Bình sinh ta vốn thiện hay ác?
Hơn 2500 trước, Khổng Tử đã nói rành mạch: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”- Con người sinh ra đã có bản tính thiện. Hai trăm năm sau, Tuân Tử lại “phản biện” lại bằng một câu đanh thép: “Nhân chi sơ tính bổn ác”. Ông khẳng đinh bản chất con người sinh ra vốn ác, vì ác nên mới cần dạy dỗ, giáo hóa để hành thiện. Hai khái niệm của Khổng Tử và Tuân Tử có vẻ đối nghịch, mỗi bên đều có cái lý riêng. Để ta thấy thiện - ác trong cuộc sống luôn là hai nội tâm đối lập nhau, chúng luôn đấu tranh lẫn nhau và người phán xử chính là bản thân chúng ta.
Trong Phật giáo quan niệm riêng đối với loài người, chủ yếu thiện là những điều có lợi cho người hay cho đa số người, ác là những điều có hại cho người hay cho đa số người. Người theo đạo Phật, cần phải phân biệt thiện - ác cho đúng đắn, việc gì có hại cho người hay đa số người thì quyết không làm, việc gì có lợi cho người hay đa số người thì quyết làm. Tất thảy những điều thiện - ác trong các quan điểm tôn giáo, đời sống gắn với chu trình sống mỗi người trong xã hội.
Và thời gian gần đây, những “nỗi đau” xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, tính chất man rợ và bạo lực ngày một tăng. Những vụ chém giết kinh hoàng, tự sát hay những hành vi phi đạo đức như phá thai, bạo lực ngày càng gia tăng. Buộc chúng ta không khỏi băn khoăn về gốc rễ giữa mối quan hệ : Thiện – ác – con người thời nay! Chúng ta đang như thế nào, bản chất thiện hay ác, làm sao để loại trừ “ác tính”? Những câu hỏi luôn đặt ra ở bất kỳ thời điểm sống nào với mỗi người đều đáng để chúng ta cùng lý giải, suy ngẫm về “ thiện – ác và chúng ta”.
Ác tính lớn nhất chúng ta có thể tìm thấy là ở mạng xã hội. Tìm trên thanh tìm kiếm của google với 02 từ khóa: “giết” và “chém” cho ra lần lượt các con số: 41 triệu và 28 triệu kết quả chỉ trong 0.34 giây. Đặc biệt, trên mạng xã hội Facebook, nhiều nhóm chia sẻ những câu chuyện, sự việc chém giết, thanh toán, tự tử… vô cùng ghê rợn. Phải chăng, người Việt chúng ta ưa bạo lực, ưa cái ác nhiều đến thế?
Trên các phương tiện truyền thông: báo, đài, tivi cũng đưa tin hàng ngày những vụ giết người có tính chất dã man: Điện Biên chưa hết nóng, Bình Dương tiếp tục xôn xao thì Lâm Đồng tiếp tục “hù dọa” xã hội với những màn “giết người” man rợn đến lạnh người. Nhưng “cái ác” không chỉ dừng lại ở bạo lực, chém giết, đánh đấm mà còn ở sự vô tình, sự lạnh lùng, vô trách nhiệm.
Và có một “cái ác” hiện tại cũng vô cùng khủng khiếp trong xã hội hiện đại, đó là nạn nạo phá thai và bỏ rơi trẻ em. Tôi tìm đến nghĩa trang Đồi Cốc (Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) - một nơi chôn cất thai nhi và trẻ em lớn của thành phố với hơn 100.000 thai nhi xấu số
Nghĩa trang Đồi Cốc được xây dựng từ 10 năm trước, bắt đầu là nơi chôn cất nhỏ thì hiện tại nơi đây là “địa chỉ” để những người phụ nữ “bỏ con” cần chôn cất thai nhi tìm về. Nơi đây xây dựng những hố chôn tập thể, mỗi khu có thể chứa 10-20 cháu nhỏ. Có những ngôi mộ còn được cha mẹ chúng kịp đặt tên: Đỗ Thị Đỏ, Phạm Văn An, Nguyễn Thanh Thúy..., nhưng cũng có nhiều ngôi mộ các em không kịp có tên. Đa số là những đứa trẻ không tên, không tuổi, không quê quán…
Nạo phá thai là một tội ác! |
Và có một nơi dành cho những linh hồn bé bỏng
Nghĩa trang thai nhi thôn Đồi Cốc chỉ là một trong nhiều nơi chôn cất thai nhi xấu số tại khu vực phía Bắc. Ngoài ra, còn một số nơi như chùa Mục Đồng (Hưng Yên), Hà Nam, Bắc Ninh. Những nơi này, mỗi ngày đón nhận hàng chục sinh linh xấu số, phải tạm biệt cuộc sống. Dù các em còn chưa có hình thành, chưa biết khóc, biết cười, chưa một lần thấy ánh sáng.
Bà Nguyễn Thị Quý (thuộc nhóm quản lý nghĩa trang thai nhi) chia sẻ: “Mỗi ngày chúng tôi lại đón nhận hàng chục thai nhi về đây. Có ngày số lượng lên đến gần 100 thai nhi với đủ kích cỡ, hình dáng...”. Dù chỉ ở khu vực của Hà Nội, nhưng những con số đó thật sự khiến chúng ta “giật mình”. Bà Trần Thị Lập (nhóm quản lý nghĩa trang Đồi Cốc) đã gắn bó với công việc “đặc biệt” này được 10 năm. Bà cẩn thận lấy thai nhi từ thùng lạnh ra rồi tắm rửa sạch sẽ, mặc cho các cháu bộ quấn áo tươm tất, thai nhi khoảng 2kg và đã đủ hình hài. “Chúng tôi có một nhóm chuyên chôn cất thai nhi, cứ mỗi tuần lại tập hợp lại và chôn các cháu một lần”.
