Nhiều cơ sở bị tước giấy chứng nhận bán lẻ
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, do Nhà nước điều chỉnh giá và được thay đổi 15 ngày một lần tùy theo diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới. Thực tế, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tiếp có tới 5 đợt giảm giá nhưng đã xuất hiện những cây xăng bất chấp quy định, bán cao hơn giá mà Liên Bộ Công Thương và Tài chính quy định.
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Sơn La vừa có quyết định xử lý phạt vi phạm hành chính đối với Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hồng Nhung thuộc Công ty TNHH Hồng Nhung Mộc Châu (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ) do bà Đỗ Thị Nhung làm đại diện theo pháp luật.
Đại diện Cục QLTT tỉnh này cho biết, tiếp nhận nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 3 đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, kinh tế (Công an huyện Vân Hồ) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Hồng Nhung. Tại thời điểm kiểm tra cửa hàng này bán xăng RON95-III cao hơn giá được quy định 2.460 đồng/lít.
Qua quá trình đấu tranh và làm việc, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 3 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và làm thủ tục để xử phạt vi phạm hành chính, buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp với tổng số tiền thu phạt là 40.821.640 đồng (trong đó phạt hành chính 40.000.000 đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 821.640 đồng); Đồng thời tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định của pháp luật.
Cục trưởng Cục QLTT Gia Lai cũng mới ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và truy thu số tiền thu lợi đối với Cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc Công ty TNHH MTV Tâm Phương ở xã Bar Maih, huyện Chư sê, tỉnh Gia Lai với tổng số tiền 40.971.340 đồng.
Cửa hàng xăng dầu Tâm Phương vừa bị xử lý vi phạm |
Đại diện Cục QLTT Gia Lai cho biết, trong đợt điều chỉnh xăng dầu kỳ 1 tháng 3, giá mặt hàng này đã được điều chỉnh sớm hơn 1 ngày và điều chỉnh giảm giá khá sâu với mức giảm trên 2.000 đồng/lít tùy loại.
Tuy nhiên, qua nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, Đội QLTT số 5 (quản lý địa bàn huyện Chư Sê, Chưpưh) đã tiến hành kiểm tra đột xuất Cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc Công ty TNHH một thành viên Tâm Phương Gia Lai.
Kết quả cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng này bán xăng E5 RON 92-II cao hơn giá thương nhân đầu mối quy định là 2.330đ/lít, dầu diezel 0.05%S cao hơn giá thương nhân đầu mối quy định là 1.780đ/lít.
Căn cứ các quy định hiện hành, Đội QLTT số 5 xác lập hồ sơ, chuyển Cục trưởng Cục QLTT Gia Lai, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính và truy thu số tiền thu lời bất chính đối với doanh nghiệp nêu trên số tiền 40.971.340 đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu 1 tháng.
Đại diện Tổng cục QLTT nhận định, các hành vi bán xăng dầu cao hơn giá quy định đã xuất hiện liên tục sau khi Liên Bộ Công Thương - Tài chính có nhiều đợt giảm giá với mức giảm đáng kể. Điều này sẽ khiến cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu bị hụt thu. Đây có thể là lý do khiến các cửa hàng này tiến hành bán cao hơn giá quy định.
Người tiêu dùng là “tai mắt” giúp phát hiện vi phạm
Mới đây lại vừa có đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu rất mạnh, tới hơn 4.000 đồng/lít, nhiều khả năng sẽ lại xuất hiện các cửa hàng xăng dầu bán giá cao hơn giá quy định (11.956 đồng/lít xăng E5RON92; 12.560 đồng/lít xăng RON93, 11.295 đồng/lít dầu diesel, 9.141 đồng/lít dầu hỏa, 9.453 đồng/lít dầu mazut).
Đại diện Tổng cục QLTT muốn người dân tiêu dùng xăng dầu là một đầu mối, nguồn tin quan trọng để lực lượng QLTT nắm được các địa điểm bán xăng dầu cao hơn giá quy định để QLTT tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm giữ thị trường ổn định, trong khi cả nước đang phải căng mình phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, ngay khi xuất hiện tình hình các cây xăng liên tục bán giá cao hơn quy định, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã ký văn bản hỏa tốc chỉ đạo các Cục QLTT địa phương chú trọng tập trung vào việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để mua gom; Hoặc định giá bất hợp lý đối với hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các loại vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cũng yêu cầu, căn cứ tình hình thực tế, thủ trưởng các đơn vị chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch, kiểm tra định kỳ, kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành năm 2020 một cách phù hợp nhằm thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát cũng như công tác phòng, chống dịch.