Cả tuần vừa qua, bà con khu vực Khương Đình, Định Công, Kim Giang (Hà Nội) được TH True milk đãi đằng như “thượng đế”: mua 1 vỉ sữa chua nho (4 hộp nhỏ) giá 28.000 đồng, được tặng liền tay 1 vỉ nữa, thành 2 vỉ (8 hộp) giá không đổi. Mua 2 vỉ sữa chua nho giá 50.000 nghìn đồng (8 hộp nhỏ) được tặng thêm 2 vỉ nữa, thành 4 vỉ (16 hộp sữa chua) giá chỉ 50.000 đồng. Nhân viên hãng sữa còn không quên dặn dò: “Bà con ăn xong, nhớ giữ lấy 4 nắp hộp sữa chua, mang ra đại lý của hãng TH True milk đổi được thêm 1 hộp sữa chua nữa”.
Vừa rẻ, vừa bổ dưỡng, mỗi người mua 1 được 2, mua 2 được 4, nhiều người mua luôn 100.000 đồng tiền sữa chua, được 8 vỉ (32 hộp sữa chua). Bác Hiền vừa khệ nệ xách túi sữa vừa hào hứng cho biết: “Rẻ quá, mua về cho cả nhà cùng ăn”.
Chớp cơ hội hay thúc thủ nhìn tồn kho?
Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Vietnam, tính đến tháng 7/2013, hãng sữa TH True milk đang chiếm 7,7% thị phần. Bối cảnh kinh tế khó khăn có thể chính là cơ hội để những tên tuổi mới và giàu tham vọng như TH True milk tranh thủ “cưa cẩm” người tiêu dùng. Năm 2014, TH True milk dự kiến đưa vào vận hành toàn bộ Nhà máy Mega Plant, với tổng công suất dự kiến 1.700 tấn/ngày (tương đương 500 triệu lít/năm) để thực hiện mục tiêu đạt doanh thu năm 2015 là 15.000 tỉ đồng, năm 2017 là 23.000 tỉ đồng.
Nhưng tiếc rằng không có nhiều trường hợp như doanh nghiệp sữa đến từ cao nguyên Nghĩa Đàn (Nghệ An). Theo thống kê của cơ quan chức năng, 5 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể là 27.867 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 4,77% và là mức tăng thấp nhất trong 13 năm gần đây. Tại thời điểm 1/6, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng thời điểm năm 2013.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng như: sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 11,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 10,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,1%; sản xuất thiết bị điện tăng 2,1%; dệt tăng 1,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 12,8%.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung, như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 138%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 62,1%; sản xuất trang phục tăng 32,6%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 30,4%; sản xuất kim loại tăng 25,3%...
Thiếu “ông mai”, “bà mối”
Bộ Công Thương vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ này, bà Hồ Thị Kim Thoa thông tin: Thực hiện cuộc vận động, Bộ Công Thương đã triển khai rất nhiều hoạt động.
Từ tháng 7/2009 đến tháng 5/2014, Bộ đã phê duyệt tổng số 618 đề án xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 375,75 tỷ đồng. Trong đó, có 356 đề án xúc tiến thương mại tập trung vào thị trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ lên 167,78 tỷ đồng.
Các đề án này chủ yếu nhằm tổ chức các hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng (103 đề án với tổng kinh phí 138,59 tỷ đồng) và các hoạt động phân phối hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn (253 đề án với tổng kinh phí gần 29,2 tỷ đồng).
Trong 5 năm qua, Sở Công Thương các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 48.000 gian hàng, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 34,47 nghìn tỉ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia…
Vậy nhưng còn rất nhiều việc phải làm, như ý kiến tâm huyết của bà Vũ Thị Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao: “Chính phủ, các Bộ, ngành cần có giải pháp để tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa DN sản xuất, DN chế biến và phân phối nông sản, hàng hóa, sản phẩm, đặc sản của các địa phương. Đơn cử, chúng tôi đã kết nối đưa hoa hồi của tỉnh Lạng Sơn vào hội chợ ở Cần Thơ để gặp các DN làm gia vị cho chế biến phở. Việc kết nối chỉ thành công khi “ông mai” theo dõi sát sao và tích cực tạo điều kiện cho mối quan hệ “nhà trai” và “nhà gái” thêm bền chặt”.
Cũng theo bà Hạnh, lẽ ra Cục Xúc tiến thương mại nên có mặt tại hội nghị này, bởi lẽ tới cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động, giờ này đã có nhiều DN Malaysia và Thái Lan vào Việt Nam để mua DN Việt Nam, trong khi không ít DN của chúng ta chưa thực sự chuẩn bị tinh thần để hàng hóa do DN mình sản xuất gia nhập vào thị trường khu vực.