Ông Năm, người đàn ông tàn tật này tố cáo bị ông Thương phá nhà, dỡ hàng rào, xây tường bao chiếm đất |
Về vụ con và cháu ông Trần Nổi tố cáo bị ông Thương nhốt trong nhà rồi đánh, ngày 1/8/2014 Phó Công an thị trấn (TT) Dương Đông ra Quyết định 254 và 258 xử phạt cô Hình Ngọc Trâm (SN 1993) 250.000 đồng về hành vi gây mất trật tự ở khu dân cư; phạt bà Trần Thị Hạnh (con ông Nổi, mẹ cô Trâm - SN 1974) 750.000 đồng về hành vi đánh nhau.
Tuy nhiên, qui trình xử phạt này bị người dân khiếu nại bởi cơ quan ra quyết định xử phạt không lập biên bản vi phạm hành chính, không tống đạt biên bản vi phạm hành chính cho người vi phạm trước khi ra quyết định như luật định.
Để tìm hiểu cô Trâm gây mất trật tự ở khu dân cư như thế nào và bà Hạnh đánh nhau với ai, nguyên nhân hành vi vi phạm hành chính của mẹ con bà Hạnh là gì, chúng tôi đã đến Công an TT Dương Đông xác minh nhưng cơ quan này buộc chúng tôi phải có công văn của Báo mới cung cấp thông tin và biên bản vi phạm hành chính?
Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Năm (SN 1937, thường trú tại ấp Cửa Lấp, Dương Tơ, Phú Quốc), ông Năm có thửa đất tại địa chỉ trên và bán cho ông Nguyễn Ngọc Minh 1/2 diện tích và làm hàng rào để phân định ranh giới, trên phần đất còn lại, ông Năm cất một căn nhà. Khi ông Minh làm thủ tục sang nhượng thì có ý bao chiếm luôn phần đất còn lại của ông Năm nên hai bên xảy ra tranh chấp, ông Minh ủy quyền cho ông Thương giải quyết.
Vụ việc đang được chính quyền các cấp sở tại thụ lý thì ngày 5 và 6/6/2012, ông Thương dẫn một nhóm người đến đập phá căn nhà của ông Năm, dỡ toàn bộ hàng rào mà ông Năm dựng lên để phân định ranh giới đất.
Ông Năm bức xúc: Ông Thương phá hàng rào, nhà cửa của tôi nhằm phi tang những gì mà tôi đã phân định ký kết với ông Minh. Việc phá hủy ranh giới đất sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp đất giữa tôi và ông Minh mà chính quyền đang thụ lý. Sau đó, ông Thương tập kết vật liệu xây một bức tường cao gần 2m, dài hơn 100m, bao chiếm luôn phần đất của tôi và đất đã bán cho ông Minh...
Hành vi hủy hoại tài sản người khác của ông Thương, chính quyền huyện Phú Quốc có biết không? Ông Năm cho biết thêm: “Tôi đã làm đơn gửi Công an huyện Phú Quốc tố giác tội phạm, yêu cầu khởi tố hình sự ông Thương nhưng không ai trả lời?”. Sau khi PLVN đăng tải hai bài báo nêu trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang đã vào cuộc điều tra những hành vi của ông Thương mà Báo nêu.
Ông Năm cho biết: “Ngày 6/10/2014, tôi được cơ quan CSĐT Công an tỉnh phối hợp cùng VKSND huyện Phú Quốc mời đến làm việc trong quy trình dựng lại hiện trường vụ ông Thương phá nhà và hàng rào của tôi. Tất cả những ai tố cáo ông Thương đều được cơ quan CSĐT mời lên lấy lời khai. Tôi hy vọng lần này pháp luật được thực thi…”.
Tố cáo lãnh đạo vì mục đích gì?
Vụ tranh chấp đất giữa ông Năm và ông Minh đã có kết quả. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ bức tường mà ông Thương xây dựng trên đất ông Năm, buộc ông Minh trả lại phần diện tích đất bao chiếm của ông Năm. Thế nhưng, quyết định này đến nay vẫn chưa được chính quyền huyện Phú Quốc thực hiện. Lý do tại sao? Có phải lãnh đạo chính quyền Phú Quốc “ngại” đụng đến ông Thương vì sợ ông tố cáo? Phải chăng một loạt đơn tố cáo quan chức của ông Thương gửi đến Ủy ban Kiểm tra (UBKT) tỉnh Kiên Giang và Trung ương minh chứng điều đó?
Ông Thương tố cáo nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Văn Hà Phong, vụ việc như sau: Ông Thương được Báo Người cao tuổi nhận làm cộng tác viên, nhưng ông Thương xưng là phóng viên, “Cử nhân luật chuyên sâu dân sự” để giao dịch và ký kết những hợp đồng ủy quyền thay mặt người dân đi khiếu nại, khiếu kiện tại các cơ quan hành chính, tham gia tranh, tố tụng tại tòa các cấp tỉnh Kiên Giang.
Khi ông Thương bị người dân tố cáo, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi đã phát hành công văn đến các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang khẳng định ông Thương chỉ là cộng tác viên; đồng thời thông báo không nhận ông Thương làm cộng tác viên nữa. Để ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, UBND huyện tổ chức họp dân, thông báo rộng rãi trên Đài Phát thanh huyện nội dung công văn của Báo Người cao tuổi.
Tuy nhiên, ông Thương cho rằng ông Phong chỉ đạo việc này nên tố cáo bị ông Phong bôi nhọ, làm mất uy tín, danh dự đến UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang và Trung ương. Trong đơn tố cáo này, ông Thương còn tố cáo ông Phong nhiều nội dung khác nên UBKT Tỉnh ủy phải xác minh.
Trong một vụ kiện khác, ông Thương nhận ủy quyền. Vụ việc được TAND huyện Phú Quốc thụ lý. Thẩm phán giải quyết vụ án (vị này yêu cầu PLVN giấu tên) xảy ra mâu thuẫn với ông Thương. Ông Thương tố cáo vị thẩm phán này thuê “xã hội đen” giết ông Thương. Vụ việc rùm beng bởi một số báo đăng tải nội dung tố cáo cùng số điện thoại và tin nhắn. Số điện thoại và nội dung tin nhắn này chưa được cơ quan thẩm quyền kết luận là của ai.
Tuy vậy, Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang vẫn mở một cuộc “điều tra”, khiển trách vị thẩm phán này vì vi phạm qui tắc ứng xử của ngành và luân chuyển vị này về đất liền. Ông Thương cho rằng, vị này bao che cho thuộc cấp nên quay sang làm đơn tố cáo luôn Chánh án Tòa án tỉnh gửi các cơ quan thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương. Vì người bị tố cáo là đảng viên và lãnh đạo địa phương, ngành ở tỉnh nên UBKT Tỉnh ủy phải vào cuộc xác minh.
Trao đổi với PLVN, một lãnh đạo UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: “Tất cả những nội dung tố cáo của ông Thương chúng tôi đã xác minh, kiểm tra, hiện chưa phát hiện ai sai phạm như đơn tố cáo. Chúng tôi sẽ công bố kết quả đến báo giới khi có kết luận chính thức”. Khi được hỏi: Nếu UBKT Tỉnh ủy kết luận đơn tố cáo của ông Thương hoàn toàn sai sự thật thì sẽ xử lý những đơn tố cáo này như thế nào? Vị này cho biết sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan CSĐT để họ xem xét.
PLVN sẽ theo dõi và thông tin tiếp vụ việc khi có kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT tỉnh Kiên Giang và kết luận của UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang./.