Công văn nêu rõ, ngay sau khi nhận được yêu cầu của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, liên ngành đã yêu cầu tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS sư theo quy định hiện hành và báo cáo Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước trước ngày 18/2. Trong quá trình rà soát, nếu trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định hiện tại phải báo cáo cương quyết không công nhận.
Theo công văn này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, các Hội đồng chức danh GS Nhà nước đã khẩn trương tổ chức rà soát hồ sơ các ứng viên, trong đó tập trung rà soát các vấn đề mà dư luận đặt ra liên quan đến việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017.
Tuy nhiên, do thời gian yêu cầu rà soát trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nên để đảm bảo khách quan, công bằng, đúng quy định, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã xin Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời hạn báo cáo kết quả đến hết ngày 28/2/2018.
Trước đó, đầu tháng 2, sau khi Hội đồng Chức danh GS Nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017, có nhiều thông tin (kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng) phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn GS, PGS tăng đột biến so với các năm trước, cùng nhiều lo ngại về chất lượng (như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời giang giảng dạy, nghiên cứu khoa học...). Một số thành viên Hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.
Cùng với đó, không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như “chuyến tàu vét” trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn GS, PGS và có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Hội đồng Chức danh GS Nhà nước với những quy định chặt chẽ hơn... Và tới thời điểm này, được biết, tại hầu hết các Hội đồng chức danh GS chuyên ngành, sau khi rà soát, đều không có ứng viên nào không đạt chuẩn.
Thực tế, lâu nay, cùng với tâm lý sính bằng cấp, chức danh GS, PGS, học hàm, học vị luôn gắn với quyền lợi về việc bổ nhiệm. Do đó, có một số lượng lớn các GS, PGS không nghiên cứu khoa học. Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp Việt Nam thì những người không giảng dạy, nghiên cứu ở các trường ĐH thì không nên đăng ký làm hồ sơ xét duyệt phong tặng chức danh GS, PGS. Bởi chức danh này chỉ dành cho những người làm nghiên cứu, đào tạo tài năng trẻ trong tương lai. Chức danh GS, PGS là chức danh cao quý dành cho những người thực sự vì nghiên cứu khoa học, học thuật và sự nghiệp giáo dục đào tạo, chứ không phải là chức danh “ảo” dành cho những người ham danh hiệu, háo danh.
Mặt khác, việc xét tặng GS, PGS nên tính đến việc người đó hướng dẫn thành công cho bao nhiêu nghiên cứu sinh về mặt học thuật và những công trình khoa học có đóng góp gì cho sự phát triển đất nước. Ngoài ra, vai trò của GS, PGS còn có tác dụng lớn như thế nào trong việc hợp tác quốc về khoa học công nghệ, đóng góp cho sự phát triển về học thuật và tài chính cho trường ĐH mà họ đang công tác. Hơn nữa, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, Việt Nam đang hội nhập với thế giới thì chắc chắn chúng ta phải nâng chuẩn chức danh GS, PGS như có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế; tự tin trao đổi, nghiên cứu khoa học bằng ngoại ngữ một cách thành thạo…
Có thể nói, còn nhiều việc cần phải chấn chỉnh để tránh tình trạng điều tiếng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay…