Mất nhà, mang nợ chất chồng vì tham gia đa cấp
Sáng 28/7, vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Cty đa cấp Thăng Long Group đã được TAND Hà Nội đưa ra xét xử. Theo cáo trạng, năm 2012, Lê Văn Quang thành lập Cty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Tầm Nhìn Việt, xin giấy phép kinh doanh để bán hàng đa cấp.
Đến năm 2014, Quang mua lại Cty TNHH Secret có giấy phép kinh doanh đa cấp và đổi tên thành Cty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long (viết tắt là Cty nhượng quyền Thăng Long), giao cho Phạm Ngọc Tuân đứng tên làm Giám đốc; chuyển toàn bộ hệ thống bán hàng đa cấp của Cty Tầm Nhìn Việt sang công ty mới.
Đồng thời, Quang đã lập ra một hệ thống các công ty gồm: Cty nhượng quyền Thăng Long, Cty TNHH Tầm Nhìn Việt, Cty THHH bán hàng trực tiếp Thăng Long, Cty TNHH truyền thông SMART PR và Cty TNHH đào tạo thương mại điện tử Thăng Long đều có pháp nhân độc lập nhưng nằm trong Thăng Long Group để xây dựng hình ảnh một tập đoàn gồm nhiều công ty.
Trên thực tế, chỉ có duy nhất Cty nhượng quyền Thăng Long hoạt động, các công ty khác chỉ là “bình phong” mà không có bất cứ hoạt động nào. Ngoài việc đánh bóng tên tuổi để người bị hại tin Công ty Thăng Long Group là tập đoàn lớn, các công ty còn có nhiệm vụ được sử dụng để hợp thức hoá đơn chứng từ, che giấu nhiều hoạt động vi phạm pháp luật.
Để thu hút người bị hại, ngoài việc tổ chức các hội thảo gây dựng lòng tin, đánh bóng tên tuổi công ty và bản thân, nhóm do Lê Văn Quang điều hành đã đưa ra các mức lãi suất cực hấp dẫn khiến các bị hại khó lòng từ chối như: Mua gói sản phẩm từ làm đẹp thực phẩm chức năng… trị giá 31 triệu đồng, trong 18 tháng sẽ được nhận 146 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua gói 155 triệu đồng được nhận 730 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua gói 46 triệu đồng được nhận 153 triệu đồng (gấp 3,3 lần)... đánh vào lòng tham để kích thích tâm lý tham gia.
Theo thống kê đã có khoảng 36.000 bị hại ở khắp một số tỉnh thành như Thanh Hoá, Nghệ An, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… ước tính số tiền bị chiếm đoạt là khoảng hơn 700 tỷ đồng.
Vì thế, tại phiên toà sơ thẩm lần này số bị hại được triệu tập đông kỷ lục, khai mạc phiên toà ước có khoảng 300 người ngồi chật kín khán phòng xét xử. Đáng nói, phần lớn bị hại của Cty Thăng Long Group là người già, cán bộ hưu trí và những người lao động nghèo, vì tin vào những lời dụ dỗ, bị kích thích lòng tham làm giàu siêu tốc nên sập bẫy.
Hàng trăm bị hại từ khắp nơi dự kín phiên tòa. |
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Y. (75 tuổi, ngụ TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) là một ví dụ điển hình. Bà lâm cơn bĩ cực những năm cuối đời vì tham gia hệ thống đa cấp Thăng Long Group.
Nguồn cơn cũng từ việc bà Y vô tình được một số “cán bộ” công ty Thăng Long Goup tư vấn về mô hình đầu tư lợi nhuận siêu khủng do Lê Văn Quang khởi xướng. Mờ mắt về những con số lợi nhuận ước đạt nhảy múa, bà Y mua mã hàng và cấp tốc đạt chức “quản lý” chỉ sau 1 lần xuống tiền. Sau đó, trong 1 tháng, chỉ cần “ngồi rung đùi” bà Y nhận số tiền hoa hồng gần 50 triệu đồng từ hệ thống đem lại.
