Theo lời kể của anh M, cách đây hơn nửa tháng, trong quá trình đi vào rừng tìm củi, anh vô tình phát hiện một bộ xương động vật nhỏ nằm bên gốc cây. Lại gần, thấy đôi sừng nhỏ còn dính ở vỏ não đã khô, trông khá đẹp mắt nên anh M. đã mang về nhà treo.
Cặp sừng này nặng chừng 0,1kg, dài khoảng 6cm và giữa mỗi sừng có vòng tròn nổi lên như đính cườm.
Nhiều người biết tin, đến nhà anh M. xem và khẳng định đó chính là sừng cheo, một loại rất hiếm nên nhiều vị khách đã đặt vấn đề mua lại nó.
“Nghe mọi người bảo là sừng cheo rất hiếm, cả ngàn con mới có một con có sừng, loại này chữa vô sinh, yếu sinh lý rất hiệu quả. Tôi tìm hiểu, so sánh trên mạng thì thấy chiếc sừng tôi đang giữ cũng khá giống chiếc sừng cheo. Mới hôm trước, có một người đàn ông ở ngoài Bắc vào xem khẳng định là sừng cheo rồi trả giá hơn 200 triệu đồng nhưng tôi chưa đồng ý bán”, anh M. kể.
Nhiều người dân ở xã Ba Tầng cho biết, trước đây trên địa bàn có rất nhiều cá thể cheo rừng sinh sống, nhưng chưa ai nhìn thấy con cheo có sừng bao giờ.
Một cán bộ kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho biết, cheo là động vật rừng thông thường, không thuộc dạng quý hiếm.
“Sừng cheo lâu nay được đồn thổi là chữa bệnh yếu sinh lý, nhưng đó chỉ tin đồn mà thôi”, vị này nói thêm.