Nỗi buồn sau 21 tháng mong chờ
Sau gần 2 năm chờ đợi, vào tối 8/10/2017, tại thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk (Đắk Lắk) voi Ban Nang hạ sinh voi con Pặc On. Nhưng tiếc thay, Pặc On đã chết khi còn trong bụng mẹ.
Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi (TTBTV) Đắk Lắk (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, cái chết của Pặc On có thể là do quá trình chuyển dạ của Ban Nang quá lâu và cũng có thể là do voi mẹ đã già. “Cái chết của voi con Pặc On một lần nữa cho thấy công tác bảo tồn voi hết sức khó khăn. Mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi phương án để đối phó khi voi Ban Nang sinh nở nhưng vẫn không thể cứu được voi con. Gia đình ông Y Mứ B’Krông, chủ voi Ban Nang và tất cả cán bộ, nhân viên của TTBTV rất buồn trước cái chết của voi con. Nhưng định mệnh không cho voi con sống với buôn làng, biết sao được”, ông Luân nói.
Sau rất nhiều nỗ lực của TTBTV, Ban Nang “yêu” và mang thai trước đó gần 2 năm. Ngay sau khi phát hiện điều này, TTBTV Đắk Lắk đã vận động gia đình ông Y Mứ B’krông (trú buôn M’Liêng, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk cho Ban Nang ngừng việc đưa khách đi du lịch để dưỡng thai.
21 tháng, kể từ khi mang thai, Ban Nang được chăm sóc hết sức chu đáo. Sức khỏe của Ban Nang cũng được TTBTV và các chuyên gia theo dõi sát sao. Mặc dù chưa được sinh ra, nhưng đứa con trong bụng Ban Nang được chủ nhà yêu mến đặt tên là Pặc On.
Để chuẩn bị cho Ban Nang “nằm ổ”, bên cạnh việc cắt cử người theo dõi, chăm sóc, TTBTV còn đi tìm “bà mụ” cho Ban Nang. Qua nghiên cứu tập tính của loài voi, TTBTV phát hiện khi voi cái sinh nở cũng rất cần đồng loại “đỡ đẻ”. Qua tìm hiểu, TTBTV đã thuê H’Băn (55 tuổi - của một chủ voi ở buôn Jun, thị trấn Liên Sơn) với giá 10 triệu đồng/tháng về chăm sóc cho Ban Nang. Bởi khi nhỏ Ban Nang mất mẹ rất sớm và được H’Băn chăm sóc. Cả hai từng có thời gian rất thân thiết, quấn quýt với nhau. Do đó, H’Băn thích hợp nhất với vai trò là “bà mụ” cho Ban Nang. Ngoài việc lo cho Ban Nang, chủ voi cũng được UBND tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ hơn 600 triệu đồng để yên tâm chăm sóc cho voi trong thời gian mang thai.
Ông Luân cho biết, do lần đầu tiên có voi nhà mang bầu nên đơn vị cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã lên nhiều phương án đối phó để chuẩn bị cho ngày Ban Nang “vượt cạn”. Nhiều tháng trước đó, Ban Nang và H’Băn được đưa vào khu rừng trên một ốc đảo nằm ở giữa hồ Lắk có không khí mát mẻ, yên tĩnh để dưỡng thai chờ ngày sinh nở. Cùng với đó, TTBTV cử một tổ công tác gồm bác sĩ thú y, các nhân viên chăm sóc và các nài voi túc trực 24/24h. Nhưng rất tiếc Pặc On đã “không chịu sống” cùng buôn làng.
Cứu voi như cứu người
Câu chuyện trên không chỉ là bằng chứng cho thấy lòng nhiệt thành của những người làm công tác “giúp đỡ” voi, mà còn cho thấy sự hiếm hoi, nguy cấp của voi Tây Nguyên.
Một lãnh đạo rừng quốc gia York Đôn kể lại một kỷ niệm nhớ đời khác. Chiều 28/12 âm lịch Tết Ất Mùi, ông nhận được tin báo tại tiểu khu 471 thuộc Trạm kiểm lâm số 6 có một cá thể voi hoang dã đang bị thương nặng, được một voi nhà phát hiện. Ngay lập tức cán bộ kiểm lâm lên đường tới vị trí trên để ghi nhận tình hình. Nhận định chú voi khoảng 4 tuổi, có ngà dài 25cm, đế chân trái phía trước bị mất, vòi trầy xước nhẹ, cần phải cứu chữa gấp, nên mọi cán bộ gác lại việc chuẩn bị đón Tết để đưa voi về trụ sở điều trị.
Tuy nhiên, vào thời điểm giáp tết, người dân nằng nặc đòi đưa voi của họ về nhà để làm lễ cúng sức khoẻ theo phong tục. Sợ voi nhà về, voi rừng sẽ đi mất, nên cán bộ kiểm lâm phải tìm cách thuyết phục, giải thích cho dân hiểu tính nguy cấp của việc cứu chữa cho voi rừng đang bị thương. Sau một hồi thương lượng, người dân cũng đồng ý giúp sức. Đến chiều 30 Tết, cán bộ đi mua mía, bắp và một số thức ăn khác lên cho voi rừng, một bộ phận khác nhận nhiệm vụ đi vận động bà con, mượn thêm voi nhà, nài voi có kinh nghiệm tới áp giải, bảo vệ an toàn cho người khi tiếp cận voi rừng.
