Ly kỳ vụ tên lửa bị KGB đánh cắp gửi về nước qua đường… bưu điện

Ly kỳ vụ tên lửa bị KGB đánh cắp gửi về nước qua đường… bưu điện
(PLVN) - Tên lửa không đối không R-3S do Liên Xô sản xuất được cho là một bản sao của tên lửa AIM-9B Sidewinder do Mỹ nghiên cứu và sản xuất ra. Theo các nguồn tin, Moscow có được tên lửa này là nhờ một điệp viên của KGB đã đột nhập căn cứ không quân ở Đức để đánh cắp cả tên lửa rồi tháo dỡ ra và chuyển về Nga theo… đường bưu điện.

Vận may có một không hai

Mùa hè năm 1958, khi cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần hai đang ở giai đoạn căng thẳng, không quân Trung Quốc và không quân Đài Loan liên tục đối đầu nhau ở một số đảo gần Trung Quốc đại lục lúc bấy giờ đang do Đài Loan kiểm soát.

Dù vượt trội về số lượng và có trong tay các phi công có kỹ năng tốt nhưng các máy bay F-86 của Đài Loan vẫn không thể nào tiếp cận được các máy bay MiG-15 của Trung Quốc vốn có khả năng vận hành tốt và tầm hoạt động cao hơn. Nhờ đó mà phía Trung Quốc đã sớm chiếm được ưu thế trên bầu trời. 

Trước tình hình này, tháng 8/1958, để tăng cường lực lượng cho đồng minh, Mỹ đã quyết định trang bị cho phía Đài Loan một số máy bay chiến đấu F-86F Saber cải tiến từ các máy bay F-86. Đặc biệt, máy bay mới có thể mang các tên lửa AIM-9 Sidewinder, tên lửa không đối không được trang bị cảm biến hồng ngoại. Tại thời điểm đó, AIM-9 Sidewinder vẫn đang là một loại vũ khí hoàn toàn mới trong vòng siêu bí mật của Mỹ. 

Cuối tháng 8/1958, 40 chiếc tên lửa AIM-9 Sidewinder và 40 giá treo tên lửa đã được người Mỹ đưa trực tiếp từ kho vũ khí của lực lượng thủy quân lục chiến tới căn cứ không quân Hsinchu của Đài Loan. Cùng với các khí tài, phía Mỹ cũng đã điều 5 kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm từ phi đội 323 thuộc lực lượng thủy quân lục chiến tới để hỗ trợ việc lắp đặt.

Ngay sau khi đặt chân tới Đài Loan, nhóm kỹ thuật viên của Mỹ đã lắp các giá đỡ tên lửa mà họ mang theo lên 20 chiếc F-86F Saber. Bằng một số thao tác cải biến, việc lắp đặt đã bước đầu có kết quả. Ít nhất bốn chiếc máy bay F-86F Saber được trang bị tên lửa mới khi được điều động xuất kích đã phóng tên lửa thành công. 

Ngày 24/9/1958, 48 chiếc F-86F của Đài Loan được điều động quần thảo với 126 chiếc MiG-15 và MiG-17 của Trung Quốc. Với các tên lửa Sidewinder, các máy bay chiến đấu của Đài Loan dù tác chiến từ khoảng cách xa và ở vị trí thấp hơn nhiều so với các máy bay MiG của Trung Quốc nhưng đã bất ngờ giành được chiến thắng. Phía Đài Loan tuyên bố đã bắn hạ được 11 máy bay của Trung Quốc, nhưng chỉ có 9 chiếc được xác nhận, trong đó có sáu chiếc bị trúng tên lửa Sidewinder. Ngược lại, Đài Loan trận đó không mất một máy bay nào.

Tuy nhiên, một sự kiện hy hữu cũng đã xảy ra trong trận giao tranh đó, khi một tên lửa Sidewinder sau khi được khai hỏa đã rơi xuống phần chứa nhiên liệu của một chiếc MiG-17 của phía Trung Quốc nhưng không phát nổ.

Ly kỳ hơn, máy bay của Trung Quốc đã vẫn bay được về đến căn cứ với chiếc tên lửa còn mắc trên thân. Phía Trung Quốc sau đó đã cẩn thận tháo dỡ vũ khí mới và chuyển cho các chuyên gia Liên Xô nghiên cứu.

Sau khi được đưa tới Liên Xô, chiếc tên lửa Sidewinder đã được chuyển cho nhóm thiết kế vũ khí của Moscow do kỹ sư Ivan Toropov đứng đầu để họ tiến hành nghiên cứu. Theo như mô tả của một trong các kỹ sư người Nga, tên lửa của Mỹ đã khiến họ rất ngỡ ngàng vì tính mới lạ của nó. Ấn tượng bởi sự đơn giản và tính hiệu quả của thứ vũ khí do Mỹ sản xuất, năm 1960, các kỹ sư người Nga đã bắt tay vào nghiên cứu biến thể của tên lửa này. Kết quả của quá trình nghiên cứu và cải tiến của phía Liên Xô là sự ra đời của các tên lửa R-3S. 

Báo chí Đức đưa tin về vụ việc hi hữu.
Báo chí Đức đưa tin về vụ việc hi hữu.

