Hôm sau, theo báo chí, cũng tại phiên họp của Ủy ban này, một đại biểu QH nêu lương ngành Y tế thấp, so sánh đơn giản với lương ngành BHXH thì ước ao giá được như vậy, rồi đề xuất lương khởi điểm bác sĩ gần 9 triệu. Choáng không?
Chắc chắn rằng nếu Ủy ban Các vấn đề xã hội lại mời đại diện vài bộ, ngành ra báo cáo và đề xuất câu chuyện lương của ngành, lĩnh vực mình phụ trách thì chắc 100% sẽ đề xuất phải tăng. Thậm chí lương lực lượng vũ trang (LLVT) là cao nhất nhưng họ vẫn sẵn sàng “kêu” chưa đủ sống?
Tất nhiên, tiếng kêu hàng đầu chúng ta đang nghe thấy là tăng lương cho đội ngũ nhà giáo. Nhớ lại trong tâm thư của Bộ trưởng GD-ĐT hồi đó nhân ngày 20/11/2006 có khẳng định sẽ làm 5 việc thì cái thứ 5 là: “Xây dựng đề án lương và phụ cấp cho giáo viên theo lộ trình từ năm 2007 đến năm 2010 để trình Chính phủ, sao cho từ năm 2010 trở đi, các thầy cô giáo sống được bằng lương của nhà giáo”. Một đề xuất phản ánh nguyện vọng của các thầy, cô giáo. Mà nguyện vọng quá đơn sơ - đó là sống được bằng nghề của mình.
Nói như vậy tức là chúng ta lại quay trở lại cái gốc của vấn đề: Lương của cán bộ, công chức, viên chức hiện tại vẫn không đủ sống. Bao giờ mới đi làm đủ sống đây? Chúng ta đang sống và làm việc trong môi trường quá nhiều “nghịch lý”: Bộ máy quá cồng kềnh tăng một đồng lương là ngân sách chịu không nổi; “túi chi” cho lương được QH duyệt hàng năm chỉ có vậy, tăng nơi này sẽ hụt nơi kia: cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách ai cũng kêu lương không đủ tiêu nhưng ai cũng làm nhà, mua xe..., tức là không kiểm soát được thu nhập ngoài lương của cán bộ.
Chưa thấy ai báo cáo trước QH (ít nhất là Ủy ban Thường vụ, hoặc hẹp hơn là Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH) rằng trong “túi chi” cho lương hiện nay lương của cán bộ cao cấp (với LLVT là thượng tá trở lên, với dân sự là hàm vụ trưởng, vụ phó trở lên) chiếm tỷ trọng là bao nhiêu? Chưa ai báo cáo, các được hưởng lương “đặc thù” 1.8 chiếm tỷ trọng bao nhiêu? Chưa có nước nào ngoài lương cơ bản, phụ cấp và “đặc thù” rối rắm và thiếu minh bạch như ở Việt Nam.
Quản trị phần ngân sách chi lương của một quốc gia không khác quản trị “túi chi” của một gia đình. Làm ăn chưa đủ tiêu, co kéo về chỗ này sẽ hụt, thiếu chỗ khác.
Cải cách lương phải gắn liền với đổi mới tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn thực sự. Cần phải kiên quyết cắt bỏ khối “ung thư” của bộ máy đấy là “tầng nấc” và giảm mạnh đầu mối, biên chế. Một vài chuyển động gần đây cho thấy có vẻ hướng đi đang đúng và rõ. Tuy nhiên, chưa ai dám chắc chắn điều gì.
Chúng ta sẽ còn luẩn quẩn lâu dài?