Đến chiều mùng 2 Tết, khi đã chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, Ban quản lý (BQL) vườn cùng các nài voi tiến đến, cho voi nhà áp sát, khống chế chú voi rừng. BQL còn phải nhờ đến sự phối hợp của công an huyện và bộ đội biên phòng tại Buôn Đôn để giải tán người dân, tránh những sự cố đáng tiếc khi đưa voi về trụ sở. Đúng 8h15 phút, chú voi rừng được các nài voi và cán bộ kiểm lâm đưa về trung tâm hành chính vườn quốc gia an toàn.
Vị cán bộ hồ hởi nhớ lại: “Vì chú voi đó mà mấy ngày Tết anh em chúng tôi không được nghỉ ngơi. Trên đường đưa voi về, người dân hiếu kỳ đổ ra xem kín đường. Sợ voi rừng hoảng loạn, gây tai nạn, chúng tôi phải nói dối đó là voi nhà bị thương. Khi đưa voi về đến trung tâm, ai cũng thở phào mừng rỡ. Khi voi đã an toàn, chúng tôi làm các thủ tục, bàn giao voi cho Trung tâm bảo tồn voi tới xử lý, tiếp tục cứu chữa”.
Do không có kĩ thuật và các phương tiện chuyên sâu, khám chữa bệnh cho voi, các bác sĩ thú y của TTBTV Đắk Lắk phải tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia nước ngoài. Thậm chí Trung tâm đã mời chuyên gia Thái Lan sang để trực tiếp chữa bệnh cho voi.
Nguy cơ tuyệt chủng
Voi là một biểu tượng linh thiêng của Tây Nguyên. Và Đắk Lắk được coi là thủ phủ voi của Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tác động, đến nay đàn voi tại Đắk Lắk đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo nhận xét của một lãnh đạo Vườn quốc gia York Đôn, năm 1980, Đắk Lắk có hơn 550 cá thể voi rừng. Từ năm 2009 - 2013, mỗi năm có khoảng 120 cá thể voi rừng sinh sống trong vườn. Tuy nhiên, hiện trong vườn York Đôn còn khoảng 60 - 65 cá thể voi hoang dã. Lý giải nguyên nhân, ông phân tích: “Thứ nhất, do nạn phá rừng lấy gỗ, đất sản xuất và việc chuyển giao rừng sang mục đích sử dụng khác khiến không gian sống của voi bị thu hẹp, nguồn thức ăn bị hạn chế. Thứ hai là nạn săn bắt voi trái phép để lấy ngà, lông đuôi, đế chân, luôn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát”.
Đàn voi nhà có số phận càng bi thảm hơn, những năm 80 của thế kỷ trước, số lượng voi nhà tại Đắk Lắk là 502 con. Chỉ tính riêng trong bốn tháng đầu năm 2015, đã có tới 5 con bị chết, trong đó có 1 voi rừng và 4 voi nhà. Đến nay, chỉ còn 43 cá thể được nuôi theo hộ gia đình hoặc làm du lịch.
“Từ rất lâu rồi, tôi chưa thấy voi con xuất hiện. Trong khi đó, hầu như năm nào cũng có voi nhà chết vì bệnh tật. Voi là loài động vật thông minh, ngoài nhu cầu về thức ăn, sinh hoạt, đến mùa động dục nó cũng cần được đáp ứng đầy đủ theo quy luật của tự nhiên. Tuy nhiên, vì voi mang thai trong thời gian quá dài (khoảng 2 năm), người dân lại cần voi khoẻ để phục vụ sản xuất, du lịch nên luôn tìm cách ngăn cản, không cho voi ghép cặp, giao phối. Đó cũng là nguyên nhân khiến đàn voi nhà tại Đắk Lắk ngày càng giảm”, anh Phạm Văn Thịnh, bác sĩ thú y tại TTBTV, chia sẻ.
Bên cạnh đó, mỗi khi voi bệnh, các chủ voi đều vào rừng lấy lá thuốc, tự điều trị cho voi theo vốn hiểu biết của mình. Anh Thịnh cho biết: “Cho đến nay, chúng ta chưa có trường lớp nào đào tạo chuyên sâu về việc chữa bệnh cho voi. Bởi vậy, chúng tôi vừa học, vừa làm, vừa tích luỹ kinh nghiệm từ người dân, đồng nghiệp và các chuyên gia nước ngoài. Hơn thế, TTBTV cũng không có máy móc, thiết bị hiện đại để khám, chẩn đoán chính xác bệnh của voi. Bác sĩ thú y như tôi cũng chỉ khám và chữa những bệnh thường gặp ở voi như tiêu chảy, viêm chân, ký sinh trùng. Những trường hợp khó hoặc khi voi bị thương nặng đều phải nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài như Tổ chức bảo vệ động vật châu Á, Tổ chức bảo vệ động vật thế giới”.
Trước thực trạng voi nhà mất khả năng sinh đẻ, có ý kiến nhận định: Nếu cứ đà này, khoảng 30 năm nữa chắc Tây Nguyên không còn voi. Cũng có ý tưởng đợi có kinh phí, sẽ lập đề án, xin trao đổi nguồn gen và giống từ các nước bạn như Campuchia, Thái Lan, Lào… nước bạn sẽ cung cấp voi cái trong độ tuổi sinh sản về cho vườn để tiến hành nhân giống duy trì loài voi tại Tây Nguyên.