Lúc nào đó chúng ta đã..

1. Ra khỏi rạp xi nê, An nói: “Bộ phim có cái kết buồn quá. Lẽ ra chúng ta nên cùng làm cái gì đó vui vẻ hơn”. Hưng nói: “Bây giờ còn kịp không?”. An hỏi lại: “Mấy giờ rồi anh?”.

1. Ra khỏi rạp xi nê, An nói: “Bộ phim có cái kết buồn quá. Lẽ ra chúng ta nên cùng làm cái gì đó vui vẻ hơn”. Hưng nói: “Bây giờ còn kịp không?”. An hỏi lại: “Mấy giờ rồi anh?”.

Mô tả ảnh.

Hưng rồ ga chạy vọt qua một đoạn đại lộ, rồi lách vào một con đường hai bên đầy đất đá, vật liệu xây dựng chất lổn ngổn. Đi hết con đường có đèn cao áp, họ băng qua một cây cầu dài. Bên kia cầu có nhiều hàng quán đèn mờ nằm trong những khu vườn yên tĩnh dành cho những khách cần sự riêng tư. An hỏi: “Mình đi đâu vậy anh?”. “Em yên tâm. Chỗ này hay lắm…”.

Hưng vẫn giữ tay ga. Đầm lầy, kênh rạch hai bên hắt lên thứ mùi nhùng nhũng đặc trưng. An ôm chặt Hưng, cô khe khẽ hít thở sâu và lắng nghe mùi bùn trộn với mùi mồ hôi chua chua của người tình. Một cảm giác có lẽ mãi về sau cô không còn có thể tận hưởng. Một xúc cảm choáng ngợp sinh ra cùng với nỗi lo âu.

Hưng vẫn giữ ga đều, chạy mãi theo con đường trải nhựa. Hai bên đã thưa thớt nhà cửa. Những bãi rộng vắng người. Những đồng cỏ lau lừ lừ trải ra, nối tiếp bất tận trong đêm tối rậm rì. An nói  nhỏ: “Giá mình không vào rạp xi nê, để hết thời gian cho chuyến đi này thì hay biết mấy”. Hưng cười: “Em đã biết mình sẽ đi đâu mà lo tiếc sớm vậy?”. An cù vào bụng Hưng: “Anh học cái tính hoài nghi đó từ khi quyết định lấy vợ à? Em nhớ trước đây anh cũng là người phiêu lưu lắm mà!”. “Phiêu lưu - Hưng cười - phiêu lưu nghĩa là cứ đi mãi mà không biết đi về đâu thế này à?”.

Họ lặng im, tiếp tục chạy qua mấy quãng đồng. Hưng lại bảo: “Thế mà anh đã suy nghĩ, có thể mình không bắt gặp được suy nghĩ của nhau từ đầu”. “Là sao?” -  An hỏi lại. “Anh đã muốn chúng mình làm một cái gì đó vui vẻ. Nhưng cái điều vui vẻ mà anh nghĩ hình như có vẻ quá trắng trợn. Ý anh nói là… mình…”. An rướn về phía trước, áp toàn thân lên lưng của Hưng, cho cằm mình ướm chặt vào cổ và vai anh. Hưng nghe rõ hơi thở thổn thức gợi tình của cô. Như thể cô đã sẵn sàng để tan loãng cả vào anh. Dường như anh nghe rõ tiếng cô bật ra từ trong suy nghĩ: “Dừng lại đi anh. Dừng lại đi! Chúng mình sẽ làm cái gì đó vui vui…”. Hưng nắm tay cô cho vào túi quần của mình. “Sao mình không nói rõ từ đầu là mình muốn thế này? Em cứ nóng lòng chờ bộ phim kết thúc. Trong rạp, em không dám nắm tay và gục đầu vào anh như mọi lần. Chỉ sợ có ai nhìn thấy…”. “Thôi em, quên chuyện bộ phim đi có được không? Giờ là mấy giờ rồi?” - Hưng hỏi.

Bây giờ thì họ biết rằng, họ hoàn toàn thuộc về vùng ngoại ô. Trời tối đen như mực. Và cả cánh đồng râm ran tiếng côn trùng, ếch nhái. Trời gió, phóng khoáng hắt hơi nước mát lên từ những mặt hồ và kênh rạch. Họ dừng xe. “Bây giờ làm gì hả anh?” - An hỏi. “Mình đứng đây một lúc xem thế nào. Đêm nay mình dành thời gian cho tất cả những gì muốn nói!” - Hưng nói (và nghĩ bụng: “Khốn kiếp. Ba năm nồng nàn, ngay cả lúc mình phản bội để yêu người khác, cô ấy vẫn nồng nàn nóng bỏng, nhưng sao giờ này lại ấp úng thế này? Có phải là một vở diễn tồi, đầy khổ ải của hai diễn viên mới vào nghề?) . “Chỉ tâm sự thôi hả anh?” - An hỏi. “Thì để xem một lúc tình hình xung quanh đây thế nào, có người qua lại hay không?”. “Để làm gì? Nếu có người ở đây thì can hệ gì đến chuyện của chúng ta? Em thấy chẳng can hệ gì. Chẳng ai biết chúng ta là ai, ở đây. Mà anh học cái tính kỹ lưỡng ấy từ hồi quyết định lấy vợ à…”.