Thấy lợi nhuận siêu khủng, bà Y bỏ qua mọi lời khuyên của các con trong nhà, lén sử dụng chứng minh thư của các con, mang tiền tích góp còn lại để mua thêm mã hàng đánh quả lớn. Tuy nhiên, mộng đổi đời của bà Y vỡ tan theo sự sụp đổ của hệ thống, số tiền 400 triệu đồng cùng đó không cánh mà bay trong vòng 1 năm. Tiền mất, các con xa lánh oán trách, bà Y giờ đây sống cảnh lủi thủi một mình, cô đơn những năm cuối đời.
Với trường hợp của bà Quỳnh cũng ở Vĩnh Phúc thì tin theo lời đường mật giới thiệu bóng bảy của Lê Văn Quang: “Việt Nam cần hội nhập quốc tế và Cty Thăng Long Group sẽ mang sứ mệnh cất cánh đưa đất nước vươn tầm”; được chứng kiến câu chuyện chia sẻ của những người thành đạt kể về câu chuyện việc lương 200 triệu đồng/tháng để gắn “duyên” trùng khởi với Thăng Long Group; người thì mang cả tải tiền đổ dải trên sân khấu cho cả hội nghị 1500 người xem để tuyên thệ sẽ cùng Thăng Long group đi trên một con đường…
Choáng ngợp trước chiếc bánh vẽ do đội ngũ truyền thông tung hô, bà Quỳnh đắm mình vào hệ thống Thăng Long Group lúc nào không hay, đồng thời cũng không tiếc lời hô hào, tung hô theo những khẩu hiệu, tuyên ngôn vô thực của hệ thống đa cấp này nhồi nhét vào đầu.
Giấu diếm con cháu, bao nhiêu tiền bạc tích góp cuối đời, vay mượn người thân, họ hàng, thậm chí bán đi cả một mảnh đất để góp vốn làm giàu cùng Thăng Long Group. Và kết cục đau đớn là giờ đây bà Quỳnh phải ngậm bồ hòn làm ngọt, cay đắng không dám nói với các con nửa lời và phải đi ở nhờ nhà người khác. Trong khi, danh dự mất trắng vì mang tiếng là người bán hàng đa cấp lừa đảo.
Còn trường hợp của bà Lương (55 tuổi, ở Thạch Thành, Thanh Hoá) kể lại việc “bén duyên” với Thăng Long Group trong một lần dự hội nghị do chi nhánh của Cty Thăng Long Goup ở Thanh Hoá tổ chức. Ban đầu, bà Lương cũng bán tín bán nghi, nhưng bằng nhiều chiêu trò khác nhau của nhân viên Cty Thăng Long Goup, bà tin rằng mình là một trong số ít những người may mắn được công ty mời ra Hà Nội dự hội nghị vinh danh, tìm kiếm cơ hội làm giàu. Sau 2 lần được lên dây cót, lại chứng kiến những người hàng xóm, người thân của mình nườm nượp nộp tiền mua mã, nhận tiền hoa hồng đến mức thu ngân đếm tiền theo từng bì lớn thì lúc đó bà Lương hoàn toàn bị thuyết phục.
Đau đớn hơn, có trường hợp cả gia đình gồm bố mẹ, con cái đều bị dụ dỗ cuốn vào vòng xoáy của Cty Thăng Long lập ra. Đến độ, họ phải cầm cố chính thửa đất gia đình đang sinh sống để lấy vốn, vay tiền chính sách dành cho hộ nghèo, mượn danh người khác, tóm lại để vay tất cả các nguồn có thể để lao thân theo Thăng Long Goup…
Và kết cục thì tiền mất, tật mang kinh tế gia đình khốn đốn, gia đình mâu thuẫn, họ hàng lìa xa và khoản nợ thì cứ treo trên đầu không biết bao giờ mới có cơ hội để trả đủ… Thế nên, có mặt tại phiên toà, hàng trăm bị hại đều chung một tâm trạng là mong muốn vớt vát lại phần nào số tiền sau một hành trình phiêu linh với giấc mộng đổi đời do Lê Văn Quang và các đồng phạm bánh vẽ khởi xướng.
