Tổng lượng mưa 3 tháng tại Lâm Đồng phổ biến từ 50 đến 190mm. Bắt đầu từ tháng 4 trở đi thì mùa mưa đã xuất hiện sớm hơn và tổng lượng mưa tại Lâm Đồng đạt lớn hơn 10 đến 20%, tổng lượng nước mặt tại các sông suối lớn hơn 30 đến 80% so với trung bình nhiều năm.
Tính đến ngày 20/5, tổng dung tích hiện tại đạt khoảng 68-70%, so với thiết kế, mực nước bình quân các hồ vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2 đến 4 m nhưng đã đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT Lâm Đồng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi, triển khai thực hiện các biện pháp chống hạn thiếu nước mùa khô năm 2023. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị quản lý công trình tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng an toàn các công trình thuỷ lợi trước mùa mưa lũ, thực hiện gia cố, sữa chữa các hạng mục bị hư hỏng, có nguy cơ gây mất an toàn và chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị nhân lực sẵn sàng triển khai kịp thời công tác ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Cũng theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn xảy ra 1 trận mưa đá, 4 trận mưa lớn kèm lốc xoáy. Thiên tai đã làm thiệt hại 50 căn nhà, 60 ha cây trồng, hư hỏng 02 điểm trường, ngã đổ 02 cột điện... Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
Sở đã thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai xảy ra và cảnh báo các địa phương về tình hình thời tiết cực đoan (dông, lốc); đồng thời hướng dẫn với các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 440 công trình thủy lợi, bao gồm 227 hồ chứa; 90 đập dâng; 19 trạm bơm; 91 đập tạm; 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.200 km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 47.569 ha đất canh tác. Trong số 227 hồ chứa có 35 công trình lớn, 61 công trình vừa và 131 công trình nhỏ.