Malvinas - 'Điểm nóng' chưa hạ nhiệt

Stanley là trung tâm tài chính của kinh tế quần đảo Falkland/Malvinas
Stanley là trung tâm tài chính của kinh tế quần đảo Falkland/Malvinas
(PLO) - Cách đây 35 năm, ngày 2/4/1982, Anh và Argentina nổ ra xung đột liên quan đến chủ quyền quần đảo Malvinas mà Anh gọi là Falklands. Đến nay, tuy quan hệ giữa hai nước đã dần được cải thiện, nhưng những tranh chấp chủ quyền liên quan đến quần đảo trên vẫn còn tiếp diễn.

Quần đảo Falkland/Malvinas nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000km, gồm hai đảo chính và hơn 776 hòn đảo nhỏ hơn. Tổng diện tích của quần đảo là 12.173km2. Cho đến nay, dân số đạt khoảng 3.000 người, phần lớn tập trung tại Stanley.

Tầm quan trọng

Với vị trí gần khu vực phía nam của Nam Mỹ và Nam Cực, từ lâu quần đảo Falkland/Malvinas được coi là điểm trung chuyển chiến lược quan trọng. Quần đảo này là bàn đạp cho bất kỳ lực lượng nào muốn tiến hành các nhiệm vụ quân sự và dân sự ở Nam Cực. Với riêng nước Anh, vị trí này rất quan trọng trong việc tăng cường kiểm soát ở khu vực Nam Mỹ. Vai trò của Falkland được minh chứng trong chiến thắng của Quân đội Anh đối với Hạm đội châu Á của Đức năm 1914, trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đến năm 1939, quần đảo trở thành nơi đóng quân của Hải quân Hoàng gia Anh tham gia trận chiến River Plate.

Vai trò về kinh tế cũng khẳng định tầm quan trọng của quần đảo Falkland/Malvinas. Trên đảo có tài nguyên khoáng sản phong phú, dưới lòng đất có trữ lượng dầu khí thiên nhiên khổng lồ. Những giếng dầu trong vùng lãnh hải của quần đảo hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho người dân ở Falkland/Malvinas và Anh với trữ lượng lên tới 60 triệu thùng (tương đương 9,5 tỷ mét khối).

Các hoạt động kinh tế tại quần đảo gồm đánh bắt cá và chăn nuôi cừu với trọng điểm là xuất khẩu len chất lượng cao. Ngoài ra, du lịch cũng dần trở thành thế mạnh của quần đảo này. Với hệ động/thực vật đa dạng cùng các cơ sở nghỉ dưỡng được đầu tư hiện đại, hàng năm quần đảo này thu hút hàng chục nghìn du khách đến thăm. 

Tranh chấp dai dẳng

Malvinas/Falklands có lịch sử khá phức tạp. Tuy xa xôi cách biệt nhưng nó lại là tiêu điểm của những tranh cãi phức tạp về chủ quyền giữa Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Argentina.

Năm 1592, những nhà thám hiểm người Anh đã phát hiện ra hòn đảo, nhưng nước này chưa tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Năm 1690, hòn đảo được đặt theo tên một đô đốc người Anh lần đầu tiên đặt chân tới đây. Đến thế kỷ XVIII, một nhóm người Pháp đến khai hoang và cư ngụ tại đây trong một thời gian ngắn, tiếp sau là Tây Ban Nha với việc tuyên bố chủ quyền với hòn đảo. 

Sau đó, năm 1820, Argentina tuyên bố có chủ quyền với quần đảo này vì thừa kế quần đảo từ Nhà Vua Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ XIX. Năm 1833, quân đội Anh giành lại quyền kiểm soát quần đảo từ Argentina. Từ đó, người Anh định cư lâu dài ở đây với nghề nghiệp chính là sản xuất lông cừu. Đến năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của Anh nhưng chỉ chiếm giữ quần đảo này trong 74 ngày, sau đó bị Anh đánh bại. Anh tiếp tục kiểm soát quần đảo Malvinas/Falklands. Sau chiến tranh, Argentina và Anh cắt đứt quan hệ ngoại giao. Phải đến cuối những năm 1980, cả hai bên mới nỗ lực hàn gắn lại quan hệ và chính thức nối lại quan hệ song phương vào năm 1990. 

Năm 1998, Tổng thống Argentina Carlos Menem đến thăm Anh và năm 2001, Thủ tướng Anh Tony Blair trở thành Thủ tướng Anh đầu tiên đến thăm quần đảo Malvinas/Falklands. Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao này không đủ để giúp hóa giải tranh chấp giữa Anh và Argentina. 

Căng thẳng giữa Anh và Argentina liên quan đến vấn đề chủ quyền quần đảo Malvinas/Falklands đã tăng nhiệt kể từ năm 2010, sau khi Anh cho phép các công ty tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí tại quần đảo tranh chấp này. Argentina đã tìm mọi cách ngăn cản việc khai thác dầu ở đây bởi một khi dầu thô bắt đầu được bơm lên sẽ rất khó để quốc gia Nam Mỹ này đòi hỏi được quyền lợi. 