Họ đứng yên, hít thở khí trời trong lành. An nói, em sợ, rồi rúc vào ngực Hưng. Đôi môi nóng bỏng bắt đầu lướt trên cánh tay và ngực áo anh. Hưng cởi áo khoác, choàng qua vai cô. Cô níu tay anh đặt vào eo bụng mình. Nhưng anh rụt tay lại. “Sao vậy?”. “Anh không thể. Chúng ta có nên tiếp tục mạo hiểm hay không?”.

Im lặng kéo dài. An ngồi trên một đám cỏ, bứt những cọng cỏ mượt dài.

Và họ cứ ngồi bứt cỏ như vậy đến khi gà gáy.

Lúc trời đã hừng sáng, họ vẫn ngồi bứt cỏ.

2. Thực ra, bộ phim không dở. Phim kể về cuộc hẹn của đôi tình nhân trước hôm người đàn ông lấy vợ một tuần, đẹp vì những cảm xúc sâu kín, chừng mực. Người làm phim là một kẻ cao cơ, biết tiết chế cảm xúc. Tất cả đều có căn nguyên. Người đàn bà bốc lửa đã có đến mười năm ăn ngủ mặn nồng với gã đàn ông bạc tình kia. Nhưng tuổi trẻ đã qua. Họ không thể nâng cấp chuyện ăn ngủ thành đời sống vợ chồng. Họ đã có một quy ước từ đầu, chỉ là tình nhân của nhau. Không ai trong họ muốn phế bỏ quy ước chết tiệt đó.

Trong buổi hẹn một tuần trước đám cưới của người đàn ông, họ đã làm gì?

Như dự định của người đàn ông, họ sẽ tìm một khách sạn và sẽ vần nát nhau như hai bã mía bị ép hết nước. Để sau đó sẽ trở về với cảm giác trống rỗng, kiệt cùng. Người đàn bà cũng nghĩ thế. Trước đó chị đã uống ba liều thuốc để chuyển ngày có kinh sang tuần sau.

Nhưng họ đã không làm gì trong đêm ấy. Vì họ có quá nhiều việc không tên phải làm. Quá nhiều những chuẩn bị chẳng đâu vào đâu. Những thứ râu ria tỉa tót, quần áo, nước hoa, chỗ ngồi, tư thế sang trọng… nhằm đánh vào đối phương ấn tượng cuối cùng đã làm cho họ quá mệt, không còn nhận ra mùi hương, sự phóng túng lẫn vụng dại của nhau. Họ quá lịch thiệp để say đắm. Và rồi họ phải nhận về một sự cụt hứng đầy thất vọng.

Cảnh cuối phim, họ tiễn nhau qua một đại lộ đầy xe cộ.

Và họ khuất chìm trong ống kính camera.

Một bộ phim tâm lý có màu sắc éo le rất sến. Nhưng nhiều thành phần khán giả nữ đã lấy đó mà lạc quan. Họ cho rằng, nếu tình cảnh đức ông chồng mình cũng tương tự thế, thì cuộc đời còn nhiều chuyện phải làm, chẳng cứ phải lôi nhau lên giường cởi áo quần ra, và la hét rên rỉ… Còn khán giả đàn ông thì cũng tìm thấy sự hay ho: thật khó để biết được vợ mình từng có những khoảnh khắc điên rồ kiểu ấy hay không ngay trước ngày cưới. Biết đâu nàng cũng từng chiến đấu với cái bẫy cuối cùng là đến khách sạn, với một gã lạ hoắc cố ra vẻ lịch thiệp nào đó…

Phim kết thúc trong tâm trạng nửa vời. Đẹp và buồn. Và gây băn khoăn.

3. Mảnh đất mà ngày xưa đôi tình nhân phải chạy rất lâu trong màn đêm mới đến được, giờ là một quán cà phê sang trọng cho giới doanh nhân. Người đàn bà ngồi ngoảnh mặt, nhìn ra ngã tư, nơi xe cộ đan như mắc cửi. Xa xa, có vài khóm mai hoa nở vàng. Buổi chiều mùa xuân êm ả. Họ đã kể cho nhau nghe những chuyện gia đình, chuyện con cái. Tất cả nhạt phèo chẳng đâu vào đâu. Làm ăn, phấn đấu, mâu thuẫn lặt vặt, không hợp tính nết… như biết bao câu chuyện gia đình khác trên đời, có thể đoán trước được mọi thứ.

