Ngay khi chúng tôi đang thực hiện các kỳ tiếp theo trong loạt bài “Hiệp hội lương thực tự lấy đá ghè chân?” thì báo cáo vừa công bố của Kiểm toán Nhà nước lần đầu cho thấy khoản thu nhập “phản cảm” của các sếp tại hai tổng công ty lương thực “đầu tàu”.
Theo Kiểm toán, thu nhập của lãnh đạo Tổng công ty Vinafood 2 lên tới 79,749 triệu đồng/người/tháng; nhân viên khối văn phòng cũng tới 32,9 triệu đồng/người/tháng. Lãnh đạo bên Tổng công ty Vinafood 1 cũng không kém cạnh là bao, khi thu nhập tới 56,5 triệu đồng/người/tháng; khối văn phòng cũng hưởng 28,4 triệu đồng/người/tháng.
"Đút túi" xấp xỉ 1 tỷ đồng/sếp/năm, con số quả là trong mơ đối với phần đa đồng bào còn lại, đặc biệt là đối với nông dân. Cùng thời điểm “lương khủng” của mấy vị này được đưa ra ánh sáng, ghi nhận của phóng viên PLVN tại ĐBSCL cho thấy một thực tế trái ngược hoàn toàn, nông dân đang than trời vì sức mua chậm, giá lúa xuống thấp trong khi chi phí đầu vào thì tăng cao.
Người dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa, doanh nghiệp mang sản phẩm từ đồng ruộng quê hương bắn khắp toàn cầu, đó là mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi. Nhưng thực tế ai cũng cũng thấy, đằng sau danh hiệu quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đời sống của những người trực tiếp trồng ra danh hiệu ấy còn quá bấp bênh. Mà nguyên nhân, một phần vì chính các “đối tác” doanh nghiệp.
VFA "mang tiếng" là hiệp hội lương thực, nhưng thành viên của nó đa phần chỉ là những công ty thương mại, gần như không có tiếng nói của nông dân. Họ chi phối giá mua lúa và định đoạt giá xuất khẩu, phòng họp của họ không có ghế cho nông dân.
Nói thẳng như Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đó là “hiệp hội của mấy ông buôn”. Các chuyên gia cũng nhiều lần cảnh báo, VFA quá nhiều quyền lực nên dẫn đến việc tổ chức này lạm quyền trong việc điều hành xuất khẩu gạo.
Mà gọi là hiệp hội, nhưng thực quyền của VFA lại nằm trong tay lãnh đạo của hai tổng công ty lương thực. Hai tổng công ty thống lĩnh thị trường hay chưa thì còn phải mang ra “xử” theo Luật Cạnh tranh, nhưng rõ ràng quy luật thị trường luôn đối diện nguy cơ bị bóp méo, lưu thông lúa gạo thường xảy ra bất ổn, gây bất bình trong nông dân.
Mới hôm qua chúng tôi vừa đăng tải bài viết “Nhà nông đâu thấy lãi như VFA báo cáo” – bài thứ 5 trong loạt bài nêu trên. Theo đó, điều tra của phóng viên cho thấy, vụ đông xuân vừa rồi, đến ngày chương trình thu mua tạm trữ bắt đầu, thì tại nhiều địa phương trên 60% diện tích lúa đã thu hoạch xong và đa số nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng. Như vậy, nếu theo như VFA vẫn nói, giá lúa tăng thêm bình quân từ 100-150 đồng/kg trong thời gian thực hiện mua tạm trữ, thì tính sơ sơ cũng đã có đến hàng ngàn tỷ đồng của nông dân bị thất thoát.
Những người thạo tin trong ngành nói rằng, mức thu nhập 1 tỷ đồng/năm tưởng là "ghê", nhưng chỉ tương đương khoảng 50.000 USD, chẳng thấm gì so với “hoa hồng” vài USD mỗi tấn gạo, nhân với hàng triệu tấn mà họ mang xuất khẩu. Sự thực có thể là như vậy, nhưng dẫu sao, chỉ riêng “phần nổi của tảng băng chìm” cũng đã khiến người nông dân choáng váng. Nếu tính giá mua lúa khô tại ruộng "xông xênh" khoảng 5.200 đồng/kg, mức lương mỗi sếp như vậy mua được gần 200 tấn lúa.
Đức Huy