“10 năm, từ lạ lẫm, sợ hãi, giờ thành quen rồi...”, câu nói quá đỗi ám ảnh của bà Lập khi chia sẻ về công việc mình đang làm. Suốt bao nhiêu năm không 1 đồng lương, bà và các thành viên trong nhóm “Bảo vệ sự sống” của thôn Đồi Cốc đi xin từng xác thai nhi về an táng. Gọi là đi xin vì nhóm phải “đầu mối” tới các phòng khám hay các cơ sở chuyên nạo phá thai, họ tự chuẩn bị cái túi, bì đựng, sau mỗi ca kết thúc để sẵn ở cổng để nhóm đến xin về.
“10 năm từ lạ lẫm, sợ hãi, giờ thành quen rồi...” |
Mỗi lần bà Lập, bà Quý đến dọn dẹp nghĩa trang, họ lại ngồi đọc từng trang nhật ký của những người mẹ “bỏ con” tại đây. Cảm giác vừa chua xót, vừa đau đớn, vừa thương, vừa tội đã níu những người thôn Đồi Cốc tiếp tục làm công việc này. Họ làm vì chữ hai chữ “thiên lương” như bà Quý nói là cái “lòng thương vốn có con người sinh ra đã vậy”.
10 năm qua, bà Quý hay bà Lập không còn nhớ đã tiếp bao nhiêu người đến đây. Họ cũng không đếm hết được bao nhiêu đứa trẻ đã nằm tại nơi này. Chỉ biết là rất nhiều. Số lượng các hài nhi tăng lên, nghĩa trang ngày càng thiếu đất để chôn cất, còn quyển số “tạ lỗi” ngày càng dày lên mỗi ngày. Nhiều lúc, họ tự hỏi sao con người “nhẫn tâm” thế, những đứa trẻ tội nghiệp, chưa kịp chào đời thì đã phải nằm lại nơi đất lạnh. Ám ảnh nhất là những lần đi “xin” xác thai nhi về chôn cất, có những cháu bị bỏ cả vào thùng rác, có em bị ruồi bọ bâu đầy… Những hình ảnh “đau thương” khiến họ lại trăn trở về những gì đang diễn ra trong cuộc sống hiện đại. Phải chăng, chúng ta đang quá “tàn nhẫn” hay “quá yếu mềm” để “cái ác tính” thắng thế đến như vậy?
Theo các con số công bố, Việt Nam có 1.52 triệu ca nạo phá thai mỗi năm, có 250.000 -300.000 ca được báo cáo chính thức. Ở nước ta, cứ 19s lại có một ca nạo phá thai mới, chúng ta đang xếp thứ 3 trên thế giới về số ca nạo phá thai, tính khu vực Châu Á đang đứng thứ nhất. Nhưng dường như những con số “kinh hoàng” ấy, chẳng đủ cảnh tỉnh “cái ác” tồn tại thời @. Bởi những con số ấy chỉ là tương đối, còn thực tế với bao hệ lụy đau lòng, trần trụi hơn những con số vô cảm rất nhiều…
Công việc chính của họ là xin và chôn cất các thai nhi tại đây |
Đến Đồi Cốc, tôi mang theo câu hỏi khắc khoải về kiếp nhân sinh, về cuộc sống mong manh, vô thường… Đành rằng, cuộc sống ngắn hay dài, vô nghĩa hay ngập tràn ý nghĩa là bởi cái nhìn của mỗi con người. Thế nhưng, cũng thật mâu thuẫn khi con người có xu hướng “tàn nhẫn hóa” cuộc sống của chính mình. Ở đâu đó, tại những khu nạo phá thai như Đông Anh, Sóc Sơn hay gần các bệnh viện, “cái ác” vẫn đang tồn tại. Họ nhẫn tâm bỏ đi quyền được sống của những đứa trẻ, những sinh linh bé nhỏ chưa kịp làm người trọn vẹn. Phải chăng, con người ta vốn không “thiện lương” như quan niệm của Khổng Tử. Nhưng, thực chất câu trả lời ở trong “tâm” mỗi người. Thiện - ác là cuộc đấu tranh trong nội tâm, khi chúng ta biết chiến thắng “ác tính bản năng” của mình thì “cái thiện” thắng thế.
Và thật ấm lòng, khi giữa những bỏ đi, những lầm lỡ, những vô trách nhiệm, vẫn còn đó những tấm lòng tưởng như nhỏ bé, mà lớn lao vô cùng, như bà Lập, bà Quý và người “vác tù và hàng tổng” khác nơi đây. Họ đã ra tay nghĩa hiệp cho một công việc không ai dám làm, chỉ bởi với họ, những hài nhi bơ vơ ấy, quá đỗi ám ảnh và thương cảm…Điều còn lại với họ là trong những “nỗi đau tình cờ” ấy, là những hơi ấm tình người còn lại, để những sinh linh bé nhỏ, có một nơi trở về…