Những câu chuyện ấm lòng
Mới đây, cư dân mạng đã chứng kiến một câu chuyện đẹp mà “người” kết nối những tấm lòng với nhau chính là mạng xã hội. Đó là câu chuyện về chàng trai khuyết tật đôi chân lên mạng xin việc làm.
Ban đầu, trên một nhóm kín dành riêng cho shipper, một người đã đăng thông tin tìm việc như sau: “Em bị mất 2 chân đến đầu gối, nhưng em vẫn đi lại bình thường, hoạt động bưng bê nặng như người bình thường. Em chạy xe máy có thể chở đồ nhiều, mong mọi người có ai tuyển cho em xin một chân shipper hoặc có ai có công việc gì thì cho em đi làm trang trải cuộc sống với ạ…”. Kèm theo bài đăng là hình ảnh một chàng trai trẻ cụt hai chân đến đầu gối, ăn mặc tươm tất đang đứng cạnh chiếc xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật.
Chàng trai khuyết tật đôi chân đã lên mạng xin việc và nhận được hơn 400 cuộc gọi chia sẻ, giúp đỡ. |
Bài đăng gây xúc động cho nhiều người và nhanh chóng được chia sẻ ở nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội. Bên dưới các bài viết, nhiều người bình luận bày tỏ sự cảm phục, yêu quý chàng trai và cũng có không ít người đưa ra những đề nghị giúp đỡ chàng trai tật nguyền mà nghị lực. Được biết, ngay sau bài đăng trên mạng, chàng trai trẻ đã nhận được gần 400 cuộc gọi từ mọi miền đất nước. Có người bày tỏ khâm phục, chia sẻ, động viên, an ủi. Có người đề nghị được tặng tiền bạc và trao cho anh nhiều cơ hội công việc. Chàng trai trẻ ấy đã từ chối những đề nghị tặng tiền và đã nhận sự giúp đỡ về công việc từ một người xa lạ tốt bụng.
Câu chuyện trên đã khiến cộng đồng xúc động và cũng thêm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
Chị Cao Hoa Lam, ngụ Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh chia sẻ, bản thân chị và gia đình cũng đã nhận được những điều tốt đẹp, cảm động từ mạng xã hội. Cuối năm ngoái, chồng chị Lam bị tai nạn phải nhập viện phẫu thuật. Vì anh thuộc nhóm máu hiếm Rh- nên việc truyền máu gặp khó khăn. Chị Lam trong phút tuyệt vọng đã nghĩ đến chuyện lên mạng nhờ hỗ trợ từ những người có nhóm máu này. Sau đó, chị đã nhận được sự kết nối từ nhiều người quen lẫn người lạ và một người đàn ông tốt bụng đã bắt xe từ Vũng Tàu lên TP HCM để hiến máu cứu chồng chị. “Trước đó, tôi vẫn nghĩ trên mạng là thế giới ảo, nhiều tiêu cực, nhiều mặt trái, cũng như thường nghi hoặc độ xác thực của các thông tin trên mạng và các mối quan hệ từ mạng xã hội. Thế nhưng sau câu chuyện của bản thân, tôi nhận ra dẫu cho mạng ảo nhưng tình người có thật và ẩn đằng sau những thị phi, ồn ào vẫn có những điều rất ấm lòng”, chị Lam chia sẻ.
Phát huy giá trị tốt đẹp trên không gian mạng
Có không ít những câu chuyện ấm lòng vẫn diễn ra trên mạng hàng ngày, hàng giờ. Đó là những lời kêu gọi giúp đỡ đến từ những hoàn cảnh khó khăn đã nhận được tình thương trao đi từ người hảo tâm. Những “Lục Vân Tiên” trên mạng sẵn sàng lên tiếng để bênh vực kẻ yếu, người bị đối xử bất công. Là những lời động viên chân thành dành cho những người gặp nghịch cảnh trong đời cần đến sự sẻ chia từ những con người xa lạ.
Thời điểm dịch COVID-19 hoành hành gây bao tang tóc, giãn cách xã hội diễn ra, mạng xã hội chính là nơi giao tiếp, kết nối hữu hiệu giữa người và người. Chính từ không gian mạng, những hình ảnh đau thương và đẹp đẽ của cuộc chiến chống dịch đã lan truyền. Từ mạng xã hội, người giúp đỡ người, người ta gửi lời yêu thương, tri ân đến những người tuyến đầu, người ta san sẻ nỗi đau cùng nhau... Mạng xã hội khi ấy chính là một cuộc sống khác, giúp cho mỗi người phần nào vượt thoát khỏi nghịch cảnh trước mắt, tìm được niềm an ủi, động viên và hy vọng.
Mạng xã hội có thể coi là một mảnh đất, nếu gieo trồng những hạt giống hư bệnh, sẽ lan tràn những điều đen tối, thị phi, xấu xa. Ngược lại, những hạt mầm tốt đẹp được gieo trồng cũng sẽ cho ra hoa thơm quả ngọt.
Để hạn chế những tiêu cực, phát huy giá trị tích cực, những điều đẹp đẽ nhân văn trên mạng xã hội, cần nâng cao kĩ năng quản lý mạng xã hội, siết chặt các quy định, chế tài cũng như nâng cao nhận thức, văn hóa ứng xử của người dùng trên mạng. Việc này góp phần “gieo” những điều tốt đẹp, lan tỏa sự tích cực, khiến không gian mạng cũng trở thành một nơi “đáng sống” như thế giới thực.