Được mệnh danh là người “giữ cổng pháp luật” nhưng hiện nay, tại các DNNN thực trạng công tác pháp chế đang là một bức tranh ảm đạm.
Pháp chế -“người thừa” của bộ máy
Toàn cảnh của “bức tranh tối màu” đó đã phần nào được cuộc “Tọa đàm về thực trạng công tác pháp chế trong DNNN” sáng 31/8 lột tả.
Đó là tình trạng tổ chức pháp chế rơi vào tình cảnh “người thừa” trong bộ máy, có cũng được mà không có cũng chẳng sao, do không được lãnh đạo DN quan tâm, đầu tư và sử dụng.
Đó là tình trạng chảy máu nhân lực cán bộ pháp chế vì chế độ đãi ngộ hầu như không có gì ngoài lương, trong khi đó công việc lại nhiều và nặng…Dù rằng Nghị định 122/2004/NĐ-CP về tổ chức pháp chế trong đó có pháp chế DNNN đã đi vào cuộc sống được hơn 6 năm.
“Điều kiện làm việc ở Tập đoàn dầu khí Việt Nam có thể nói là khá lý tưởng với cán bộ trẻ. Vậy mà chúng tôi vẫn thiếu người…”. Đó là lời chia sẻ của ông Đinh Văn Sơn – Trưởng Ban Luật và Quan hệ quốc tế của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Theo ông Sơn, hiện nay, Ban Luật của ông sở hữu vỏn vẹn có 10 cán bộ pháp chế, trong khi đó các mảng việc của Tập đoàn lại vô cùng rộng và phức tạp.
“Chúng tôi rất muốn tuyển những cán bộ pháp chế giỏi cả chuyên môn luật lẫn ngoại ngữ, nhưng sao mà khó thế. Bởi những người như vậy thì đã bị các công ty luật nước ngoài “hớt” bằng mức lương cao hết cả rồi, bởi là DNNN chúng tôi tránh sao khỏi khung lương cứng do Nhà nước quy định” – ông Sơn cho biết.
Được biết, lãnh đạo Tập đoàn dầu khí là một trong số ít các tập đoàn rất quan tâm đến việc phát triển tổ chức pháp chế mà tình hình còn căng như vậy, thì ở các DN khác sẽ ra sao?
Từ góc độ của Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế cho biết, “mọi rào cản mà các tổ chức pháp chế DNNN đã và đang đối mặt đều có nguyên nhân từ sự yếu kém trong nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp”.
Có nhiều doanh nghiệp, khi bình thường thì chẳng bao giờ nhớ đến pháp chế, có chăng ý kiến pháp chế chỉ để tham khảo. Đến khi có sự cố, có tranh chấp xảy ra mới giật mình nhớ pháp chế thì nhiều khi đã quá muộn – ông Tịnh cho biết. Các vụ bồi thường với số tiền khổng lồ khá nổi tiếng của Hàng không Việt Nam, rồi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là một minh chứng rất rõ nét cho nhận định này.
Để pháp chế trở thành “luật sư nhà” của DN
Xét về tính chất công việc, không sai khi gọi pháp chế là “luật sư nhà” (house lawyer) của DN. Nhưng để đáp ứng được khái niệm “luật sư nhà” này cũng không phải dễ dàng gì một khi chính sách thúc đẩy sự phát triển của pháp chế còn chưa tới, khung lương của Nhà nước như một thanh barie chắn ngang bước đường thu hút người giỏi…
Đó là điều mà các đại biểu tham dự Tọa đàm đều không hẹn mà gặp, cùng băn khoăn. Sau 6 năm thực thi, NĐ 122 cho thấy đã đến lúc phải được làm mới và để cuộc “thay máu” này hiệu quả, đã có rất nhiều ý tưởng hay nhằm tiếp thêm sinh khí cho tổ chức pháp chế và những người làm công tác pháp chế.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình saọn thảo Nghị định thay thế NĐ 122, Ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến nên xây dựng “mã ngành” cho pháp chế. Có “mã ngành” pháp chế sẽ hóa giải được hầu hết những khó khăn hiện nay như: bị ghép với các phòng ban khác, cán bộ kiêm nhiệm, lương thấp, chính sách đãi ngộ không có…
“Luật hóa” – đó là hai từ mà ông Đinh Văn Sơn Trưởng Ban Luật và Quan hệ quốc tế của Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã đặc biệt nhấn mạnh khi đưa ra những kiến nghị.
Theo ông Sơn, để pháp chế DNNN có vai trò quan trọng trong bộ máy DN cũng như trong con mắt của lãnh đạo thì cần thiết phải luật hóa việc xây dựng tổ chức pháp chế tại cơ quan nhà nước, DNNN; luật hóa tiêu chuẩn của cán bộ pháp chế cùng với luật hóa chế độ chính sách, cơ chế thu hút, đào tạo nhân lực. “Pháp chế phải là “miền đất hứa” thì mới mong có người tài” – ông Sơn tha thiết…
Củng cố pháp chế là “gãi trúng vấn đề” Theo bà Châu Hồng Nga - Trưởng phòng pháp chế Tổng công ty Thuốc lá VN, hiện nay nhiều DN cũng tính tới việc thuê luật sư giải quyết các vấn đề về pháp lý nảy sinh trong kinh doanh. Nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. "Mỗi luật sư chỉ mạnh về một mảng (đất đai, thương mại...). Khi chúng tôi cần tư vấn, họ khất, cần thời gian nghiên cứu. Đến khi trả lời, thì đã qua mất thời điểm cần giải quyết vấn đề, hoặc chúng tôi đã tìm được cách khác. Vì thế việc thành lập và củng cố bộ phận pháp chế trong các tổng công ty (doanh nghiệp lớn của nhà nước) là "gãi trúng vấn đề". Bộ phận này gồm những người am hiểu pháp luật, cùng với cọ xát thực tế kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giúp người quản lý có những quyết sách đúng, triển khai hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, hạn chế rủi ro.