Nhiều di tích tổn hại nghiêm trọng
Vấn nạn xâm hại, vẽ bậy, bôi bẩn lên các di tích lịch sử diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Một số di tích lịch sử ở Huế từ nhiều năm nay chịu cảnh bị xâm hại nặng nề. Cả 4 phía bức tường lớn thuộc tầng thứ 2 của Kỳ đài Kinh thành Huế đang bị nhiều người khắc chữ, vẽ bậy với nội dung phản cảm. Hay đầu rùa ở chùa Thiên Mụ, nơi đặt tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” bao năm nay cũng trở thành nơi viết chữ ưa thích của không ít du khách. Các di tích như Đại Hồng Chung, bia đá... trong chùa cũng bị không ít nét vẽ, viết, gạch nguệch ngoạc làm tổn hại nghiêm trọng.
Ở chùa Thiên Mụ, Đại Hồng Chung là một pháp khí quan trọng được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) cho đúc vào năm 1710. Đây là công trình tiêu biểu về mỹ thuật trang trí, hội tụ các nét đặc trưng của nghệ thuật đúc đồng, đánh dấu sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII. Năm 2013, Đại Hồng Chung được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam. Mặc dù trước nhà chuông có đặt tấm biển “cấm viết vẽ” nhưng trên chiếc chuông cổ hiện nay bị nhiều người để lại những dấu ấn, lời cầu an, thỉnh nguyện, ký hiệu yêu đương... Trải qua năm tháng, Đại Hồng Chung hiện chi chít chữ, đơn vị quản lý cũng không thể xóa hết.
Cách Đại Hồng Chung chưa đến 30m là tấm bia đá cẩm thạch xám cao 2,5m cũng bị xâm hại. Bia được chạm rồng, đầu và một đoạn thân uốn lượn giữa mây lửa tinh xảo, khắc bài Ngự kiến Thiên Mụ tự của Chúa Nguyễn Phúc Chu nói về việc trùng tu, tôn tạo chùa Thiên Mụ năm 1715. Một số khách tham quan dùng vật nhọn viết xen kẽ với những chữ khắc từ hơn 400 năm trước, khiến một số ký tự gốc không còn đọc được. Phần thân rùa ở khu vực nhà bia bị bôi bẩn bằng nhiều dòng chữ với nội dung cầu an, cầu tình duyên, thi cử... Tấm bia này cũng là 1 trong 27 hiện vật vừa được công nhận là bảo vật quốc gia tháng 1/2020.
Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước tỉnh Ninh Bình cũng bị viết, vẽ bậy nhiều năm qua. 16 cột gỗ lim của lầu Nghinh phong nằm giữa đỉnh núi Non Nước chi chít những dòng chữ viết bằng bút mực nhiều màu với nhiều nội dung. Những vật dụng khác như bàn đá, tường gạch cổ... cũng chịu chung số phận.
Bức tường đá trên đỉnh Mã Pí Lèng (Hà Giang) đã bị du khách vẽ bậy trở nên nham nhở, xấu xí. Tình trạng tương tự cũng xảy đến với nhiều di tích lớn tại Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cột Cờ - Hà Nội, Tháp Hòa Phong - Hồ Hoàn Kiếm...
Trước thực trạng trên, BQL các điểm di tích đã đưa ra nhiều hình thức quản lý, nhắc nhở du khách nhưng hầu như không hiệu quả.
Làm gì để ngăn chặn hành vi xâm hại di tích?
Theo thống kê của ngành Văn hóa, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích - điểm tham quan, trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh. Đáng buồn là rất nhiều trong số di tích đã bị xâm hại bởi bàn tay con người, phổ biến là những hành vi viết bậy, vẽ bậy của du khách. Đó có thể chỉ là hành vi chơi đùa, thiếu ý thức nhất thời của một số người, nhưng hậu quả rất nghiêm trọng. Có những di tích bị xâm hại nhẹ, nhưng cũng không ít di tích bị hủy hoại lâu ngày, chữ chồng lên chữ, vết khắc sâu đến mức không thể phục hồi.
Có trường hợp du khách sau khi hủy hoại di tích còn chụp ảnh như một “chiến tích” đăng lên mạng xã hội. Như tại khu di tích núi Đá Chồng ở Quảng Ninh, một nhóm du khách đã dùng sơn xịt vẽ lên các hòn đá cổ này để “đánh dấu chủ quyền”, sau đó đăng lên mạng.
Việc vẽ, khắc bậy lên di tích còn thể hiện sự thiếu tôn trọng, thậm chí xem thường di sản ông cha để lại. Điều này không chỉ làm giảm giá trị văn hóa, lịch sử của di tích mà còn làm hình ảnh du lịch các địa phương trở nên xấu xí.
Tuy nhiên, hầu hết các hành vi nói trên rất ít khi bị xem xét xử lý, hoặc xử lý chưa đủ sức răn đe. Như đại diện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, Trung tâm đã cắt cử bảo vệ Thượng Thành nhắc nhở, giám sát, đồng thời sơn lại một số hình ảnh, viết vẽ bậy trên bờ thành để trả lại đúng mỹ quan của di tích; đồng thời làm biển báo khuyến cáo về việc viết vẽ bậy và leo trèo lên bờ thành. Nhưng do lực lượng mỏng, việc viết, vẽ bậy trên di tích thường xuyên xảy ra vào đêm khuya nên việc theo dõi rất khó khăn.
Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, một mặt, cần tăng mức xử phạt hành chính, căn cứ vào hậu quả gây ra để xử lý bồi thường, thậm chí xử lý hình sự các hành vi vi phạm. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trên diện rộng cũng như tăng cường công tác quản lý các di tích, nhằm “chữa tận gốc” tật xấu này của một bộ phận du khách.
Các địa phương cần tuyên truyền “Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch” của Bộ VH,TT&DL với những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch.
Thiết nghĩ, ngoài những hình phạt theo quy định pháp luật thì việc giáo dục về đạo đức, lối sống và thái độ, tình yêu với di sản, sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng xã hội đối với những hành vi xâm hại di tích sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng này.