Ly hôn "chui"

Khi kết hôn, chẳng ai nghĩ đến chuyện chia tay, nhưng khi cuộc sống chung chỉ là sự chịu đựng, thì ly hôn được xem là giải pháp tốt nhất cho cả hai.

Khi kết hôn, chẳng ai nghĩ đến chuyện chia tay, nhưng khi cuộc sống chung chỉ là sự chịu đựng, thì ly hôn được xem là giải pháp tốt nhất cho cả hai. Đã có nhiều người dùng đến “quyền giải thoát” này, dù không phải ai cũng hiểu rõ pháp luật, đặc biệt là phụ nữ. Vì thế, có những chị chỉ giải thoát nửa vời, nghĩa là tự giải quyết chứ không ra tòa ly hôn nên đã sinh ra nhiều hệ lụy.

Thỏa thuận miệng...

Cưới nhau gần 10 năm nhưng không có con nên sự gắn bó tình cảm giữa vợ chồng chị Nguyễn Thanh Phương - Phan Hữu Bình (Q.Bình Tân, TP.HCM) ngày càng giảm. Anh trở nên cộc tính, nghiện rượu, cờ bạc và từ giã luôn nghề tài xế taxi; bỏ mặc chị buôn gánh bán bưng lo cho gia đình và nuôi chồng. Đã vậy, cờ bạc thua là anh đánh vợ, với lý do vợ mặt mày ủ rũ làm anh ta xui xẻo thua bạc. Nhậu say về, anh cũng kiếm chuyện chửi bới, đánh đập vợ. Sáng ra lại moi tiền vợ để đi nhậu. Có hôm anh ta còn hất đổ cả gánh trái cây của chị vì "tội" không đưa tiền chồng đi chơi. Khuyên giải chồng không được, chị Phương quyết định chia tay.

Lúc đầu, chị cũng định viết đơn ly hôn nhưng anh tuyên bố: “Không còn tình cảm thì đường ai nấy đi, ra tòa làm gì cho phiền”. Vừa ngại đến tòa án, vừa sợ tốn tiền, lại nghĩ quá trình ly hôn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc mua bán; hai bên cũng đã hết tình cảm và đồng tình chia tay nên chị xem như tự thỏa thuận là xong.

Chị ra mướn căn phòng trọ tại Q.4, tiếp tục nghề bán hàng rong dù công việc vất vả nhưng nụ cười, ý nghĩa cuộc sống đã trở lại với chị. Chị luôn cảm thấy vui vì được tự do, thoải mái, không bị quấy rầy, bạo hành. Với sự chăm chỉ, tiết kiệm, chị dần tích lũy được một số vốn kha khá, chuyển sang mướn mặt bằng mở cửa hàng bán trái cây. Vài năm sau, chị mua được căn nhà nho nhỏ và gần như đã quên hẳn người chồng vũ phu, tệ bạc. Bất ngờ, Tết vừa rồi, anh Bình bỗng xuất hiện, đòi quyền làm chồng.

Mô tả ảnh.
(Ảnh minh họa)

Tương tự, chị Phạm Hồng Yến (Q.Bình Thạnh) dốc hết tiền tiết kiệm và vay thêm gần 100 triệu đồng để “thối lại” 1/2 giá trị tài sản căn nhà theo yêu cầu của chồng để anh ta đi theo tiếng gọi của tình yêu mới, chớ không làm thủ tục ly hôn vì sợ mất thời gian ra tòa. Chị cũng nghĩ, chồng đã có người phụ nữ khác, chẳng còn dính líu đến chị nữa, chia tay là đương nhiên và chị xem sự thỏa thuận miệng cũng có giá trị tương đương như khi ra tòa.

Sau khi chia tay, chị an phận với nghề may để nuôi con ăn học. Con cái trưởng thành, có việc làm ổn định, chị chuẩn bị đi bước nữa vì gặp người hợp ý, nhưng sắp đến ngày cưới, anh Tiến - chồng chị bất ngờ trở về sau bốn năm biệt tăm. Anh ta tuyên bố vẫn còn là chồng hợp pháp của chị và hiên ngang dọn vào nhà sống chung với mẹ con chị.

Trường hợp chị Dương Kim Liên (Q.7) là khá phổ biến trong những cặp vợ chồng là dân nhập cư vào TP.HCM. Khi làm việc chung ở khu công nghiệp Tân Thuận, chị và anh Tính phát sinh tình cảm, rồi kết hôn sau bảy tháng yêu nhau. Sống chung chưa được một năm, vợ chồng hục hặc mãi vì kinh tế khó khăn, vì ghen tuông. Sau một trận gây gổ, anh xé tờ hôn thú, dọn đồ bỏ đi, chỉ để lại vỏn vẹn tin nhắn: “Duyên chúng ta chỉ đến đây, giờ đường ai nấy đi”.

Chị Liên cũng định làm thủ tục ly hôn cho rõ ràng nhưng vì công việc không buông ra được, chị tặc lưỡi bỏ qua và nghĩ: tờ hôn thú đã bị hủy thì xem như chấm dứt quan hệ. Chị vô tư sống với những dự định tương lai khác, không hề nghĩ rắc rối đang chờ mình phía trước.

... Và những hệ lụy

Cứ mỗi lần tổ chức chương trình Tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ ở các quận, huyện là đều gặp hàng chục trường hợp nhờ giúp đỡ, tư vấn vì bị chồng cũ (thực ra vẫn là “đương kim” chồng) đột ngột trở về đòi quyền làm chồng sau khi đã thỏa thuận ly hôn miệng và bỏ đi biền biệt một thời gian dài. Khi đó, các bà vợ lúng túng không biết phải hành xử thế nào? Chẳng còn tình cảm nên không thể chấp nhận anh ta quay về sống chung nhưng đuổi hay cấm cửa thì các chị không có khả năng. Hơn nữa, về lý thì các chị bế tắc.

