Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (Luật XLVPHC năm 2020) đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều (trong đó 16 điều sửa đổi, bổ sung toàn diện), sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 4 điều, bãi bỏ 3 điều của Luật XLVPHC hiện hành với nhiều nội dung mới.
Cụ thể, Luật XLVPHC năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc xử phạt đối với từng hành vi trong trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần”. Theo đó, một người thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng. Quy định này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 và điểm b khoản 1 Điều 10 Luật XLVPHC hiện hành do chưa có sự thống nhất trong áp dụng pháp luật trên thực tiễn đối với các trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần.
Luật XLVPHC năm 2022 sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Điều 4 Luật XLVPHC. Cụ thể, bổ sung quy định Chính phủ được giao quy định hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Quy định này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật XLVPHC, có thể thấy một số sai phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thường xảy ra trong quá trình áp dụng pháp luật nhưng chưa được Luật XLVPHC quy định là hành vi bị nghiêm cấm. Chính vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xử lý vi phạm hành chính, Luật XLVPHC năm 2020 bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính tại Điều 12 Luật XLVPHC như: Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
Sau hơn 9 năm (tính từ thời điểm ban hành Luật XLVPHC), một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực xảy ra ngày càng phổ biến, tinh vi, nguồn thu lợi bất hợp pháp là rất lớn, gây hậu quả lớn đến xã hội, làm thiệt hại kinh tế, thậm chí làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người dân nhưng mức phạt tối đa áp dụng đối với hành vi vẫn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, thiếu tính răn đe và không đủ sức phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính mới. Để bảo đảm sự phù hợp, Luật XLVPHC đã sửa đổi, bổ sung Điều 24 Luật XLVPHC theo hướng tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 Luật XLVPHC.
Cụ thể, tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ từ 40 triệu lên 75 triệu; Phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu lên 75 triệu; Cơ yếu từ 50 triệu lên 75 triệu; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia từ 50 triệu lên 75 triệu; Giáo dục từ 50 triệu lên 75 triệu; Điện lực từ 50 triệu lên 100 triệu; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; Kinh doanh bất động sản từ 150 triệu lên 500 triệu… Bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, như: Đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; kiểm toán nhà nước; cản trở hoạt động tố tụng; bảo hiểm thất nghiệp; in; sở hữu trí tuệ; tôn giáo…
Luật XLVPHC năm 2020 sửa đổi quy định về thẩm quyền xử phạt của một số chức danh theo hướng tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, tăng thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp huyện (điểm b khoản 2 Điều 38) và Giám đốc Công an cấp tỉnh (điểm b khoản 5 Điều 39) từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Bổ sung thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả cho một số chức danh thuộc Bộ đội Biên phòng (Điều 40) để bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn.