Chủ tàu, cảng biển đều thiệt
Giữa tháng 10/2019, theo thông báo hàng hải mới nhất, độ sâu của tuyến luồng hàng hải cảng Quy Nhơn ở mức -9,8m, thấp hơn 1,2m so với chuẩn tắc của luồng (-11m). Tình trạng này khiến các tàu trọng tải 50.000 DWT bình thường chở được 40.000 tấn hàng và lưu thông thuận lợi vào cảng làm hàng thì nay chỉ xếp được khoảng 35.000 tấn.
Như vậy, mỗi chuyến tàu phải cắt khoảng 5.000 tấn hàng. Ước tính, 9 tháng đầu năm 2019, cảng Quy Nhơn “mất” 500.000 tấn hàng rời do các tàu phải giảm tải. Với chi chi phí làm hàng khoảng 20.000 đồng/tấn, cảng đã mất khoản doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.
Tại Cảng quốc tế Cái Mép, độ sâu luồng vào cảng đạt khoảng -13,8m, có dải cạn độ sâu luồng còn thấp hơn so với chuẩn tắc luồng là -14m. Tại khu vực phía Bắc, luồng vào các cảng Nam Hải, Nam Đình Vũ chỉ dao động từ 6,5 - 6,8m thấp hơn so với chuẩn tắc thiết kế từ 0,2 - 0,5m. Như vậy, luồng cạn 20 - 40cm, các tàu sẽ phải cắt đi khoảng 100 - 200 TEU/chuyến, bình quân mỗi TEU mất khoảng 50 - 60 USD, tương đương mỗi chuyến tàu, hãng tàu sẽ chịu tổn thất từ 500 - 1.000USD.
Từ thực tế trên, việc nạo vét, duy tu các luồng hàng hải là việc làm cấp thiết. Theo một văn bản phê duyệt Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, năm 2019, khu vực miền Bắc có 9 luồng hàng hải được bảo trì, khu vực miền Nam có 5 luồng được duy tu, nạo vét cùng một số luồng được chuyển tiếp từ năm 2018. Tổng kinh phí được duyệt là hơn 1.460 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Cục Hàng hải Việt Nam, các dự án nạo vét lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc tìm vị trí đổ vật liệu nạo vét trên bờ gặp nhiều khó khăn, do các địa phương lo ngại ô nhiễm. Riêng tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, do khó khăn trong tìm vị trí đổ thải nên công tác nạo vét rất có thể bị kéo dài sang đến đầu năm 2020, dù Cục Hàng hải rất nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Được biết, năm 2019, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được giao bảo trì 9 tuyến luồng, nhưng 3 tuyến là Cửa Lò, Vũng Áng, Đà Nẵng bị loại khỏi danh mục duy tu trong năm nay do chưa tìm được vị trí đổ vật liệu nạo vét. Không chỉ khó khăn trong việc tìm chỗ đổ thải trên bờ, phương án nhận chìm chất nạo vét ra biển cũng gặp nhiều vướng mắc do thủ tục phức tạp.
Cục Hàng hải làm gì để gỡ khó?
Trước tình hình trên, mới đây, Cục trưởng Cục Hàng hải Nguyễn Xuân Sang đã chủ trì cuộc họp rà soát, kiểm điểm tiến độ triển khai nạo vét duy tu luồng hàng hải năm 2019. “Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải”, ông Sang chỉ đạo.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Công trình hàng hải thuộc Cục này, năm 2019, các luồng hàng hải khu vực phía Bắc bao gồm 6 tuyến cần nạo vét là: Hải Phòng, Hải Thịnh, Thuận An, Cửa Việt, Nghi Sơn và Phà Rừng. Trong đó, 2 tuyến luồng Hải Thịnh và Thuận An đã hoàn thành thi công nạo vét đến chuẩn tắc thiết kế và đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng; 4 tuyến luồng còn lại đã được khởi công xây dựng.
Đối với các luồng hàng hải phía Nam, 2 tuyến luồng Vũng Tàu - Thị Vải (bao gồm luồng hàng hải Sông Dinh) và luồng Rạch Giá hiện đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu. Tại luồng hàng hải Quy Nhơn, công tác lựa chọn nhà thầu dự kiến hoàn thành giữa tháng sau. Đến thời điểm này, luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu đang được hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.
Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Sang yêu cầu bộ phận Kế hoạch - Đầu tư rà soát lần cuối toàn bộ dự thảo điều chỉnh kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải năm 2019 trước khi trình Bộ GTVT. Đối với hai Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam, ông Sang đề nghị quán triệt, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án; trong trường hợp có vướng mắc, cần sớm khắc phục.
"Các bộ phận chuyên môn và hai Tổng công ty đảm bảo an toàn hàng hải cần quyết liệt chỉ đạo, tập trung nhân lực, kể cả làm thêm giờ cũng phải đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra", ông Sang yêu cầu.
Sẽ khoán gọn với nạo vét duy tu luồng
Từ năm 2020 trở đi, công tác nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải sẽ được thực hiện theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc (khoán gọn). Với hình thức này, luồng hàng hải sẽ được nạo vét ngay sau khi xuất hiện bồi lắng, duy trì độ sâu đúng chuẩn tắc thay vì chờ nạo vét 1 năm/lần như thời điểm hiện tại.