiện tại sản phẩm của Owen hết hàng là hành vi lừa dối người tiêu dùng.
Nếu khi giao hàng các đối tượng này giao sản phẩm quần áo không phải của nhãn hàng Owen nhưng lại cắt, dán mác của Owen lên còn vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả và tùy từng mức độ vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Luật sư Hoàng Ngọc cũng đưa ra lời khuyên, nếu khách hàng muốn mua đúng sản phẩm chính hãng thì tốt nhất là nên ra các hệ thống cửa hàng của các nhãn hàng, tránh bị các đối tượng bán hàng dởm trên mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.