Nhiều kinh nghiệm thực tiễn được đưa ra tại hội thảo “Truyền thông và hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người dân” do Tổ chức Red Communication và Quỹ Hỗ trợ các sáng kiến tư pháp JIFF tổ chức sáng qua, tại Hà Nội.
“Chỗ dựa” trên con đường giải quyết tranh chấp
Mặc dù “báo chí đã góp công lớn trong việc lên tiêng bênh vực người dân khi sự việc xảy ra” nhưng không phải lúc nào vai trò hỗ trợ pháp lý của báo chí cũng được nhìn nhận và khai thác đầy đủ, đúng mức.
Ngoài việc tuyên truyền pháp luật, báo chí là một kênh quan trọng để tiếp nhận, trao đổi và tạo “dư luận” cho việc thực thi pháp luật nói chung và trong những vụ việc cụ thể. Thực tế cho thấy, báo chí đã được người dân coi là một “chỗ dựa” trên con đường giải quyết tranh chấp, thậm chí là “cứu cánh cuối cùng”.
Trường hợp của bà Hoàng Thị Học (72 tuổi, người dân tộc Tày ở TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) là một ví dụ. Sau 15 năm “đi tìm công lý”, cuối tháng 1/2013, “sự hỗ trợ” duy nhất bà nhận được là công văn của Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án phúc thẩm liên quan đến việc phân chia tài sản của bà và con riêng của chồng.
Bà Hoàng Thị Học nghẹn ngào: “Tôi không biết phải làm gì nữa, mong cơ quan báo chí sẽ giúp tôi”. |
Đến thời điểm này, tháng 6/2013, không nhận được thêm một phản hồi tích cực nào từ các cơ quan chức năng nên bà chỉ còn biết nghẹn ngào: “tôi không biết phải làm gì nữa, mong cơ quan báo chí sẽ giúp tôi” để đòi lại tài sản và bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Những ngư dân ở huyện Cần Giờ vừa được Công an tỉnh Hải Dương bồi thường 650 triệu đồng cho lô hàng 2 tấn bạch tuộc sống bị thu giữ trên đường vận chuyển ra TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là một trong những vụ việc được cho là “con kiến đã thắng củ khoai” với sự “trợ giúp” của báo chí. Qua vụ việc này, phóng viên Nguyễn Viễn Sự (báo Tuổi trẻ) cho rằng, “dù ban đầu các sự việc có thể lộn xộn, chưa ngã ngũ nhưng việc thông tin trên báo chí sẽ buộc nơi làm sai phải suy nghĩ nghiêm túc và cẩn trọng hơn trong khi đưa ra quyết định”.
Truyền thông phải “bắt tay” trợ giúp pháp lý
Phát huy vai trò hỗ trợ pháp lý đa chiều của báo chí cho người dân đòi hỏi các cơ quan quản lý báo chí cũng như các cấp chính quyền cần tôn trọng “tiếng nói” của báo chí, coi trọng công tác “bạn đọc”, mỗi phóng viên đều phải “sẵn sàng” với công tác này… là kiến nghị mà nhà báo Đỗ Văn Khanh (Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật – bạn đọc báo Lao Động) đưa ra sau nhiều năm làm công tác “bạn đọc”.
Nhờ tham gia chương trình “Tây Nguyên – Từ luật tục đến pháp luật” (2/2011-2/2012), nhà báo Phạm Thị Thúy Ngọc (Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tây Nguyên) đã rút ra một kinh nghiệm rất tốt là “sự kết hợp chặt chẽ giữa truyền thông với hỗ trợ pháp lý”. Lâu nay, thiếu sự gắn kết chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức khi làm công tác giáo dục pháp luật, nên chưa phát huy hiệu quả, nhất là chưa khai thác được “sức mạnh” của truyền thông để đưa pháp luật thực sự đến với người dân.
Vì thế, nhà báo Thúy Ngọc kết luận, “việc tuyên truyền pháp luật kết hợp với hỗ trợ pháp lý cho người dân rất cần được duy trì nhiều năm mới có thể tác động đến người dân, tạo được mặt bằng kiến thức pháp luật đồng đều trong nhân dân”.
Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự) khuyến nghị, một trong những nhiệm vụ của truyền thông là phổ biến và hướng dẫn người dân về sự tồn tại, cách thức tiếp cận các dịch vụ TGPL đã được thiết lập khá căn bản và hoàn chỉnh. Đồng thời, hướng đến mục tiêu TGPL, truyền thông phải có phương thức tiếp cận người dân một cách linh hoạt, tránh tẻ nhạt, đơn điệu theo một “lối mòn cũ rích”.
Và quan trọng là cần có sự phối hợp, cộng tác giữa giới truyền thông và các tổ chức trợ giúp pháp lý, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp để truyền tải những nội dung pháp lý đến người dân.
Huy Anh