Tháng 3/2012, Argentina đã cảnh báo sẽ có hành động pháp lý chống lại các công ty tham gia khai thác dầu tại khu vực quần đảo. Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner đã lên án, gọi đây là “hành động cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của Argentina”. Tháng 5/2012, Chính phủ Argentina cũng đã tuyên bố các hoạt động của Công ty Anh Falkland Oil and Gas tại Malvinas là bất hợp pháp, đồng thời ra lệnh cấm công ty này đầu tư ở Argentina trong vòng 20 năm kể từ tháng 8/2013.

Chưa “hạ nhiệt”

Vào cuối năm 2013, tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Malvinas/Falklands lại leo thang sau khi chính phủ Argentina quyết định phạt nặng, tịch thu thiết bị và xét xử các quan chức điều hành những công ty dầu mỏ hoạt động ở ngoài khơi quần đảo này.

Phía Argentina cho rằng, những hành động khai thác dầu khí ở ngoài khơi quần đảo này là vi phạm các quyết định của Liên Hợp quốc (LHQ), như Nghị quyết 31/49 của Đại hội đồng LHQ về việc yêu cầu Anh và Argentina không đưa ra các quyết định đơn phương dẫn đến việc thay đổi tình hình quần đảo trên trong khi tranh chấp chủ quyền giữa hai nước vẫn đang chờ được giải quyết. Trong khi đó, phía Anh lại cho rằng, các hoạt động thăm dò và khai thác của Anh tại đây là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp.

Cơ sở pháp lý mà Anh đưa ra đó là, trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3/2013, 98% người dân tại quần đảo Falkland đã bỏ phiếu ủng hộ quy chế Malvinas/Falklands là một trong những lãnh thổ của Anh ở hải ngoại. Tuy nhiên, Argentina không chấp nhận và vẫn tiếp tục đưa tranh chấp về quần đảo này lên LHQ. 

Đầu năm 2015, Anh đã tiến hành khoan thăm dò và tuyên bố phát hiện dầu khí tại quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands. Chính phủ Anh cũng tuyên bố tăng cường quân sự ở quần đảo này trước sự đe dọa của Argentina, khiến tình hình càng trở nên phức tạp. 

Ngày 29/3/2016, Argentina đã chính thức khẳng định chủ quyền và mở rộng ranh giới ngoài thềm lục địa bao trùm khu vực biển quanh quần đảo tranh chấp, sau khi Ủy ban phân định thềm lục địa của LHQ ra phán quyết cho phép Argentina mở rộng 35% lãnh hải, bao gồm cả khu vùng biển quanh khu vực tranh chấp này.

Ngày 14/9/2016, hai nước đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt về hợp tác trong khai thác dầu khí, ngư nghiệp, thương mại, giao thông và vận tải hàng hải cũng như hàng không tại quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands. Tuy nhiên, ngày 2/1/2017, một lần nữa chính phủ Argentina đã lên tiếng tái khẳng định chủ quyền quần đảo và kêu gọi Anh đối thoại sớm nhất có thể trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này. 

LHQ đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tiến hành các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm biện pháp giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hòa bình; tuy nhiên, những nghị quyết này của LHQ không nhận được sự hưởng ứng và đồng tình của cả hai phía. Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo này và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện mong muốn.

Trong khi khoảng 3.000 người dân tại Malvinas/Falkland, phần lớn là người Anh hoặc hậu duệ của họ, đã tỏ ra không muốn quần đảo này thuộc chủ quyền của Argentina. Vì vậy, vấn đề tranh chấp quần đảo Malvinas/Falklands vẫn tồn tại dai dẳng trong mối quan hệ hai nước... 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam

Hình ảnh tại hội thảo.
(PLVN) - Hội thảo nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tri thức về ngành sản xuất chất bán dẫn từ Nhật Bản sang Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực chuyên môn, nghiên cứu của nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam; tạo ra các cơ hội việc làm, thực tập và đào tạo cho sinh viên và các chuyên gia Việt Nam tại Nhật Bản...

Ưu điểm 'xe tăng tốt nhất thế giới' của Nga

Một mẫu xe tăng hiện đại hoá từ nguyên mẫu T-72 của Nga.
(PLVN) - Dù có thiết kế rất đơn giản nhưng xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 của Nga là xe tăng tốt nhất thế giới, hãng tin Sputnik dẫn lời nhà báo Brandon Weichert trên ấn phẩm The National Interest (TNI) của Mỹ khẳng định.

Vì sao UNESCO khuyến nghị bảo tồn di sản nghe nhìn?

Hoạt động kiểm kê phim tại Kho lưu trữ UNESCO. (Ảnh: UNESCO)
(PLVN) - Di sản nghe nhìn là những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa và sự phát triển của con người. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng với các nguy cơ tự nhiên và nhân tạo đang đe dọa sự tồn tại của các tài liệu này. Nhận thức được điều đó, UNESCO đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn di sản nghe nhìn, nhằm đảm bảo tính bền vững và khả năng tiếp cận cho các thế hệ tương lai.