Hôm 20/1, cuốn “Nhật kí Guantanamo” của Mohamedou Ould Slahi ghi lại 12 năm bị giam cầm không xét xử của ông tại nhà tù quân sự Mỹ Guantanamo được chính thức phát hành. Những tháng ngày bị giam giữ, tra tấn, đánh đập dã man đều được tiết lộ qua cuốn tự truyện.
Một thập kỉ sau khi gia nhập phiến quân tại Afghanistan, Mohamedou Ould Slahi bị bắt giữ tại quê nhà Mauritania vào năm 2001. Slahi được đưa tới Jordan 8 ngày sau đó. Tháng 7/2002, Slahi tiếp tục bị áp giải tới Afghanistan trong một tháng trước khi tới Guantanamo, nhà tù quân sự của Mỹ tại Cuba.
Mohamedou Ould Slahi bị bắt giữ vì bị nghi ngờ tham gia tuyển mộ và huấn luyện các phần tử khủng bố trong sự kiện 11/9, hỗ trợ khủng bố và tham gia tấn công khủng bố vào sân bay quốc tế Los Angeles. Tuy nhiên, những cáo buộc này đều hoàn toàn sụp đổ khi không hề có những bằng chứng xác thực được đưa ra.Hiện tại, Slahi tiếp tục bị giam giữ dù chưa một lần được xét xử tại toà.
Mohamedou Ould Slahi. (Ảnh: Independent) |
Ông Morris Davis, cựu công tố viên trưởng hội đồng quân sự Guantanamo trong một bài phỏng vấn với tạp chí Slate, đã nhắc đến một cuộc họp với CIA, FBI, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và bản báo cáo từ các nhà điều tra đối với trường hợp của Slahi, song kết luận cuối cùng vẫn còn rất mơ hồ.
Họ đã không thể đưa ra bằng chứng cho thấy Slahi có liên hệ trực tiếp với bất kì cuộc tấn công nghiêm trọng nào.
Tại Guantanamo, Slahi bị coi như một tên khủng bố nguy hiểm. Theo báo Guardian, tháng 8/2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đã cho phép một chương trình “thẩm vấn đặc biệt” đối với Slahi, như đánh đập, không được phép ngủ, bị giam trong phòng lạnh... hay bị doạ rằng mẹ của ông cũng sẽ bị bắt và giam giữ tại Guantanamo.
Sau nhiều tuần liền bị tra tấn dã man, Slahi cuối cùng cũng quyết định lên tiếng và cung cấp cho người chất vấn bất kì điều gì họ muốn nghe.
Năm 2005, Mohamedou Ould Slahi hoàn thành cuốn “Nhật kí Guantanamo” với hy vọng một ngày nào đó nó sẽ được xuất bản. 460 trang nhật kí viết tay ghi lại quãng thời gian 12 năm tại nhà tù Guantanamo, bị giam giữ, chất vấn và hành hạ của Slahi.
Chính quyền quân sự đã liệt những ghi chép của Slahi vào loại tuyệt mật, không cho phép bất kì sự tiếp xúc nào từ tình báo nước ngoài và được cất giữ an toàn tại Washington.
Bà Nancy Hollander, luật sư của ông Slahi, đã đấu tranh pháp lý đòi quyền xuất bản cuốn nhật kí trong suốt 7 năm, cho tới khi cuốn sách được ra mắt tới độc giả Mỹ vào ngày 20/1 vừa qua.
Cuốn nhật kí đã được biên tập hơn 2.500 lần với tên riêng và nhiều chi tiết bị bôi đen trước khi chính thức phát hành. Slahi trở thành tù nhân đầu tiên phát hành tự truyện khi vẫn còn đang bị giam giữ.
Theo bà Nancy, cuốn nhật kí đã cung cấp cho người đọc những chi tiết về nạn tra tấn tù nhân tại nhà tù quân sự và phần nào cuộc sống trong nhà tù Guantanamo. Bà hy vọng cuốn nhật kí sẽ giúp thay đổi điều gì đó và thân chủ của bà sẽ sớm được thả.
Dưới đây là những trích dẫn từ cuốn “Nhật kí Guantanamo” của Mohamedou Ould Slahi. Những chi tiết và tên riêng đã bị bôi đen.
“Tôi bị cấm không được nhìn thấy ánh sáng ban ngày, thỉnh thoảng họ cho tôi nghỉ ngơi vào ban đêm để tôi không được gặp hay tiếp xúc với những tù nhân khác. Tôi đã thực sự sống trong sợ hãi.
Trong vòng 70 ngày liên tiếp, tôi không có một giấc ngủ ngon. Họ thẩm vấn tôi 24 giờ một ngày, 3 hoặc đôi khi 4 lần một ngày. (.....) lặp đi lặp lại: “Nếu chịu hợp tác, mày sẽ được ngủ và ăn uống”.
“Hôm nay, bọn tao sẽ dạy cho mày biết thế nào là tình dục tuyệt vời của người Mỹ. Đứng dậy!”, (…..) nói. Ngay khi tôi đứng dậy, hai (…..) cởi áo và bắt đầu nói những điều bẩn thỉu nhất mà bạn có thể tưởng tượng.
Điều đau đớn nhất là họ bắt tôi quan hệ cùng lúc với họ một cách hèn hạ nhất. Và điều mà nhiều (…..) không nhận ra đó là đàn ông cũng tổn thương hệt như phụ nữ, khi họ bị ép phải quan hệ tình dục. Tôi chỉ biết liên tục cầu nguyện”.
“Đột nhiên một đội lính biệt động gồm ba người lính và một con chó chăn cừu xông vào phòng thẩm vấn. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. (…..) đấm tôi túi bụi khiến tôi ngã dúi mặt xuống sàn”.
“Một người đánh tôi thật mạnh và nhanh chóng bịt mắt, bịt tai và trùm một cái túi nhỏ lên đầu tôi. Họ siết chặt còng tay quanh mắt cá chân và cổ tay; và sau đó tôi bắt đầu chảy máu. Tất cả những gì tôi nghe thấy là tiếng (…..) chửi rủa. Tôi không hé răng một lời, tôi đã hoàn toàn bất ngờ, tưởng rằng họ chuẩn bị đem tôi đi hành quyết”.
“Bấy giờ, với những đau đớn tột cùng mà tôi phải chịu đựng, tôi đã không còn gì để mất, và tôi cho phép bản thân nói bất kì điều gì làm vừa lòng những kẻ tra tấn tôi. Các phiên thẩm vấn cứ liên tiếp diễn ra”.
"Mọi người đều hài lòng với câu trả lời của mày”, (…..) nói sau phiên thẩm vấn đầu tiên. Tôi trả lời tất cả các câu hỏi với những câu trả lời nhằm buộc tội mình. Tôi cố gắng khiến bản thân trở nên thảm hại nhất, bởi đó là điều sẽ làm những kẻ thẩm vấn hài lòng”.
“Tôi đã chấp nhận sẽ sống cả đời trong ngục tù. Mọi người có thể chịu đựng việc bị giam cầm một cách bất công, nhưng không ai có thể chịu đựng nỗi đau đớn ngày này qua ngày khác cho tới cuối đời”.
Hương Ly