Tuy nhiên, đã có hai quan niệm và cách giải thích nguồn gốc của vị Thánh này:
Các học giả thời phong kiến (các sử gia, các nhà trước tác) cho Tản Viên là “hạo khí anh linh của trời đất sinh ra” (Kiều Phú, trong Lĩnh Nam chích quái), hoặc cho “Tản Viên là một trong 50 người con theo cha xuống biển của Lạc Long Quân, Âu Cơ” (Đúng ra thì phải là chắt khoảng đời thứ 19). chàng “từ biển đi vào, qua cửa Thần phù, ngược sông Hồng đến Long Đỗ (Hà Nội), Trấn Trạch, rồi ngược sông Lô, đến Phúc Lộc giang”.
Từ đấy, “nhìn thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp, lại thêm phía dưới dân chúng thuần phác, thái bình”, nên chàng “đã làm một con đường thẳng như kẻ chỉ, từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía nam núi Tản Viên, tới động An Uyên, thì lập diện để nghỉ ngơi” (Trấn Thế Pháp, cũng trong “Lĩnh Nam chích quái”, nhưng là một di bản). Các tác giả “ Lịch triều hiến chương” (Phan Huy Chú) và “Việt sử thông giám cương mục”... cũng đều có những quan niệm tương tự.
Trong khi đó theo quan niệm của mọi người, được thể hiện qua các bản thần thích thần phả ở các làng trong vùng Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phú) thì Thánh Tản Viên lại là người có thực, xuất thân từ tần lớp nghèo khổ trong dân chúng.
Có ý kiến cho rằng quan niệm này phù hợp với những quan niệm chung đã có về các Thánh bất tử trong tâm thức dân gian, bởi vì chính quan niệm ấy đã tạo nên một hình tượng “Thánh Tản Viên” có tính nhất quán và hoàn chỉnh mà nếu so sánh thì cách quan niệm của các học giả thời phong kiến chỉ là rất phiến diện.
Tương truyền dưới đời Hùng Vương thứ mười tám, ở động Lăng Xương bên bờ sông Đà có vợ chồng ông Nguyễn Cao Hạnh, bà Đinh Thị Điên làm nghề đốt than. Đã đứng tuổi rồi mà ông bà vẫn chưa có con, nên đêm ngày mong ước, cầu nguyện có một đứa con trai nối dõi ...
Một hôm bà vào rừng kiếm củi, đến trưa thấy nóng bức bèn tìm đến một hồ nước nhỏ ở cạnh để tắm. Nào ngờ đang tắm, bà bỗng thấy một con rồng từ trên cao cũng xà xuống đấy. Thế là bà mang thai, nhưng đến 14 tháng sau, mới sinh ra một đứa con trai trên tảng đá Thạch Bàn (nay thuộc xã La Phù, Vĩnh Phú). Ông bà sung sướng, đặt tên là Tuấn.
Lớn lên, lòng thương người của chàng đã làm cho mọi người thật sự cảm phục, kính nể. Còn lòng hiếu nghĩa của chàng thì được mọi người hết sức ca ngợi, noi gương. Tiếng lành đồn xa: những đức tính của chàng được nhiều nơi đến, và đã cảm ứng tới cả đất trời.
Ngọc Hoàng Thượng Đế phái thần Thái Bạch Kim Tinh xuống núi Tản để dạy cho chàng chủ trại võ nghệ và các phép thuật thần tiên.Thần Thái Bạch y lệnh, ngay ngày hôm đó xuống trần và ở lại trong thời hạn một năm. Nhờ có thầy dạy võ, Nguyễn Tuấn đã trở thành một người chẳng những võ nghệ cao cường, mà các thuật pháp cũng thực cao siêu chưa từng thấy.
Trước khi bay về trời, thần Thái Bạch còn ban cho chàng một chiếc gậy thần có đầu sinh và đầu tử. Một khi đầu sinh chỉ vào người hay vật đang ốm thì lập tức khỏi bệnh, chỉ vào người hay vật đã chết cũng lập tức sống lại. Còn đầu tử thì ngược với đầu sinh, chẳng những người hay vật đang sống phải chết, mà ngay cả núi non cũng phải lở, thành quách cũng phải đổ.
Khi đã có thuật pháp và gậy thần trong tay, Nguyễn Tuấn giao nhà cửa, ruộng nương lại cho mọi người, còn mình thì chu du thiên hạ, cứu nhân độ thế. Bàn chân chàng đặt lên khắp mọi miền quê hương đất nước, chẳng thiếu một nơi nào.
Theo địa giới ngày nay, từ Nghệ An, Thanh Hóa trở ra, đến Hà Nội, Vĩnh Phúc... chỗ nào chàng cũng có mặt . Chàng cứu chữa được rất nhiều người, lại bảo ban khuyên nhủ được nhiều kẻ xấu, kẻ ác quay về con đường lương thiện.
Khu đền thờ Tản Viên Sơn Thánh |
Một ngày kia, trên đường về nhà, chàng đi ngang qua làng Ma Xá, ven sông Tích (huyện Ba Vì), gặp một đám trẻ chăn trâu đánh chết con rắn nước lớn rồi bỏ đi. Chàng lại gần chợt nghĩ rắn nước chỉ quen mò tép thì làm gì nên tội, nên thương tình, cầm đầu gậy sinh chỉ vào cho rắn sống lại.
