“Ma men” điều khiển phương tiện tham gia giao thông: Vì sao chưa thể xử lý hình sự?

Hiện trường vụ tai nạn giao thông do người lái ôtô uống rượu bia gây ra
Hiện trường vụ tai nạn giao thông do người lái ôtô uống rượu bia gây ra
(PLVN) - Hiện nay, ở nước ta, hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia khi chưa bị coi là tội phạm. Mặc dù rất nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng như người dân đều ủng hộ việc hình sự hoá hành vi này, tuy nhiên, việc có một quy định riêng rẽ về tội danh của hành vi này lại đang gặp nhiều vướng mắc.

Các văn bản chưa đồng bộ 

Tác hại của rượu, bia trong việc bảo đảm an toàn giao thông đã được thực tế chỉ rõ qua hàng loạt các sự việc có hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay không ít người vẫn coi nhẹ, thờ ơ hoặc không hề quan tâm tới tác hại của rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Họ vẫn vô tư uống và sẵn sàng “leo” lên xe và lái đi, bất chấp mối nguy hiểm mà họ có thể mang lại. Phải chăng, chế tài xử lý hiện nay của nước ta còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, nên họ vẫn vô tư vi phạm?

Một số vụ tai nạn giao thông thảm khốc do tài xế uống rượu bia

Hà Nội: Tai nạn ở hầm Kim Liên, xe Mercedes tông tử vong 2 phụ nữ; Tài xế “xe điên” đâm chết nữ công nhân môi trường  rồi bỏ chạy. 

Yên Bái: Vụ tai nạn kinh hoàng 12 người thương vong trên cao tốc, tài xế xe 7 chỗ sử dụng rượu, bia.

Long An: Xe container cuốn hàng chục xe máy vào gầm, 4 người chết.

TP.HCM: Nữ tài xế say xỉn lái Lexus tông liên hoàn khiến nhiều người trọng thương; Nữ doanh nhân lái BWM tông 6 người thương vong ở ngã tư Hàng Xanh;

Bình Định: Ôtô lao vào đoàn hộ tang làm 3 người chết…. 

Hiện theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự đã có quy định xử lý hình sự đối với người uống rượu bia tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo quy định này, thì hành vi sử dụng rượu bia chỉ được coi là tình tiết tăng nặng mà không phải là một tội danh riêng. Không những vậy, chỉ người nào sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định và có gây ra hậu quả thì mới bị truy cứu. 

Theo một số chuyên gia thì việc chỉ căn cứ vào hậu quả của hành vi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mới có thể xử lý hình sự đã không đảm bảo tính kịp thời, không phù hợp với thực tế hiện nay và không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa. 

Tuy Khoản 4, Điều 260 BLHS cũng có quy định về hành vi có khả năng thực tế gây hậu quả cũng có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, việc áp dụng điều này trong thực tiễn còn nhiều bất cập. Thậm chí, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn đang lúng túng khi tiến hành xem xét xử lý theo nội dung của khoản này.

Bên cạnh đó, hầu như các văn bản quy phạm hiện nay đều định hướng xử lý hành vi sử dụng rượu bia theo hướng xử lý vi phạm hành chính.  Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 46 của Chính phủ, người điều khiển phương tiện vẫn được phép tham gia giao thông nếu trong máu có nồng độ cồn dưới 50miligam/100 mililit máu hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở. Khi người điều khiển có nồng độ cồn vượt quy định, thì cũng chỉ bị phạt tiền và các hình phạt bổ sung khác như: tạm giữ phương tiện, tước bằng lái có thời hạn.

Một số ý kiến cho rằng, cần nâng mức xử phạt hành chính với hành vi sử dụng rượu, bia của Nghị định 46 như: tăng mức phạt tiền, tăng thời gian tạm giữ phương tiện, tước bằng lái. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp xử lý hành chính, chưa phải là biện pháp răn đe mạnh tay nhằm chấm dứt hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu, bia.

Mới đây, Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (có hiệu lực từ 1/1/2020) trong đó có quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đây có thể coi là một “điểm sáng” cho các nhà làm luật sử dụng đó như một nguồn luật để điều chỉnh theo hướng “tội phạm hóa”  hành vi sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông.

