Mới đây trên mạng xã hội chia sẻ hình ảnh một văn bản của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động gửi đến các đối tác mặt bằng về việc thanh toán tiền thuê mặt bằng trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa do ảnh hưởng dịch Covid-19, do ông Quách Vĩnh Nam - Giám đốc bán hàng toàn quốc ký ngày 2/8/2021.
Nội dung công văn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động cho biết Thế giới Di động/Điện máy Xanh bị tác động nặng trước biện pháp phòng chống dịch bệnh được triển khai mạnh mẽ trong tháng 7/2021, gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.
Công văn được cho là của Công ty Cổ phần Thế giới Di động. (nguồn: Internet). |
Do đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động thông báo sẽ áp dụng một số biện pháp:
"- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.
- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.
Thời gian áp dụng từ 1/1 - 1/8/2021. Công văn đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng".
Theo Báo Nhà báo và Công luận, ngày 30/9, ông Trần Kỷ Mùi, một chủ mặt bằng đã cho Thế giới Di động thuê mặt bằng tại An Nhơn, Bình Định đã có đơn phúc đáp, về việc điều chỉnh giảm trừ thanh toán phí thuê mặt bằng của Thế giới Di động.
Trong đơn phúc đáp, ông Mùi khẳng định, trong Hợp đồng cho thuê đã ký kết với Thế giới Di động, không có bất kỳ điều khoản nào nêu rõ việc Thế giới Di động được tự ý giảm giá thuê mặt bằng, khi xảy ra dịch COVID-19 tại địa bàn An Nhơn và chưa có sự đồng ý của bên cho thuê.
Trên cơ sở đó, ông Mùi không đồng ý việc Thế giới Di động được tự ý giảm giá thuê mặt bằng theo hợp đồng đã ký.
Ông Mùi rất thông cảm các yếu tố dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của công ty, nhưng không vì vậy mà Thế giới Di động muốn tự giảm giá kiểu gì thì giảm, mà không quan tâm tới ý kiến của người cho thuê nhà.
“Tôi thấy đây là một điều quá phi lý và không tôn trọng người cho thuê, điều này đã ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế và gây thiệt hại cho tôi”, ông Mùi nêu trong đơn thư.
Nếu Thế giới Di động tiếp tục không tôn trọng và tuân thủ hợp đồng đã ký, ông Mùi sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.
Bên cạnh đó, ông Trần Kỷ Mùi cho biết đã chuyển hồ sơ khởi kiện Công ty CP Thế giới Di động đã không tuân thủ các quy định được nêu trong hợp đồng.
Ông Mùi khẳng định, nếu trước đó, Thế giới Di động có thiện ý, ông Mùi sẵn sàng giảm giá thuê mặt bằng, dựa trên sự đồng thuận giữa 2 bên. Tuy nhiên, việc Thế giới Di động Bình Định tự ý giảm tiền thuê mặt bằng, là thiếu sự tôn trọng với chủ mặt bằng.
Thông báo của Thế giới Di động gửi đến ông Trần Kỷ Mùi. (nguồn: Internet). |
“Kể từ khi có đơn thư, phía Thế giới Di động đã nhiều lần liên hệ để thương lượng, đàm phán, nhưng tôi không đồng ý và chuyển đơn ra tòa”, ông Mùi nói.
Trong khi đó, đại diện truyền thông của Thế giới Di động không có bình luận gì về câu chuyện “quỵt” tiền thuê mặt bằng tại Bình Định. Vị này cũng cho biết, cũng chưa nắm được văn bản tự ý giảm giá tiền nhà nêu trên.
Còn theo Báo Dân trí, một đại diện phía Thế Giới Di Động phủ nhận thông tin "gửi công văn nêu trên cho toàn bộ các đối tác". Theo vị này, chỉ có khoảng 10% chủ nhà "thiếu thiện chí", không muốn hỗ trợ. Số chủ nhà đồng ý hỗ trợ là khoảng 90%. Thời gian qua hệ thống gặp khó khăn do dịch bệnh bùng phát, nhiều cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn theo yêu cầu giãn cách. Một số cửa hàng hoạt động cầm chừng.
Trước tình hình khó khăn nêu trên, vị này cho biết tập đoàn đã bắt đầu liên hệ với chủ nhà để thương lượng.
"Công văn được gửi đầu tháng 8 đang được lan truyền trên mạng không phải là công văn đầu tiên chúng tôi gửi đối tác mà là công văn thứ ba sau nhiều nỗ lực liên hệ, thương lượng với chủ nhà mà không nhận được phản hồi", vị này cho hay.
Công văn của Công ty Cổ phần Thế giới Di động được cho là đã gửi cho các "chủ nhà" từ ngày 15/6/2021. (nguồn: Internet). |
Trước đó, một số phản ánh cho rằng do chưa được sự đồng ý, chấp thuận từ chủ nhà nhưng Thế Giới Di Động đã có thông báo về thanh toán chi phí tiền thuê mặt bằng và tự chuyển khoản tiền thuê đã giảm khiến chủ nhà bức xúc.
Thậm chí vị chủ nhà này đã có đơn phúc đáp lại bày tỏ sự không đồng ý với động thái trên, bởi theo quy định tại hợp đồng thuê quyền sử dụng đất đã ký, giá thuê được nêu rõ và không có điều khoản nào nêu rõ việc khách thuê được tự ý giảm giá thuê mặt bằng khi chưa có sự đồng ý của người thuê mặt bằng.
Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) trước đó đã công bố doanh thu thuần tháng 8 đạt 6.508 tỷ đồng. Hệ thống bán lẻ này trải qua tháng khó khăn bậc nhất trong lịch sử khi các hoạt động bán hàng bị gián đoạn lớn, buộc phải tiết giảm nhiều chi phí để bảo vệ dòng tiền.
Trong tháng 8, hệ thống điện thoại, điện máy của Thế Giới Di Động phải đóng cửa gần 2.000 điểm bán, tương đương mất 70% số lượng cửa hàng và 80% tổng doanh số của 2 chuỗi này trong điều kiện bình thường.
2 chuỗi điện thoại, điện máy chỉ mang về được gần 3.500 tỷ đồng, khoảng 40% doanh thu so với mức bình quân trước dịch trong tháng vừa qua. Thế Giới Di Động buộc phải tập trung bán hàng tại các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh kênh online.
Được biết, về kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78.495 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế là 3.006 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ).
Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) là hai chuỗi đã đóng góp hơn 57.500 tỷ đồng doanh thu lũy kế 8 tháng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ 2020. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, tháng 8 là tháng kinh doanh thấp điểm nhất khi gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc kinh doanh hạn chế. Các cửa hàng này chiếm 70% về số lượng nhưng đóng góp hơn 80% giá trị doanh thu của TGDĐ/ĐMX trong điều kiện bình thường.
Dù khó khăn, hai chuỗi vẫn nỗ lực mang về gần 3.500 tỷ đồng - tương đương 40% mức doanh số bình quân thời điểm trước dịch. Doanh thu online lũy kế sau 8 tháng đạt gần 7.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ). Các giao dịch online đem lại hơn 1.000 tỷ đồng trong tháng 8 (tăng 26% so với cùng kỳ) và chiếm 30% tổng doanh thu của TGDĐ/ĐMX.
Ghi nhận những chỉ số doanh thu lợi nhuận khả quan có được nhờ những nỗ lực điều hành của lãnh đạo, song động thái tự động giảm tiền mặt bằng vì cho rằng cần có thiện chí hỗ trợ khó khăn mùa dịch của MWG không quá hợp tình. Vì ở chiều ngược lại, bản thân người cho thuê cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.