Chẳng ngờ rắn lại là rắn thần, là con cả của Long Vương đội lốt đi chơi xa, nên trong đêm ấy chàng được một vị sứ giả của Long Vương mặc quần trắng áo trắng, lại đội mũ đi giày cũng trắng, đến trao cho một quyển sách ước, để tạ ơn. Chàng vô cùng vui sướng. Nhân dịp trở về nhà sau mấy năm xa cách, chàng đi thắp hương ba cha mẹ, rồi đến thăm hỏi chữa trị cho mọi người trong trang trại, xong, chàng liền mở sách ước, xin một bữa tiệc thật thịnh soạn để tiếp đãi mọi người.
Trong bữa tiệc, ai nấy dều vui vẻ, lại được thưởng thức những thứ của ngon vật lạ xưa kia chưa từng có bao giờ, nên chuyện trò cứ vui như mở hội. Cuối buổi tiệc, chàng dứng dậy, nói với mọi người rằng từ nay chàng sẽ đổi tên là Nguyễn Tùng.
“Tùng” là cây tùng, chàng giải thích, là bao giờ cũng ngay thẳng quyết chẳng có sự thiên vị nào. Tùng cũng còn có nghĩa là “tòng”, là từ nay làm điều gì cũng đều nhất nhất tuân theo lẽ phải và sự công bằng, bởi vì không lẽ, khi đã có gậy thần và sách ước trong tay, lại có thể tùy tiện muốn làm gì cũng được hay sao?
Sau bữa tiệc, chàng hỏi han mọi người cách thức làm ăn sinh sống bấy lâu này, rồi mọi người bàn định công việc và giảng giải những cách làm ăn mới mà do đi ra ngoài, chàng đã học được. Từ đấy, chàng ở lại trang trại, cùng làm ăn sinh sống với mọi người.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng chàng cũng đi thăm thú và cứu chữa cho dân chúng ở các vùng lân cận. Mọi người do được chứng kiến những gì xảy ra từ các năm trước và gần đây, trong bữa tiệc nên đều một mực còn gọi chàng là “Đức Thánh Tản”, là “Thánh Tản Viên”, hay còn gọi là”Sơn Tinh” nữa.
Chính vào thời gian Sơn Tinh ở núi Ngọc Tản cùng mọi người làm ăn sinh sống ấy, thì ở Kinh đô Phong Châu, tại ngã ba Hạc Trì, công chúa Mỵ Nương, con gái yêu của vua Hùng thứ 18, đang cùng nhà vua và các vị đại thần đứng trên lầu cao tuyển kén phò mã ...
Trong cuộc kén rể, Sơn Tin chiến thắng Thủy Tinh, rồi cùng Mỵ Nương lại trở về vùng núi Ngọc Tản, có công dạy dân biết thêm nhiều nghề mới để sinh sôi phát triển. Sự tích, và nhất là công đức của Sơn Tinh Mỵ Nương đến nay vẫn còn được lưu truyền và in rất đậm trong tâm thức dân gian của người Việt.
Cả một vùng truyền thuyết rộng lớn với nhiều nghi lẽ hội hè đã nhắc lại quá khứ vinh quang của hai ông bà. Ngoài danh vị “ Thánh bất tử”, hai ông bà còn được tôn xưng là “Đệ nhất danh sư” trong “Bách nghệ tổ sư” của nước Nam ta.
Cao Biền là viên quan cai trị gian ngoa xảo quyệt, biết thiên văn địa lý lại tinh thông tướng số. Khi vua Đường sai sang dẹp quân Nam chiếu rồi ở lại làm Tiết độ sứ (866 - 874), y đã từng đi khắp nơi trong nước ta, thấy chỗ nào “địa linh” là tìm cách yểm bùa để diệt “nhan kiệt”.
Pháp thuật của y là bắt một người con gái mười bảy tuổi chưa chồng, đem mổ bụng vứt ruột đi, rồi lấy cỏ bấc nhồi vào, đoạn, mặc quần áo cho tử thi, đặt ngồi trên ngai. Y đem các thứ đó đến huyệt định yểm, rồi tế bằng trâu bò và đọc thần chú. Hễ khi thấy tử thi động đậy, tức là thần linh ở đấy đã nhập vào tử thi, là y dùng kiếm chém đầu để diệt, tức là đã trừ yểm xong.
Khi đến chân núi Tản Viên, y cũng làm như thế, vì biết ở đây có vị thánh bất tử linh thiêng vào bậc nhất của nước Nam. Nhưng khi tế lễ, đọc thần chú, bắt quyết, Biền thấy tử thi cứ trơ trơ ra chẳng cử động gì.
Đấy chính lúc Thanh Tản Viên cưỡi ngựa trắng ngồi trên mây bay ngang qua, nhìn thấy. Để tỏ ý khinh bỉ trò khôi hài của Biền, Ngài bèn nhổ xuống một bãi nước bọt, rồi bỏ đi không thèm nói năng.
Cao Biền thấy vậy cả sợ, bèn dẹp ngay trò quỷ thuật lại, rồi than rằng: “Linh khí phương Nam không thể lường được. Vượng khí ở đây không bao giờ dứt. Ta phải về thôi”. Về sau, quả nhiên Cao Biền được lệnh phải triệu hồi về nước, rồi chết sau đó mấy tháng.