Luật đã có nhưng còn “lỗ hổng”
Trong thời gian dài, tình trạng săn bắt, bẫy, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã nói chung và các loài chim hoang dã nói riêng diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương. Có thể đến các điểm “nóng” như Thanh Hoá, Long An, Cát Bà,… Đối với các loài hoang dã, cần xác định rõ nguồn gốc để có cơ sở xử lý.
Hà Tĩnh là một trong các tỉnh thành đã kiên quyết xử lý nạn bẫy, bắt chim tự nhiên trái phép và mang lại hiệu quả. Cụ thể, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các đoàn liên ngành ra quân xử lý các vi phạm về săn bắt động vật hoang dã và chim di cư, theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến tháng 10/2020, đã có 357 cuộc kiểm tra, truy quét, cấp huyện và xã đã tịch thu, thả về tự nhiên 435 chim mồi còn sống; tịch thu, tiêu hủy 19.025 các loại chim giả, 31.390 thẻ tre dính nhựa, 3 máy phát tín hiệu gọi chim, 28.850m² lưới; tháo dỡ, tiêu hủy 56 chòi, lán tạm dùng để ẩn nấp bẫy chim; vận động 225 hộ dân tự tháo dỡ bẫy bắt chim; ký cam kết với 513 hộ gia đình, nhà hàng, cá nhân không mua bán, tiêu thụ chim các loại.
Đánh giá về điều này, ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho biết: “Tỉnh Hà Tĩnh đang làm nghiêm, họ thu giữ mọi thứ của các đối tượng săn bắt, bẫy bắn chim hoang dã để tiêu hủy. Đấy cũng là một mô hình hay để cho các cái địa phương có thể nghiên cứu và cùng làm việc để có thể bảo vệ tốt nhất các loài chim hoang dã”.
Ở góc độ pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã có Luật Lâm nghiệp, các Nghị định và các danh mục của Cơ quan quản lý Cites Việt… về đa dạng sinh học để làm căn cứ vận dụng xử lý đối với các loài, các trường hợp cụ thể.
Pháp luật hiện hành quy định đối với các trường hợp săn bắt, vận chuyển, giết mổ, nuôi nhốt, tàng trữ, mua bán, chế biến các loài động vật rừng thông thường, động vật rừng thuộc danh mục nguy cấp quý hiếm … chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Còn trường hợp vượt quá mức xử lý vi phạm hành chính thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 234 hoặc 244 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến các hành vi bẫy, bắt chim hoang dã, chim di cư vốn “muôn hình vạn trạng”. Vào mùa chim di cư tránh bão, người dân có thể đặt bẫy chim trời tại các cánh đồng lúa đã được thu hoạch, có những người đặt bẫy trong vườn nhà....
Tiếp theo phải nói đến thói quen ăn thịt chim hoang dã của một bộ phận người Việt đã “thâm căn cố đế” từ bao lâu nay, không để tâm đến hệ sinh thái tự nhiên. Số phận của chim trời bị bẫy, bắt thường sau đó bị vặt trụi lông đem ra ngoài chợ bán với giá từ khoảng vài chục ngàn đồng đến trăm ngàn đồng tuỳ theo chủng loại, kích cỡ.
Sau đó chúng có thể được các nhà hàng hoặc trực tiếp bởi người tiêu dùng mua và xuất hiện trên bàn ăn của các thực khách. Thậm chí, trong các đô thị lớn có cả chuỗi nhà hàng chim trời công khai, lúc nào cũng đông khách và bán hàng bao nhiêu năm nay. Miễn là còn nhu cầu về ăn chim hoang dã, ắt sẽ xuất hiện thị trường và nguồn cung từ những người “hành nghề” bẫy, bắt chim trời trái phép.
Các cuộc kiểm tra, rà soát tại các tỉnh thành, địa phương vẫn còn “bỏ lọt” nhiều đối tượng săn bắt chim trời bất hợp pháp, và chế tài xử phạt vẫn chưa đủ tính răn đe với các đối tượng khác trong xã hội.
Để người dân cùng vào cuộc
Dù có một mô hình như tỉnh Hà Tĩnh nhưng để “xoá sổ” vấn nạn bẫy, bắt chim trời trái phép cần thời gian và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư.
Nhằm kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp hiện nay của nạn săn bắt chim hoang dã, Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các loài chim hoang dã di cư tại Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học, nhấn mạnh tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh và các cam kết quốc tế về Đối tác đường bay chim di cư tuyến Australia - Đông Á (EAAFP) mà Việt Nam là thành viên. “Đây là vấn đề quan trọng nên chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành để có thể trình Chính phủ trong nửa đầu quý I” - bà Nhàn cho biết.
Có thể thấy, pháp luật về bảo vệ chim trời, chim di cư nói riêng và động vật hoang dã nói chung đang được hoàn thiện để điều chỉnh dần các hành vi liên quan đến săn bắt, buôn bán, giết mổ, ăn thịt chim trời.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nhận thức được việc bảo vệ các loài chim di cư và hệ sinh thái tự nhiên cũng cần tiếp cận đến từng vùng miền, từng nhóm dân cư, dù rằng đây sẽ là một quá trình rất dài để có thể từ bỏ thói quen ăn uống, tiêu thụ, bẫy bắt các loài hoang dã, trong đó có chim trời.