“Mánh” mới của giới buôn lậu

Những chuyến xe buýt, xe du lịch đời mới... ngày ngày cõng hàng lậu xuôi từ Mộc Bài (Gò Dầu, Tây Ninh) về TP.HCM. Lực lượng chức năng dường như... bó tay trước tình trạng này.

Những chuyến xe buýt, xe du lịch đời mới... ngày ngày cõng hàng lậu xuôi từ Mộc Bài (Gò Dầu, Tây Ninh) về TP.HCM. Lực lượng chức năng dường như... bó tay trước tình trạng này.

Một trong những khu trung chuyển hàng lậu tấp nập, sầm uất và quy mô nhất là khu chợ đường biên. Đây thực chất là hệ thống siêu thị miễn thuế liên hoàn nằm cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 500m. Tại bãi xe bên ngoài siêu thị hình thành một khu tập kết hàng lậu hoạt động cả ngày lẫn đêm. Từ đây, các mặt hàng “chủ lực” như thuốc lá ngoại, bia, phụ tùng ôtô, điện thoại, hàng điện tử, hóa chất... theo chân cửu vạn, con buôn về TP. HCM.

“Chợ đường biên”

Hằng ngày các mặt hàng bia, điện tử, thuốc lá, sữa, mỹ phẩm... được các đối tượng buôn lậu tuồn ra từ siêu thị miễn thuế. Theo quy định, khách du lịch trong nước chỉ được phép mua hàng hóa mang về nội địa và miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị không vượt quá 500.000 đồng/người/ngày.
Đưa hàng lậu lên xe buýt - (Ảnh: H.K.)
Đưa hàng lậu lên xe buýt - (Ảnh: H.K.)
Tuy nhiên, các đầu nậu vẫn có thể gom hàng với số lượng lớn bằng cách thuê chứng minh nhân dân (CMND) của người Campuchia để mua. Đối với hàng linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy, điện thoại, hóa chất... các đối tượng buôn lậu “chẻ” từ Campuchia qua cửa khẩu, sau đó tập kết tại các “đại bản doanh” dọc quốc lộ 22 (Gò Dầu) rồi đưa thẳng về các điểm kinh doanh phụ tùng ôtô, gara ở TP.HCM tiêu thụ.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường chống buôn lậu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vào những tháng cuối năm 2010 và dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn quanh khu vực biên giới, ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại ở các cửa khẩu chính và phụ. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng cảnh sát kinh tế, an ninh kinh tế triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu trên tuyến biên giới Tây Nam, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.    
Chiều 12-11, có mặt tại khu vực chợ đường biên, chúng tôi bị một nhóm đầu nậu nhao nhao hỏi: “Mua bia không cậu?”. Chúng tôi hỏi bao nhiêu một thùng Heineken lon cao (500ml/lon), một phụ nữ nhanh nhảu: “Giá gốc 477.000 đồng thùng, thêm 30.000 đồng thuê CMND. Muốn mua mấy thùng cũng có, đưa ra tận xe”. Chúng tôi gọi điện đến một đại lý bia ở Phú Nhuận hỏi giá bia Heineken loại lon cao thì được biết giá 640.000 đồng/thùng. Như vậy, một thùng Heineken từ Mộc Bài đưa về TP.HCM dân buôn lậu có thể kiếm lời trên 100.000 đồng (đã trừ chi phí vận chuyển). Trong vai một chủ đại lý bia ở TP.HCM, chúng tôi gặp bà B., một đầu nậu “có