Ba mươi năm cũng chỉ đủ để kể trong một buổi chiều.

Bây giờ, người đàn bà tóc muối tiêu quàng lại lớp khăn lụa để che kín cổ, và cài lại chiếc nút trên cùng của áo măng-tô.

- Chúng ta có nên đi coi phim không? Rạp bên kia đường có bộ phim hay lắm! - người đàn ông nói.

- Anh đã suy nghĩ kỹ chuyện có nên vào rạp hay chưa? Em chỉ sợ lại gặp một bộ phim buồn như trước - người đàn bà nói, nửa đùa nửa thật. Giọng nói vẫn nồng nàn, đáo để như cách đây ba mươi năm.

- Ba mươi năm rồi mà em vẫn nhớ à?

- Còn anh thì chẳng nhớ gì cả? Em còn nhớ cả cái chỗ mà mình đã ngồi trong đêm đó. Cái bụi cỏ mà mình vặt trụi ấy giờ là ngã tư trước mặt kia kìa… - người đàn bà nói và chỉ ra trục ngã tư đang thưa thớt xe cộ, vàng lên trong màu nắng nhẹ của chiều xuân.

- Không phải. Chính xác là chỗ cái rạp phim mới xây bên kia kìa.

- Vậy là anh cũng nhớ?

- Em quên là anh có tham gia dự án đô thị mới này sao. Chính anh là người đấu tranh để xây dựng rạp phim ở chỗ đó…

Người đàn bà nhìn người đàn ông với đôi mắt của Eva nhìn Adam của thuở ở địa đàng. Bà lén đưa khăn lụa lên lau mắt rồi gật đầu đồng ý với lời mời vào rạp. Bởi nếu không vào rạp xem phim, thì cuộc gặp lại này cũng sẽ chẳng để lại gì ngoài một nỗi xao xuyến mơ hồ rằng, cả hai người, đều đã không quên tất cả những gì xảy ra trong quãng đời tuổi trẻ.

Đầm lầy đã không còn. Tuổi trẻ cũng không còn. Cũng không còn nhiều chọn lựa.

Người đàn ông vắt chiếc áo veston lên cánh tay, đúng kiểu một doanh nhân thành đạt, lịch lãm. Ông bước vội qua vạch trắng dành cho người đi bộ và đứng lại bên kia đường chờ người đàn bà chậm rãi bước theo, sau phút đèn đỏ.

Bà bước rất chậm, bình thản, gương mặt bình yên trong lớp trang điểm nhẹ. Bóng bà đổ xéo trên những vạch trắng trên làn đường cho người đi bộ. Ông thích đứng nhìn bà từ xa để tìm lại cảm giác đầy xao xuyến của những buổi hẹn trong thời tuổi trẻ. Nhưng rồi, có một điều gì đó đã ngăn cách họ.

Ông đứng ở thềm đường, chỉ dám xòe tay để đỡ bà nhấc bước, một cách màu mè xa lạ, không hề giống gì với những cảm xúc cuống quýt thuở thanh xuân.

4. Bộ phim dài hai tiếng. Đôi tình nhân cũ có được ba lần chụm đầu vào nhau. Đó là bộ phim về ông nhà văn già người Nhật, chọn ngày cuối năm để đến Osaka nghe chuông chùa, tìm người tình cũ. Một bộ phim diễm tình phỏng theo tác phẩm của Yasunari Kawataba, chậm chạp và lê thê. Cái kết cũng khá buồn, đầy hụt hẫng. Hình như những thứ diễm tình luôn phải chấp nhận một mô thức kiểu thế.

Đẹp và buồn. Và để lại ít băn khoăn. Không riêng gì chuyện trong phim ảnh.

5. Khi chia tay nhau ở trục đường, người đàn bà đưa tay hái một nhánh lộc nhỏ trên cành mai sum suê. Bà nói: “Phim buồn quá. Nhưng đúng là mình đâu thể chọn chỗ nào khác để làm điều gì đó vui vui hơn tí, phải không anh?”.

“Anh cũng suy nghĩ nhiều rồi. Đừng dằn vặt anh về chuyện đó nữa được không. Đêm thật ngắn. Và nếu cứ thế này thì mình sẽ chẳng kịp làm điều gì vui vui đêm nay cả” - người đàn ông nói, nửa đùa nửa thật.

Đêm mùa xuân se se lạnh. Gió từ lòng hồ thổi lên những làn hơi nước dễ chịu.

Chẳng biết cúi đầu để trầm tư hay chần chừ vì một điều gì đó, mãi một lúc sau, người đàn ông mới ngẩng lên, phá ra cười:

“Ha ha… Em hãy nhớ rằng, có một lúc nào đó, chúng ta đã rất sến…”.

Theo TN

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.