Tuy nhiên,  các văn bản, quy định hiện hành vẫn chưa có sự đồng bộ cho việc xử lý hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia theo hướng hình sự. 

Khai thông việc xử lý hình sự

Mặc dù thời gian qua việc xử phạt vi phạm hành chính đối với tài xế có nồng độ cồn vượt quá quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông được triển khai nghiêm túc. Nhưng xem ra ý thức của nhiều tài xế không có sự chuyển biến. Những vụ tai nạn giao thông gây thương vong do tài xế sử dụng rượu, bia gây ra hiện chiếm tỷ lệ rất cao trong các vụ tai nạn giao thông.

Tài xế sau khi uống rượu, bia sẽ có nhiều biểu hiện như buồn ngủ, mắt mờ, tinh thần dễ bị kích động, không làm chủ hành vi… Do vậy, dù sử dụng rượu, bia nhiều hay ít thì cũng ảnh hưởng đến hành vi của tài xế khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Vì vậy, để góp phần nâng cao ý thức lái xe, ngoài việc xử lý “ma men” lái xe một cách nghiêm khắc thì cần phải sử dụng đồng bộ các giải pháp khác. Đặc biệt, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xử phạt về hành vi này theo hướng tăng nặng (có thể phạt tù) nếu tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép, kể cả trong trường hợp có gây ra hậu quả hay không.

Việc áp dụng những biện pháp “mạnh tay” xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tạo môi trường giao thông an toàn, nâng cao kỷ cương của pháp luật. 

Những quy định hiện hành đang khiến cho lực lượng chức năng khó xử lý vi phạm nồng độ cồn của lái xe theo hướng hình sự. Bởi vậy, nhiều nhà nghiên cứu luật cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể Khoản 4, Điều 260 BLHS nhằm khai thông việc xử lý hình sự với những vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng, với mục tiêu hạn chế hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu, bia.

Theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, để xử lý hình sự đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia thì cần phải “nối” 3 văn bản luật với nhau,  đó là BLHS, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 46. Cụ thể.

Quốc hội có thể thông qua một nghị quyết hướng dẫn thi hành Khoản 4 Điều 260 BLHS. Hoặc Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có thể tổng kết thông qua thực tế xét xử để xây dựng nghị quyết hướng dẫn thi hành Khoản 4 Điều 260 BLHS. Một biện pháp nữa là một Bộ hoặc một số Bộ liên quan ban hành Thông tư hoặc Thông tư liên tịch để có thể tạo ra chế tài xử lý hình sự hành vi lái xe khi có nồng độ cồn nhất định”.

Theo đánh giá của Luật sư Hướng thì khi có hình phạt “bỏ tù” người sử dụng rượu bia tham gia giao thông mới có thể ngăn ngừa và giảm thiểu có hiệu quả các vụ tai nạn giao thông do tài xế sử dụng rượu, bia gây ra. 

Hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông phải là lỗi cố ý

Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nay thì hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích khác có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS.

Đây là thuộc nhóm tội phạm xảy ra với lỗi vô ý nên chế tài xử lý hình sự chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm này đang có xu hướng gia tăng gây lo lắng và bức xúc cho người dân khi tham gia giao thông.

Theo quan điểm của Luật sư Thơm, Việt Nam cần phải tăng chế tài đủ sức răn đe, phòng ngừa ngay từ ban đầu chứ không để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý.

Trước tiên, cần sửa đổi luật hình sự, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ thuộc nhóm hành vi lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 BLHS “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”. 

Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể mình các chất kích thích như rượu bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý. Như vậy, nếu hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về hậu quả đến đó. 

Qua gần 3 năm thực hiện, nhiều quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) cho thấy đã không còn phù hợp với thực tiễn, nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi.

 Do đó, theo quan điểm của Luật sư Thơm thì cần tăng mức phạt đối với cá nhân khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ lên gấp 2 lần và tăng mức phạt với người sử dụng rượu bia, chất kích thích khi tham gia giao thông trên mọi tuyến đường, dù là đường cao tốc.

Đọc thêm

2 người tử vong trên quốc lộ

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 9, đoạn qua thị trấn Cam Lộ.
(PLVN) - Trong 2 ngày (10 và 11/12), trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 9 qua địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến 2 người tử vong.

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.