Lớn lên cùng cây thuốc ở núi rừng, sau đó là một y tá trong khánh chiến, ông La Chí Thái (SN 1941, dân tộc Bana, ngụ thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) khi trở về địa phương đã trở thành người thầy thuốc nổi tiếng với việc mày mò tìm phương thuốc chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo cho cộng đồng. Không những vậy, ông còn tuyên truyền về tinh thần đoàn kết theo lời Bác dạy, giúp đỡ người dân nâng cao đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Tấm lòng nhân ái của một thầy thuốc
Khi mới lên 7 tuổi, ông La Chí Thái đã theo cha vào rừng, lên núi hái thuốc, được học cách nhận biết các cây thuốc cũng như cách sử dụng, bào chế thuốc chữa bệnh. Cha ông dặn rằng, cây quả, lá rừng khi trở thành những thang thuốc chữa trị, cứu người là lộc của núi rừng. Người biết hái lộc là người được các thần linh độ trì, ủy thác chữa bệnh duy trì sự sống con người, là việc phúc đức nối truyền của gia tộc, chớ có làm điều gì ác, làm điều ác sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt của Yàng Bor Glaih (sấm sét).
Năm 19 tuổi, ông Thái đi bộ đội, tham gia kháng chiến và chứng kiến đồng đội mắc các bệnh sốt rét, viêm nhiễm… Trong cảnh thiếu thốn, người chiến sĩ trẻ sử dụng những bài thuốc từ cây rừng mà cha truyền lại để cứu chữa các chiến sĩ.
Năm 1965, chiến tranh ác liệt, bộ đội ta gặp nhiều thương tích, điều kiện y tế thiếu thốn, chiến sĩ Thái được điều chuyển về làm y tá tại nhà thương Trúc Bạch. Lúc bấy giờ thuốc Tây quá hiếm, y tá Thái đã vận dụng những bài thuốc gia truyền kết hợp với thuốc Tây chữa khỏi bệnh cho rất nhiều chiến sĩ.
Sau nhiều năm phục vụ trong quân đội, năm 1983, ông Thái xin phép về lại buôn làng. Ngày ông về, đường sá cách trở, cuộc sống đói kém, dịch bệnh hoành hành khiến nhiều người chết vì bệnh tật. Ông lại phải tất bật lên rừng tìm thuốc về chữa trị cho mọi người, dân làng vì thế mà qua được nạn dịch.
Cũng từ ngày đó, đồng bào Bana, Chăm nơi đây bị đau bệnh không còn cúng bái mà tìm đến lương y Thái để được cấp thuốc điều trị. Tài năng và lòng thương người khiến tên tuổi ông vang xa khắp nơi. Nhiều người ngưỡng mộ gọi ông là “thần y” nhưng người thầy thuốc không lấy đó làm đắc ý mà càng quyết tâm nâng cao tay nghề. Từ những cây thuốc trên rừng, ông mày mò với hy vọng tìm phương thuốc khắc chế những căn bệnh hiểm nghèo.
“Nhiều bệnh nhân uống thuốc Tây không khỏi mà uống thuốc của tôi thì lại khỏi nên họ gọi tôi là “thần y”. Tuy nhiên, tôi chỉ cứu người theo hết khả năng thôi chứ là thần thánh gì. Cả đời làm thuốc, đến tuổi này tôi vẫn ngày ngày mày mò tìm phương thuốc chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo”, lương y Thái tâm sự.
Ngồi trò chuyện, lương y Thái chia sẻ, cây thuốc sau khi lấy về phải dạt nhỏ, phơi khô và chế biến theo công thức gia truyền. Mỗi loại cây chỉ chữa được một hoặc vài loại bệnh nhưng kết hợp chúng lại thì có thể chữa được nhiều bệnh. Những bệnh thông thường thì chỉ cần dùng vài loại thuốc, còn những bệnh nặng như: tiểu đường, suy thận, viêm gan… thì phải dùng đến hơn 10 loại thảo dược kết hợp.
Ông Thái lật giở cuốn sổ ghi tên hàng nghìn bệnh nhân được mình chữa trị. |
Chỉ vào cuốn sổ ghi tên hàng nghìn người bệnh từ khắp nơi, lương y Thái cho biết, số bệnh nhân mắc chứng viêm gan và suy thận là nhiều nhất. Đa số họ đến đây vì đi xét nghiệm máu biết mình bị bệnh viêm gan, suy thận, uống thuốc Tây dài ngày mà bệnh vẫn không giảm. Khi bệnh nhân đến, ông chỉ nhìn sắc diện, bấm mạch là đã chẩn đoán được bệnh. Với những bệnh này, chỉ cần bệnh nhân đến sớm, ông đều có cách chữa trị khỏi bệnh.