Trong phiên tòa nhiều bị hại đã được phát biểu, chất vấn các bị cáo, nhưng tựu chung lại vẫn xoay quanh nội dung phải đền bù thiệt hại cho tất cả các bị hại. “Vì tham gia hệ thống đa cấp mà nhiều gia đình tán gia bại sản, con xa cha, cháu xa ông bà… ai cũng khổ sở, đòi được một đồng cũng quý vì đó là tiền mồ hôi nước mắt…”, một bị cáo bức xúc tại phiên toà.
Huỳnh Trọng Nghĩa (SN 1988, cựu Giám đốc truyền thông Công ty nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Hồng Thái (SN 1980, cựu Giám đốc đào tạo Công ty nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Thành Nam (SN 1982, cựu Phó Giám đốc phụ trách đào tạo Công ty nhượng quyền Thăng Long), Hoàng Hải Yến (SN 1980, cựu Giám đốc tài chính Công ty nhượng quyền Thăng Long).
Hành vi gian dối đã cấu thành
Thẩm vấn công khai tại phiên toà, các bị cáo đều thừa nhận hành vi và số liệu theo tài liệu của cơ quan công tố. Tuy nhiên, hầu hết cả 7 bị cáo đều không thừa nhận những hành vi phạm tội, các bị cáo lập luận do không hiểu biết pháp luật, lập công ty ra không nhằm chiếm đoạt tài sản của ai, động cơ là muốn xây dựng một công ty bài bản và phát triển bền vững theo định hướng của Lê Văn Quang.
Còn Lê Văn Quang, đứng trước vành móng ngựa, bị cáo cho rằng, lập ra công ty nhằm tạo công ăn việc làm cho cả xã hội. Bản thân bị cáo Quang cũng đã tán gia bại sản, bao nhiêu tài sản như xe sang, căn hộ …. cũng bán hết để chi trả hoa hồng, bồi thường cho các bị hại, đến độ phương tiện đi lại cũng không còn, phải mượn xe máy của đại lý phân phối.
Thậm chí, có nhiều đại lý phân phối được Quang cho vay để đầu tư hệ thống, cũng có bị cáo vay tiền của công ty mà đến nay không thể thu hồi, tổng số tiền khoảng 20 tỷ đồng. Vì thế, có ý kiến cho rằng bị cáo Quang cũng là bị hại trong vụ án này.
Tổng số tiền ước tính các bị cáo chiếm đoạt của 36.000 bị hại lên tới hơn 736 tỷ đồng. Theo lời khai tại toà, khoảng 520 tỷ đồng đã được chi trả tiền hoa hồng, thưởng cho các đại lý với mức lên tới 70%. Do mức chi trả quá cao, vượt quá tầm kiểm soát nên dẫn tới mất cân đối thu chi và vỡ hệ thống. Do đó, Lê Văn Quang và một số bị cáo lập luận hành vi của các bị cáo là vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh đa cấp, trả thưởng vượt quá mức cơ quan thẩm quyền cho phép (40%) nên chỉ có thể xử phạt hành chính.
Đặc biệt,trong đó, có khoản 21 tỷ đồng xác định là tiền lãi trong hoạt động kinh doanh, đã được chia đều cho 7 bị cáo là “trùm sò” trong vụ án này, bao gồm cả Lê Văn Quang. Vì thế, đối đáp lại với HĐXX, các bị cáo cho rằng, nếu có thì thực chất chỉ chiếm đoạt được số tiền chia nêu trên. Ngoài ra, các bị cáo không hề có ý thức chiếm đoạt số tiền nào khác vì toàn bộ đều được chi trả hoa hồng, tiền chi phí hoạt động, tiền hàng và một số khoản vay khác…
Lê Văn Quang và đồng bọn không thừa nhận hành vi gian dối |
Tuy nhiên, HĐXX tạm nhận định các bị cáo không thừa nhận hành vi gian dối, và chiếm đoạt tài sản, tức là không thừa nhận tội danh là thiếu căn cứ.
Vị chủ toạ công bố hàng loạt chứng cứ là lời khai của các bị cáo ngay tại phiên toà, đồng thời lập luận, theo quy định của pháp luật, loại hình kinh đoanh đa cấp không được trả thưởng quá 40% hoa hồng, tuy nhiên các bị cáo đã kéo dài chương trình quảng cáo, khuyến mại, trả thưởng tới 70% để khuyến khích mua hàng, tăng doanh thu là trái phép; cho phép nhà phân phối sử dụng chứng minh thư của người khác để mở đại lý; người tham gia hệ thống không cần mua hàng, chỉ cần nộp tiền lấy mã là đợi hoa hồng và khuyến mại, trong khi hoạt động kinh doanh phải có trao đổi hàng hoá thực.