máu mặt” ở đây, để đề nghị cung cấp mỗi ngày khoảng 200 thùng bia Heineken. Bà B. đon đả cho giá và địa điểm lấy hàng. Chúng tôi hỏi qua trạm kiểm soát có sao không, bà B. nói: “Hàng của tôi chẳng ai kiểm tra đâu”. Các đối tượng buôn lậu thường chọn xe buýt và xe du lịch làm phương tiện vận chuyển hàng. Tại chợ đường biên mỗi ngày có khoảng 20 đầu xe buýt chạy tuyến TP.HCM - Mộc Bài và ngược lại. Trong đó, tuyến cửa khẩu Mộc Bài - Lý Thường Kiệt, chợ An Đông, Thuận Kiều (khu tập trung các chợ đầu mối thuốc lá, hàng điện tử, phụ tùng ôtô, xe máy...) là các tuyến được dân buôn hàng lậu khai thác nhiều nhất. Chiều 11-11, chiếc xe buýt 70... đang đậu chờ khách tại bãi xe khu chợ đường biên. Lúc này có gần mười đầu nậu mặt bịt kín khẩu trang, vai đeo túi xách chạy lui chạy tới chỉ đạo cánh cửu vạn đưa bia (chủ yếu bia Heineken các loại), hàng điện tử (tivi, đầu máy...) lên xe. Khoảng 16g, có hai thanh niên chở đến ba chiếc tivi và gần mười đầu máy nhét gọn gàng dưới thùng xe. Khi chiếc xe buýt vừa rời bến thì một chiếc khác (cùng một đơn vị) lập tức trờ đến. Cảnh “đánh” hàng lên xe tiếp tục diễn ra. Liên tiếp trong các ngày 12, 13 và 14-11, chúng tôi ghi lại nhiều hình ảnh các đầu nậu tuồn hàng lên xe buýt, xe du lịch. Các đối tượng chủ yếu “đánh” hàng điện tử, bia, thuốc lá, đồ gia dụng hoặc phụ tùng xe gắn máy, ôtô...Những “mánh” mới Một trong những mặt hàng “chiến lược” đối với dân buôn lậu là phụ tùng ôtô, xe gắn máy. Theo điều tra, khi có đơn đặt hàng, các đầu nậu sang chợ trời buôn bán phụ tùng ở Campuchia thu gom với số lượng lớn sau đó “chẻ” về khu vực cửa khẩu Mộc Bài rồi đưa lên xe buýt, xe du lịch vận chuyển về TP.HCM. Các mặt hàng như máy xe, cầu, hộp số, lốc máy, lốc lạnh... về bao nhiêu “nuốt” sạch bấy nhiêu. Chiều 11-11, tại một điểm buôn bán phụ tùng lậu cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 1km, một “cò” mua bán phụ tùng chỉ những chiếc xe hơi đậu san sát nói: “Những chiếc xe này lên đây để “đánh” hàng phụ tùng”. Chúng tôi gặp C., một “lái” phụ tùng “có tên tuổi”, để đặt vấn đề mua một lốc lạnh xe Toyota Camry 3.5 đời 2006, C. ra giá 15 triệu đồng, ba ngày sau có hàng. C. nói nếu muốn “chẻ” về TP.HCM thì phải trả thêm 3 triệu đồng. Trưa 12-11, tại cửa khẩu Mộc Bài, anh N., một chủ gara ở Bình Chánh, chỉ chiếc Lexus 330 đời 2005 cho biết chủ nhân của nó đặt thay lại máy zin và một số phụ tùng, đồ chơi kèm theo. Sau khi nghe anh N. đặt hàng, Bảo - một đầu nậu - cho biết: “Đồ cũ rất hiếm, nếu chịu giá thoáng thì kiếm được”. Sau khi hai bên gút giá, Bảo hẹn: “Hai ngày sau lên lấy”. Theo anh N., một số chủ doanh nghiệp mua bán xe còn nhờ “cò” “đánh” nguyên chiếc xe đời mới từ Campuchia về VN sau đó luộc máy, lấy phụ tùng xịn. Một số khác chạy thẳng xe qua Campuchia để thay máy, thay phụ tùng, đồ chơi rồi chạy về VN. Do hàng phụ tùng xe gắn máy, ôtô có thuế nhập khẩu (40%) và