Đa số người bệnh tìm đến lương y Thái đều có hoàn cảnh khó khăn, nhà nào có điều kiện thì kinh tế cũng khánh kiệt sau thời gian điều trị. Thấu hiểu điều đó nên ông không đòi hỏi tiền bạc vật chất. Để có thể duy trì nghề, với mỗi thang thuốc, ông chỉ lấy đủ tiền trả công cho người đi hái thuốc. Với người khó khăn, ông sẵn sàng miễn phí. Nhiều người được ông chữa khỏi bệnh, sau đó đem đến biếu ông bằng con gà, ché rượu hoặc đơn giản là những sản vật núi rừng.
“Cây cổ thụ” của buôn làng
Về xã Xuân Lãnh, chúng tôi được nghe nhắc đến nhiều “kỷ lục” đời thường của gia đình ông La Chí Thái và ông như một “cánh chim đầu đàn” trong cuộc sống các dân tộc vùng cao nơi đây. Đầu tiên là xây dựng nhà ở ngăn nắp, sạch sẽ, ông nói: “Ngành y đã tập tôi thói quen nếp sống sạch sẽ, sức khỏe đong đầy”.
Ông là người đầu tiên ở làng đã chủ động phá bỏ tập quán lâu đời là chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn. Ông chủ trương vận động dân làng và khuyên bảo con cháu nuôi bò, heo phải có chuồng trại riêng, xa nhà ở... để tránh dịch bệnh. Nhà ông dùng nước giếng, khi cả làng chỉ biết có nước suối. Ông cũng là người đầu tiên xây nhà tắm, nhà vệ sinh và thực hiện ăn chín, uống sôi.
Lương y Thái cũng là người đầu tiên thực hiện chủ trương kế hoạch hóa dân số gia đình cách đây hơn 50 năm. Đồng bào miền núi thời ông, chuyện sinh nở cứ tự nhiên như “đẻ cho hết trứng”. Đẻ nhiều, đẻ dày và nhất là mong có nhiều con trai để làm nương, phát rẫy, còn một lý do nữa là để bù vào “trứng lép” của những lần đẻ non, chết nhỏ. Tuy nhiên, vợ chồng ông chỉ sinh 3 người con. Nhờ thế, các con ông đều ăn học đến nơi đến chốn.
Ông cũng thử nghiệm, hướng dẫn bà con cách làm lúa nước, trồng rau màu, phát triển cây mía để thoát nghèo. Đồng thời, vận động con em trong làng không bỏ học, không tảo hôn, không kết hôn cận huyết...
“Thôn Xí Thoại là địa bàn sinh sống của bà con dân tộc Chăm, Bana, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Khi được bà con tin tưởng bầu làm già làng, tôi luôn cố gắng gương mẫu, tìm mọi cách để nâng cao đời sống, nhận thức cho bà con. Tôi cũng vận động hàng chục gia đình trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế gia đình”, ông Thái chia sẻ.
Song song với việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, việc bảo tồn các giá trị truyền thống của người đồng bào nơi đây cũng được già làng La Chí Thái quan tâm, gìn giữ. Nhờ vậy, thôn Xí Thoại vẫn duy trì được các hoạt động văn hóa truyền thống của bà con nơi đây như: nghệ thuật trống đôi, cồng ba, chiêng năm, nghề dệt thổ cẩm truyền thống, lễ cúng mừng sức khỏe…
Với vai trò già làng, ông Thái đặc biệt tuyên truyền về tinh thần đoàn kết theo lời Bác dạy. “Ngày trước, nghe theo lời Bác dạy về tinh thần đại đoàn kết mà Xí Thoại đứng vững và chiến thắng kẻ thù. Ngày nay, bà con càng đoàn kết xây dựng Xí Thoại văn minh, giàu đẹp. Xí Thoại tin Đảng, Bác Hồ, làm theo lời Bác dạy, dứt khoát không nghe theo kẻ xấu”, ông Thái nói.
Xí Thoại được công nhận là thôn văn hóa miền núi đầu tiên của tỉnh Phú Yên, trong đó có sự đóng góp lặng thầm của gia đình lương y Thái. Gia đình ông nhiều năm liền được huyện, tỉnh bình chọn là gia đình tiêu biểu xuất sắc, được chọn đi dự hội nghị toàn quốc nhân Ngày Gia đình Việt Nam, tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc.
“Ông La Chí Thái vừa là già làng, người có uy tín, vừa là thầy thuốc giỏi có tiếng trong vùng. Ông luôn chủ động tìm hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như tiếp cận, cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống nhằm giúp đỡ người dân trong thôn nâng cao đời sống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh Nguyễn Hữu Duy cho biết.