Tham gia những buổi tư vấn pháp lý, nhiều luật sư đã không cầm lòng được trước hoàn cảnh trái ngang của các chị. Có người đang yên đang lành làm ăn thì bị chồng quấy rối cả tình lẫn tiền. Một số chị đến sát ngày “lên xe bông” lần hai lại bị ngăn cản. Chẳng phải vì ông chồng đó còn thương yêu vợ, quay lại, mà chỉ vì tự ái và... cùng đường, các ông muốn quay về tìm chốn dung thân. 

Nguyên nhân dẫn đến những cảnh trái ngang là do chính các chị thiếu hiểu biết pháp luật và cả… ngại khó. Nhiều người nghĩ đơn giản, cho rằng quan hệ hôn nhân cũng như nhiều mối quan hệ thông thường khác là: “Có thể tự thỏa thuận với nhau”. Hơn nữa, người dân ở vùng nông thôn, ngoại thành, người lao động nghèo thường có tâm lý ngại đến chốn pháp đình và vì lo làm lụng mà họ quên mất (hoặc không biết) bất cứ việc gì cũng phải hành xử theo pháp luật. Sự chủ quan, vô tư đến vô trách nhiệm với cuộc đời của mình đã buộc các chị phải trả giá.

Lần tái ngộ đầu tiên, anh Hữu Bình yêu cầu chị đưa 10 triệu để trả nợ. Chị không đồng ý, anh đe dọa: “Cô vẫn là vợ tôi, chúng ta chưa ly hôn. Nợ của tôi cũng là nợ của cô, cô phải có trách nhiệm trả. Nếu không, bọn cho vay nặng lãi không để yên cho cô làm ăn đâu”. Rồi liên tục suốt hơn 10 ngày, anh Bình đều đặn đến ngồi ngay trước cửa hàng trái cây của chị. Chị vừa đưa hàng cho khách, chưa kịp thu tiền thì anh đã “nhiệt tình” cầm lấy và đem nướng vào rượu, cờ bạc.

Chị không cho là anh ta đứng ngay trước cửa hàng chửi, chẳng mua bán gì được nên buộc lòng chị phải đưa tiền. Cứ vậy, mươi bữa, nửa tháng là đức ông chồng lại xuất hiện để moi tiền, lúc dăm ba trăm, khi vài triệu đồng. Anh ta còn dọa: “Cô biết điều đưa tiền thì tôi để yên cho làm ăn. Còn keo kiệt thì tôi thưa ra tòa, đòi chia tài sản cho biết. Của chồng, công vợ mà!”. Sau tám năm được giải thoát, giờ chị lại phải sống trong sợ hãi, lúc nào cũng nơm nớp lo chồng xuất hiện.

Chồng chị Hồng Yến thì sau khi “quay về” chỉ suốt ngày nằm nhà chờ vợ con phục dịch cơm nước, lại còn ra lệnh buộc chị phải cắt đứt tình cảm với “người mới’, nếu không anh ta sẽ dạy cho cả hai một bài học. Anh ta giám sát chặt chị, tìm đến tận nhà cha mẹ của người đang định kết hôn với chị để mắng vốn là con trai họ đang dụ dỗ vợ người khác.

Chị Liên đang vui vẻ với cuộc tình mới và cũng chuẩn bị kết hôn thì người chồng quay về đòi tiếp tục chung sống. Người yêu của chị ra tối hậu thư: “Nếu không ly hôn sớm thì chia tay”. Cả chị Yến lẫn chị Liên chạy hỏi luật sư thì mới biết, về luật pháp, các anh chị vẫn là vợ chồng. Muốn chấm dứt mối quan hệ hôn nhân đó, chỉ có cách là ra tòa ly hôn.

Nhưng điều này đã không còn dễ dàng như xưa khi một bên đang giở quẻ, làm khó, không chịu ly hôn. Tuy các chị có quyền đơn phương xin ly hôn, nhưng vì thủ tục ly hôn là các chị phải cung cấp được giấy tờ tùy thân, địa chỉ thường trú hoặc tạm trú của chồng, mà thứ đó các ông chồng lại giấu biệt nên các chị phải mất rất nhiều thời gian, công sức  để theo đuổi vụ kiện.

Để tránh rơi vào tình huống trớ trêu trên, các luật sư khuyên: “Khi vợ chồng đã quyết định không sống cùng nhau, cũng không có ý định hàn gắn thì phải ra tòa ly hôn để được giải quyết theo pháp luật. Khi đó, hôn nhân mới được xem là chấm dứt.

Ly hôn “miệng” là sai, nhưng có thể sửa sai bằng cách nhờ tòa án giải quyết và thà muộn còn hơn không. Ngay cả trong trường hợp người bạn đời bỏ nhà đi (từ hai năm trở lên), không có liên lạc, chồng/vợ muốn được giải quyết ly hôn thì vẫn được tòa án xem xét. Khi đó, vợ/chồng có thể làm đơn yêu cầu tòa tuyên bố người bạn đời mất tích và đơn phương xin ly hôn. Sự tự thỏa thuận chia tay giữa vợ chồng là không hợp pháp và rất dễ phát sinh những rắc rối, hệ lụy về tình cảm, tài sản… về sau”.

Theo PNO

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.