Nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Nauy... có giá bán lẻ xăng cao hơn so với Việt Nam mặc dù có trữ lượng dầu lớn và khai thác dầu thương mại lớn hơn Việt Nam. Còn so với các nước có chung đường biên giới, ASEAN và châu Á, giá xăng bán lẻ Việt Nam cũng đang thấp hơn.
So với Lào và Campuchia, giá bán lẻ xăng RON 95 trong nước ngày 10/9 là 21.470 đồng một lít, thấp hơn lần lượt 5.318 đồng và 1.773 đồng một lít. Giá xăng trong nước cũng thấp hơn Trung Quốc 1.499 đồng một lít, Thái Lan 1.145 đồng một lít hay Singapore 18.219 đồng...
Không riêng xăng, giá dầu diesel trong nước cũng thấp hơn nhiều so với các nước. So sánh mức giá dầu diesel ngày 10/9 là 18.160 đồng một lít, thấp hơn Lào 6.092 đồng một lít, Campuchia 4.414 đồng, Trung Quốc là 3.927 đồng, Singapore là 12.401 đồng một lít...
Lý giải nguyên nhân khiến giá bán lẻ xăng, dầu tại Việt Nam thấp hơn các nước, trong đó có Lào, Campuchia, Trung Quốc..., báo cáo Chính phủ cho biết, do các loại thuế kết cấu trong giá xăng tại các nước cao hơn Việt Nam.
Hiện tỷ lệ thuế trên giá bán xăng, gồm các loại thuế gián thu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng... được kết cấu trong giá bán xăng khoảng 35,6%. Mức này đang thấp hơn nhiều so với các nước. Tỷ lệ thuế trên giá xăng tại Lào khoảng 56,5%; Campuchia 49%, Trung Quốc 52%. Vì thế, việc xăng sẽ chịu thuế môi trường thêm 1.000 đồng một lít từ đầu năm 2019 sẽ khiến tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam tăng thêm 3,4%, lên mức 39%. “Tỷ lệ này thấp hơn của các nước”, Chính phủ cho biết.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng dầu của các nước sẽ phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia, không nên đem ra để so sánh với những nước khác mà phải lấy giá thế giới làm cơ sở để đánh giá. Ông Long cũng đặt câu hỏi tại sao không đặt trong sự so sánh với những nước có mức giá thấp hơn? Theo ông Long, việc xây dựng phương án đánh thuế môi trường theo số tuyệt đối (với xăng là 4.000 đồng), chứ không phải theo tỷ lệ tương đối là một phương án không hợp lý với người tiêu dùng. “Giá xăng dù lên hay xuống, số thuế mà cơ quan quản lý vẫn thu được trên mỗi lít xăng vẫn không thay đổi”, ông nói.
Chuyên gia Lê Đăng Doanh cũng đặt câu hỏi, các khoản thu từ việc tăng thuế môi trường có thực sự chi cho môi trường hay chỉ là thu chỗ này nhưng chi chỗ khác? Cũng theo ông Doanh, việc tăng thuế chắc chắn sẽ tác động đến chi phí vận tải tất cả các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ông cho rằng, lẽ ra phải cơ cấu ngân sách bằng việc cắt giảm chi thường xuyên - khoản chi chiếm tới 70% tổng chi ngân sách. Trong các khoản chi đó, chuyên gia này cho rằng nhiều khoản chi lãng phí và kém hiệu quả như là đi nước ngoài mỗi tỉnh tính ra cả trăm tỷ đồng, các khoản lễ tân, tiếp khách.
Theo Nghị quyết về biểu thuế môi trường xăng dầu vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, từ 1/1/2019 thuế môi trường với xăng (trừ ethanol) tăng từ 3.000 đồng một lít lên mức trần 4.000 đồng; dầu diesel tăng thêm 500 đồng mỗi lít, lên 2.000 đồng. Các mặt hàng dầu khác như dầu madut, dầu nhờn... tăng 900 đồng lên trần 2.000 đồng mỗi lít. Riêng dầu hỏa tăng 300 lên 1.000 đồng một lít.
So với các mặt hàng khác thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu vẫn chiếm đa số trong tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường, khoảng 95%. Tính toán của Chính phủ cho thấy, với dự kiến chỉ tiêu CPI năm 2019 khoảng 4-5% thì việc tăng thuế môi trường sẽ tác động không lớn tới chỉ số giá tiêu dùng cả năm sau, chỉ ở mức 0,07 – 0,09%.