Hơn nữa, tên “Thăng Long Group” và các chức danh giám đốc kinh doanh, giám đốc quảng cáo… đều là do các bị cáo tự vẽ ra nhằm đánh bóng tên tuổi, chưa thông báo và không được cơ quan chức năng công nhận.
“Tất cả những biểu hiện đó có phải là gian dối hay không? Các bị cáo đã chiếm đoạt tổng 730 tỷ đồng, còn việc sử dụng như thế nào là việc của các bị cáo, không thể lập luận chỉ chiếm đoạt 21 tỷ đồng tiền thu lãi được”, chủ toạ đanh thép lập luận. Lời khai này của các bị cáo đã gây bức xúc cho dư luận và phần đông các bị hại đang dự phiên toà.
Ngoài ra, trong vụ án này, một luật sư bào chữa cho rằng rất nhiều nhà phân phối với tư cách bị hại nhưng được nhận được nhiều tiền hoa hồng, cá biệt có đại lý nhận 8-10 tỷ đồng tiền hoa hồng chi trả. Vì vậy, có ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ nội dung này, loại bỏ những trường hợp này là bị hại và thu hồi số tiền được chi trả hoa hồng bất hợp pháp để bổ sung bồi thường cho các bị hại, đây có thể là thiếu sót dẫn tới không xác định được mức độ và thiệt hại của bị hại.
Có nên xem xét lại bản chất có hay không hành vi chiếm đoạt?
Luật sư Nguyễn Minh Anh - Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Trí Minh - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm cho biết, việc kết luận các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là khiên cưỡng, chưa đủ căn cứ để làm rõ hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản của các bị cáo.
Thứ nhất: Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) là doanh nghiệp “có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, được phép kinh doanh bán hàng đa cấp” tuy nhiên thua lỗ trong kinh doanh thì không thể kết luận rằng ngay từ đầu họ lập ra chỉ để lừa đảo.
Thứ hai: Trong quá trình kinh doanh, các bị cáo đã không chấp hành đúng các quy định của pháp luật có liên quan trong hoạt động bán hàng đa cấp, cho nên đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, gây thiệt hại cho người tham gia vào hệ thống bán đa cấp của Công ty Thăng Long. Dựa trên các hành vi trên mà Cáo trạng cho rằng đó là các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản nhưng phải hiểu rằng đó đều là các hành vi vi phạm quy định về khuyến mại và vi phạm về hoạt động kinh doanh đa cấp quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP (có hiệu lực đến ngày 02/05/2018). Các hành vi này đều có chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khuyến mại và kinh doanh đa cấp.
Thứ ba: Công ty Thăng Long có ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp với các nhà phân phối là hoàn toàn tự nguyện của cả đôi bên. Trước khi ký hợp đồng bán hàng đa cấp với công ty, các nhà phân phối đều đã được tìm hiểu về công ty, được tập huấn, huấn luyện đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Thứ tư: Các cam kết của công ty đối với khách hàng đều đã được thực hiện trên thực tế, thậm chí có rất nhiều nhà phân phối đã được công ty chi trả số tiền lớn hơn. Chính vì điều này mà đã dẫn đến việc làm cho Công ty Thăng Long lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, khả năng chi trả hoa hồng cho những người khác, dẫn đến việc gây thiệt hại cho nhiều người khác. Sau đó, các bị cáo đã tích cực khắc phục hậu quả.
Như vậy, các bị cáo không được hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty Thăng Long. Việc Công ty Thăng Long bị thiếu hụt về tài chính, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán như trên là do sự quản lý tài chính yếu kém của đội ngũ lãnh đạo công ty, đã có những quyết định chi trả hoa hồng vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật như kết luận điều tra đã nêu (chi hoa hồng hệ thống đến 70% doanh thu so với mức giới hạn tối đa cho phép là 40%), chứ không phải là do các bị cáo chiếm đoạt.