Ngày nay, không chỉ ở quán nước vỉa hè, mà việc “buôn chuyện” vô ý hoặc có chủ đích đã được kể thông qua các phương tiện kỹ thuật, qua mạng e-mail, tin nhắn, mạng xã hội như Facebook, internet… khiến mức độ ảnh hưởng của nó còn nặng nề hơn. Qua những “câu chuyện” đó, thông tin liên quan đến bí mật gia đình bị bộc lộ trên phạm vi rộng: chuyện sinh con đẻ cái, quan hệ anh em bố con, mức độ tài sản, cách kiếm tiền, tính cách, quan điểm của mọi người trong gia đình, tham vọng… có thể chính xác, có thể không chính xác được “tung ra”, gây nên những tổn thương cho các thành viên trong gia đình.
Có thể nhận thấy, hành vi xâm phạm bí mật gia đình được thể hiện một cách trực tiếp hay gián tiếp, công khai hay lén lút thông qua việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội, trên mạng internet, trên thư điện tử, trên các trang thông tin mạng công khai có sự lan tỏa thông tin nhanh trên phạm vi rộng, hoặc nghe lén điện thoại, bóc và đọc trộm thư từ, điện tín, các hợp đồng dân sự, thương mại mà hộ gia đình tham gia với tư cách chủ thể thông qua người đại diện. Một cách thức khác được dùng có chủ ý trong nhiều trường hợp là tung tin thất thiệt, thêm bớt, bịa đặt, vu khống nhằm hạ uy tín, danh dự, nhân phẩm của các thành viên gia đình người khác.
Với việc phổ biến và tốc độ lan truyền chóng mặt trên Internet, trong nhiều trường hợp, việc xác định hành vi trái pháp luật của một người cụ thể để qui trách nhiệm do hành vi xâm phạm quyền về bí mật gia đình thật sự phức tạp, khó khăn, hiệu quả không cao. Trong khi đó, những thông tin thất thiệt, bịa đặt liên quan đến bí mật gia đình lan truyền mạnh mẽ và rộng khắp trên các trang mạng xã hội, các thành viên gia đình bị xúc phạm, bị nói xấu không còn cơ hội để thanh minh, cải chính và không thể tự bảo vệ danh dự của gia đình.
Điều 21 Hiến pháp quy định “Thông tin về bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn” và Điều 22 Hiến pháp quy định: “1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. 3. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.
Xâm phạm bí mật gia đình có thể phát sinh trong hoạt động hành chính, hoạt động tư pháp, trong lĩnh vực kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong tố tụng hành chính, an ninh mạng, trong hoạt động nghiệp vụ y khoa lấy, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, trong trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong hoạt động báo chí, hôn nhân và gia đình, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, bảo vệ trẻ em, khám chữa bệnh, công nghệ thông tin...
Thế nhưng, BLDS 2015 lại chưa thể hiện được đầy đủ và chưa xác định rõ thế nào là bí mật gia đình. Theo nhiều chuyên gia pháp luật, nên áp dụng một biện pháp chế tài theo một mức thống nhất giữa các luật quy định bảo vệ quyền bí mật gia đình trong BLDS, theo đó hành vi xâm phạm đến đối tượng này thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần cho người bị gây thiệt hại, tránh được những quy định thiếu thống nhất về mức bồi thường tổn thất về tinh thần của người bị xâm phạm về bí mật gia đình.
Để xây dựng cuộc sống văn minh, “bí mật gia đình” không thể chỉ là “chuyện tán gẫu vỉa hè”, thì bên cạnh việc vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, pháp luật cũng phải được hoàn thiện với những chế tài nghiêm khắc và khả thi.