Chỉ chưa đầy 10 năm sau đó, các tên lửa R-3S của Liên Xô đã được đưa vào biên chế của lực lượng không quân khoảng 20 nước trên thế giới. Song, đến lúc đó, các cuộc chiến ở khu vực Trung Đông và Đông Nam Á cho thấy vũ khí của Liên Xô lại đã trở nên lạc hậu. Vì vậy, người Nga đã nhanh chóng bắt tay vào việc tìm kiếm các biện pháp để cải tiến mẫu tên lửa cũ. 

Vụ trộm táo bạo

Trong khi các kỹ sư của Liên Xô vẫn đang loay hoay chưa tìm được ra mẫu tên lửa cải tiến phù hợp để có thể bắt kịp với sự phát triển của Mỹ thì một lần nữa vận may đã đến với họ. 

Lần này, nhờ một điệp viên KGB, Liên Xô đã có được một mẫu tên lửa cải tiến của tên lửa AIM-9 Sidewinder. Phi vụ đánh cắp tên lửa và chuyển về Liên Xô trót lọt của điệp viên này cũng vô cùng ly kỳ. Theo đó, vào đêm 22/10/1967, lợi dụng sương mù và sự bất cẩn của lính canh, điệp viên cơ quan tình báo KGB của Liên Xô tại Tây Đức Manfred Ramminger đã cùng lái xe người Ba Lan Josef Linowski và cựu phi công không quân người Đức Wolff-Diethard Knoppe luồn qua hàng rào dây thép gai, đột nhập vào căn cứ không quân Zell ở Neuburg an der Donau thuộc bang Bayern, Đức. 

Sau khi lọt được vào bên trong căn cứ, cả ba đã xông vào kho lưu trữ ở căn cứ, đánh cắp một tên lửa AIM-9 đời mới đang được triển khai ở căn cứ này rồi đưa lên một chiếc xe đẩy rồi đẩy dọc đường băng tới chiếc Mercedes đã được đỗ sẵn ở bên ngoài. Vì quả tên lửa dài đến 2,9m nên Ramminger đã phải đập vỡ kính sau của chiếc ô tô và dùng một tấm thảm để che phần tên lửa chìa ra phía sau xe. Để tránh bị cảnh sát để ý, viên điệp viên dùng một miếng vải đỏ để phủ lên phần thò ra bên ngoài theo đúng quy định của luật Đức đối với việc vận chuyển hàng hóa.

Sau khi đưa được chiếc tên lửa về tới nhà mà không gặp bất cứ rắc rối nào, Ramminger đã kiên nhẫn ngồi tháo tung cả tên lửa AIM-9 ra thành từng phần nhỏ. Phần ngòi nổ được ông ta trao tận tay cho đầu mối KGB của mình còn những phần còn lại của tên lửa được bỏ cả vào một chiếc thùng và mang tới bưu điện ở gần nhà nhất. Tại đây, ông ta làm thủ tục gửi thùng hàng được dán nhãn “hàng xuất khẩu thứ cấp” tới Moscow qua đường hàng không. 

Do quả tên lửa AIM-9 khá nặng nên Ramminger đã phải trả đến 79,25 USD tiền phí dịch vụ chuyển đồ, một số tiền khá cao lúc bấy giờ. Thời đó, việc bưu điện chuyển nhầm hàng xảy ra khá thường xuyên nên thùng hàng của Ramminger cũng không ngoại lệ. Nó được chuyển từ Frankfurt, Đức tới Paris, Pháp rồi tới Copenhagen, Đan Mạch và được trả về Düsseldorf, Đức rồi mới tới được Moscow, Liên Xô. Quá trình này kéo dài hơn 10 ngày so với dự kiến. 

Từ mẫu tên lửa nhận được, các kỹ sư Liên Xô lại tiếp tục mày mò để rồi vài năm sau đó họ đã cho ra đời mẫu tên lửa không đối không mới R-13M với hiệu suất đã được cải thiện đáng kể, trong đó có khả năng tấn công mục tiêu từ phía trước thay vì chỉ giới hạn tấn công từ phía sau như các mẫu tên lửa trước đó. Mẫu tên lửa này được cho là đã tạo nền tảng để Liên Xô về sau phát triển được các mẫu tên lửa đối không tầm gần có những tính năng được cho là vượt trội hơn cả những vũ khí cùng thời của Mỹ và phương Tây.

Về phía điệp viên đã thực hiện vụ trộm táo bạo Ramminger, cuối năm 1968, ông này và những người đã hỗ trợ thực hiện vụ trộm đã bị bắt. Đến ngày 9/10/1970, Ramminger và Josef Linowski bị tòa án Tây Đức kết án 4 năm tù giam còn Wolf Diethard Knoppe nhận án 3 năm 3 tháng tù vì tội đánh cắp quả tên lửa, đều thấp hơn mức án mà các công tố viên đề nghị. 

Trên thực tế, vụ trộm tên lửa nói trên không phải vụ trộm đầu tiên mà nhóm này thực hiện. Trước đó, vào năm 1967, cả 3 cũng đã tiến hành trót lọt vụ trộm một thiết bị điều hướng từ căn cứ không quân Zell ở miền nam nước Đức. Ramminger khi đó cũng đã cẩn thận gói “chiến lợi phẩm” vào vali và xách về Moscow bàn giao cho cấp trên.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.