thuế VAT (10%) cao nên có nhiều đối tượng người nước ngoài cấu kết với người VN tổ chức nhiều đường dây buôn lậu quy mô lớn để nhập khẩu hàng từ Singapore về các công ty ma ở Mộc Bài. Từ đây, các tổ chức buôn lậu thuê người dân dùng CMND rút hàng ra bằng thủ đoạn bán hàng theo tiêu chuẩn miễn thuế. Sau khi gom đủ số hàng trong ngày thì đưa về TP.HCM. Tại TP.HCM, các đối tượng thuê xe ôm đến các bến xe khách trên đường Thuận Kiều nhận hàng và chở về các kho ở đường Hùng Vương, Tân Thành, Đào Duy Từ (Q.5)... Tại kho, hàng được cho vào bao bì thành hàng nhập khẩu. Theo cơ quan chức năng, đây là thủ đoạn buôn lậu mới được tổ chức chặt chẽ.Vô tư qua trạm Chiều 11-11, sau khi chứng kiến cảnh đầu nậu tuồn hàng lên xe ở chợ đường biên, chúng tôi quyết định bám theo. Khi xuất bến, chiếc xe chạy với tốc độ kinh hoàng về hướng thị trấn Gò Dầu. Đến trạm kiểm soát liên hợp Mộc Bài (An Thạnh, Gò Dầu, Tây Ninh) chiếc xe cứ lừng lững phóng qua. Lúc này trong trạm có đầy đủ lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường... Khoảng 20 phút sau, có một chiếc xe buýt 53N... tấp vào trước cửa trạm. Lơ xe chạy đến chốt đưa cái gì đó rồi lên xe phóng đi. Ngay sau đó, hai chiếc xe buýt và nhiều xe tải khác cũng lần lượt dừng lại và cảnh tượng trên diễn ra tương tự. Liên tiếp những ngày sau, có mặt gần khu vực trạm kiểm soát liên hợp Mộc Bài, chúng tôi nhận thấy việc kiểm soát phương tiện qua lại của lực lượng chức năng hết sức sơ sài. Hầu hết xe qua trạm chỉ dừng lại vài giây để tài xế, lơ xe “chạy vào rồi lại chạy ra” mà không tiến hành kiểm tra hàng hóa trên xe. Vì sao những chuyến xe hàng lậu vẫn xuôi về TP bất chấp sự có mặt của các lực lượng chức năng? Tại sao lực lượng “canh cửa” biên giới và quản lý hoạt động kinh doanh ở vùng biên giới đứng nhìn những “đoàn quân” mang hàng lậu qua biên giới? Chiều 12-11, chúng tôi đem những câu hỏi này đặt lên bàn lãnh đạo trạm kiểm soát liên hợp Mộc Bài. Ông Đỗ Văn Sua (trạm kiểm soát liên hợp Mộc Bài) cho biết theo quy định, lực lượng phòng chống buôn lậu của trạm không được rượt đuổi người, phương tiện. Trong khi đó các đối tượng vận chuyển hàng lậu sử dụng xe du lịch, xe buýt chạy với tốc độ cao để vượt qua trạm. Mặc dù lực lượng ở đây rất đông (quản lý thị trường, hải quan, thuế, cảnh sát giao thông, cảnh sát kinh tế, cảnh sát cơ động...) nhưng vẫn chào thua. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất trong công tác chống buôn lậu là thông tin chưa thật sự bảo mật. Do đó, khi lực lượng chức năng đi kiểm tra là lập tức các đối tượng tạm “án binh bất động”. Trả lời câu hỏi lực lượng chức năng có kiểm tra xe buýt để phát hiện hàng lậu hay không, ông Sua cho biết chỉ kiểm tra đối tượng nào nghi vấn. Về việc “lơ xe chạy vào rồi chạy ra”, ông Sua nói “chỉ là chai nước, cái khăn mặt mà thôi”.
Theo Hoàng Khương
Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.