“Tùy nghi” chấp nhận yêu cầu của đương sự
Hầu hết các quy định của Luật THADS hiện hành đều liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Về cơ bản với những thay đổi của Luật THADS 2008, sửa đổi, bổ sung 2014 đối với một số quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên đã đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân trong xã hội cũng như nâng cao vai trò của chấp hành viên.
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thi hành án đã phát sinh một số quy định của phát luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của chấp hành viên chưa cụ thể nên trong quá trình tổ chức thi hành án về phía đương sự và chấp hành viên cơ quan thi hành án vẫn chưa có sự thống nhất để áp dụng cho phù hợp. Điều này đòi hỏi phải quy định chặt chẽ, thống nhất hơn một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên để góp phần tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thi hành án của chấp hành viên.
Cụ thể, điểm g khoản 1 Điều 7, điểm e khoản 1 Điều 7a Luật THADS về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án đã quy định quyền được yêu cầu thay đổi chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 62/2015 hướng dẫn: “Đương sự có quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên trong trường hợp sau đây: a) Thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật THADS; b) Chấp hành viên đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng trong cùng vụ án đó; c) Chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án; d) Có căn cứ khác cho rằng chấp hành viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”.
Theo hướng dẫn trên, người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên khi chấp hành viên thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của chấp hành viên; Cháu ruột mà chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì; Chấp hành viên đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng trong cùng vụ án đó; Chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án; Có căn cứ khác cho rằng chấp hành viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Hướng dẫn này mở rộng quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên của người được thi hành án và người phải thi hành án, không bị bó hẹp trong phạm vi “có căn cứ cho rằng chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ”. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có văn bản nào làm rõ thế nào là có căn cứ cho rằng chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Do đó, trong thực tiễn cùng một sự việc hay cùng một hành vi, khi đương sự có đơn yêu cầu thay đổi chấp hành viên, có lúc cơ quan THADS chấp nhận yêu cầu của đương sự, nhưng cũng có trường hợp cho rằng không có căn cứ nên không chấp nhận.
Làm rõ có căn cứ “chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ”
Trước thực trạng trên, đại diện Cục THADS TP Đà Nẵng kiến nghị bổ sung các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên theo hướng: Tại điểm g khoản 1 Điều 7, điểm e khoản 1 Điều 7a Luật THADS cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với căn cứ cho rằng chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Cục THADS TP Đà Nẵng đề xuất một số hành vi có thể bổ sung như cung cấp giấy tờ chứng minh chấp hành viên cố tình không thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật; cung cấp hình ảnh, giấy tờ, tài liệu… cho rằng chấp hành viên có gặp gỡ, trao đổi với đương sự nhằm mục đích vụ lợi; cung cấp chứng cứ chứng minh việc chấp hành viên từ chối nhận văn bản, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ án do đương sự cung cấp nhằm trốn tránh trách nhiệm thi hành án.
Tổng cục THADS cũng nêu quan điểm cần làm rõ như thế nào là “có căn cứ cho rằng chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ” quy định tại Điều 7 Luật THADS, điểm d khoản 1 Điều 10 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP mà đến nay chưa có văn bản hướng dẫn. Qua nắm bắt thực tiễn các địa phương, Tổng cục thừa nhận có tình trạng cùng một sự việc hay cùng một hành vi, khi đương sự có đơn yêu cầu thay đổi chấp hành viên, có lúc cơ quan THADS chấp nhận yêu cầu của đương sự, nhưng cũng có lúc không chấp nhận mà cho rằng không có căn cứ.
Do đó, Tổng cục cho rằng cần hướng dẫn đối với căn cứ cho rằng chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ và đồng tình có thể là một số hành vi như chấp hành viên cố tình không thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật; có gặp gỡ, trao đổi với đương sự nhằm mục đích vụ lợi; từ chối nhận văn bản, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ án do đương sự cung cấp nhằm trốn tránh trách nhiệm thi hành án.