Bằng sự vô cảm của mình với cuộc sống chung quanh, họ đã đánh mất lòng yêu thương và sự tôn trọng của bạn đời…
Ly hôn vì chồng… thiếu lòng nhân ái
Lý do ly hôn của chị Cao Lệ Duyên (Tân Phú, TP.HCM) thoạt nghe thì thật lạ: Vì chồng thiếu tấm lòng với những người chung quanh! Nhiều người, kể cả người thân của chị đều bảo chị “điên”. Bởi lẽ chồng chị khá hiền lành, thu nhập khá, cũng quan tâm chăm nom gia đình, tính tình hơi nhạt tí nhưng nói chung là… tạm ổn. Thế mà chị Duyên lại đưa ra một lý do trời ơi đất hỡi để phá tan một gia đình đang êm ấm. Thậm chí, nhiều người ác miệng còn nói, chắc chị đi ngoại tình nên mượn cớ bỏ chồng.
Chỉ có chị Duyên là người “trong chăn” mới hiểu sự tình. Chồng chị, anh Toàn Minh, đúng là mọi mặt đều ở mức tạm ổn, cũng chẳng rượu chè cờ bạc trăng hoa. Chỉ phải cái là… vô cảm với cuộc sống. Nói thế không quá, bởi chị Duyên, là người đã quá nhiều lần cảm thấy “mất mặt” vì ứng xử của chồng mình.
Hình chỉ mang tính minh họa (Internet) |
Đi ăn bên ngoài, gặp bất cứ ai xin ăn, vé số, bán dạo, dù là trẻ em hay người già, anh đều xua đuổi một cách phũ phàng. Nhiều khi, chị nhẹ nhàng nhắc nhở anh: “Anh không thích thì thôi, thì anh không mua, chỉ cần nói nhỏ nhẹ với người ta là được rồi, người ta khổ mới phải như vậy, sao anh xua đuổi?”, thì anh trả lời: “Em không biết gì cả, với mấy hạng người đó thì phải đuổi, phải phũ cho khỏi đeo bám. Bọn đó lừa đảo chứ nghèo khổ gì!”.
Chưa hết, chẳng hiểu do anh bất mãn hay thiếu lòng tin vào con người mà lúc nào anh cũng có một thái độ đề phòng cao với tất cả những người chung quanh. Những lần xem, nghe về các cảnh đời bất hạnh, các chương trình thiện nguyện ý nghĩa, anh đều dè bỉu, bảo người ta “diễn trò”.
Có lần, đi liên hoan với công ty vợ, anh ngồi giữa đám đông mà làm chị xấu hổ chín mặt vì lên tiếng chửi “bọn làm từ thiện toàn ấy cớ để ăn chơi nhảy múa đú đởn với nhau chứ tốt đẹp gì”, trong khi đó công ty chị đang bàn luận về chuyến đi chăm nom người già ở trại dưỡng lão vào cuối tuần.
Gần nhất, lần anh và chị cùng con gái đi chơi, gặp cụ già chống gậy nhờ dẫn qua đường, chị và con định bước đến giúp cụ, anh gạt phắt: “Đừng có mà lắm chuyện, giúp người ta rồi lỡ có chuyện gì xảy ra ai chịu?”.
Anh phân tích là rủi trong lúc dẫn ông cụ bị xe tung thì sao? Hoặc cụ già quá chẳng may bệnh bộc phát thì mang họa. Trong lúc anh cản mẹ con chị, cụ già đã lụm cụm tự đi qua đường, và vì sợ hãi trước dòng xe cộ cụ tự ngã xuống, may mà không sao.
Chính những chuyện ngoài lề cuộc sống vợ chồng như vậy đã khiến chị dần nhìn chồng bằng con mắt khác. Đã rất nhiều lần chị khuyên, tác động nhưng anh không nghe, vẫn không thay đổi. Điều quan trọng là bé My nhà chị, một cô bé trong sáng, giàu nhân ái không ít lần bị cha đầu độc bằng sự dạy dỗ cho con cách sống rất thờ ơ, vô trách nhiệm với mọi người chung quanh. Chị chia tay vì anh ngày càng quá đáng, và chị không muốn con mình trở thành đứa trẻ vô cảm đến mức vô tình, thiếu cả đạo đức như cha nó.
Nỗi lo dành cho con trẻ
Đó cũng là nỗi khổ của anh Trần Minh Lâm (Bình Dương, TP.HCM) với vợ mình. Nói về cuộc sống vợ chồng thì chị không có gì quá đáng. Nhưng dường như ngoài tình yêu với chồng con, chị chẳng còn tình yêu thương với ai, nên chẳng ít lần anh chứng kiến chị sống cạn tình nghĩa với những người chung quanh.
Là phụ nữ, là người mẹ thế nhưng chị làm anh rất ngạc nhiên khi những chuyện bức xúc xã hội như hành hạ, ngược đãi trẻ em, gây thương tích cho trẻ hay bắt cóc trẻ em không hề làm chị động lòng. Có lần anh hỏi thì chị trả lời: “Có phải đánh con mình đâu mà mình phải để tâm cho mệt”.
Rồi một lần, anh chứng kiến con trai ăn bánh bao thừa một nửa, có thằng bé ăn xin đứng cạnh thèm thuồng, chị nhìn thấy nhưng vẫn bảo con vứt vào sọt rác. Nhìn thấy cậu bé kia đào bới sọt rác để nhặt cái bánh mà anh vừa thấy thất vọng về vợ, vừa thấy lo lắng vì sợ con mình bị ảnh hưởng cái tính vô cảm thiếu tình người ấy…
Còn không ít nỗi thất vọng như thế xoay quanh sự thờ ơ, vô cảm đối với cuộc sống, với những người chung quanh của những người chồng, người vợ trong gia đình. Cho dù họ là những người biết chăm nom, thậm chí yêu thương, là người “mẫu mực” trong gia đình.
Nhưng chính cách đối xử với cuộc sống thiếu tình người của họ đã khiến người bạn đời dần thấy bớt tôn trọng, thiếu tin tưởng và mất dần tình thương yêu. Một lo lắng khác rất xác đáng là với một người cha, người mẹ như thế, liệu làm sao có thể dạy đứa trẻ thành một con người có đạo đức, có tình yêu thương để sống tốt trong cộng đồng người?
Trong cuộc sống vợ chồng, cách ứng xử, đối đãi với nhau là điều rất quan trọng. Nhưng, quan trọng không kém là cách ứng xử đối với cuộc sống bên ngoài, với những người chung quanh. Điều này thể hiện tư cách, nhân cách, lòng nhân ái của mỗi người, đó là tấm gương cho người bạn đời nể phục, đó cũng là nền tảng để tạo nên một gia đình vững bền, có tri thức…
Kim Cúc