Tôi luyện trên cánh đồng bông
Là thứ bảy trong số 11 người con của gia đình Ravenell, hàng ngày sau giờ học buổi sáng, cậu bé Ken phải ra đồng làm việc cùng mọi người từ trưa cho tới sẩm tối. Ngoài những cánh đồng của mình, gia đình Ravenell còn mướn thêm đất để trồng bông và ngô.
Sau này, khi đã trở thành luật sư, trả lời những người hỏi tại sao ông lại làm việc quần quật với hồ sơ những vụ án như thế, Ken Ravenell chỉ tay ra ngoài trời đáp: “Nào có gì là nặng nhọc đâu. Hồi xưa, lúc nào ngoài trời cũng 38 độ mà chẳng được nghỉ ngày nào. Gia đình tôi cần tiền nên chúng tôi phải làm việc trên những luống cây bông vải. Chúng tôi hái bông bằng tay, kéo lê theo mình những cái sọt. Đấy mới thực là nặng nhọc”.
Tuy buộc các con phải ra đồng làm việc nhưng cha mẹ của Ken Ravenell không để đứa con nào thất học. Ngoài học ở trường, trong gia đình mọi người chỉ bảo thêm cho nhau. “Chúng tôi tin là mẹ biết mọi thứ. Lúc bé, hễ bí chúng tôi hỏi mẹ, còn khi chúng tôi đã lớn, bà sẽ yêu cầu đứa lớn giải thích cho đứa bé”.
Khi là học sinh trung học, thần tượng của Ken Ravenell là Thurgood Marshall (1908-1993) – người da đen đầu tiên được bổ nhiệm là thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.
Mặc dù chưa bao giờ cậu học sinh lớp 5 Ken Ravenell được tận mắt gặp mặt một luật sư “bằng da bằng thịt” nào nhưng cậu “muốn làm công việc mà Marshall đang làm” và quyết sẽ trở thành một luật sư.
Sau khi tốt nghiệp khoa Chính trị trường Đại học Nam Carolina, trong lúc bạn bè vui vẻ hân hoan những bữa tiệc nhân lễ tốt nghiệp, Ravenell vùi đầu học, bất kể những ngày cuối tuần, để chuẩn bị thi vào Trường Luật thuộc đại học Maryland.
Ba năm sau, biết chắc chắn mình sẽ trở thành luật sư bảo vệ cho bên bị, nhưng Ravenell cho rằng cần phải biết xem đối phương làm việc ra sao nên chàng thanh niên vừa tốt nghiệp trường luật đã xin vào làm việc tại văn phòng công tố viên trong 3 năm.
Những vụ án được ghi vào lịch sử tư pháp Mỹ
Được nhận vào hãng luật Schulman, Treem, Kaminkow & Gilden, Ravenell trải qua 10 năm dấn thân vào những vụ án “tội ác đường phố” mà chủ yếu là buôn bán ma túy và giết người. Ravenell đã thắng phần lớn trong hàng trăm vụ án ông tham gia xét xử trong thời gian này.
Tên tuổi của Kenneth Ravenell được cả nước Mỹ biết đến khi ông thành công trước Tòa án Tối cao Mỹ trong vụ kiện “quyền được im lặng” của bị cáo Leeander Blake bị truy tố về tội giết người.
Blake và đồng phạm Terrence Tolbert bị cáo buộc tội đánh cướp chiếc xe hơi của Straughan Lee Griffin ngay trước nhà ông ta trong khu phố cổ của thành phố Annapolis hôm 19/9/2002. Trong khi tẩu thoát, các thủ phạm bắn chết chủ nhân và cho xe cán lên người ông ta.
Bị bắt hơn một tháng sau đó, tại Sở Cảnh sát Annapolis sau khi nghe đọc thông báo về quyền im lặng của nghi can, Blake nói hắn không muốn khai báo để chờ sự hiện diện của luật sư.
Nửa tiếng sau, nhân viên điều tra William Johns và cảnh sát viên Curtis Reese tới phòng giam đưa cho Blake một tờ quyết định khởi tố, theo đó Blake bị buộc tội giết người theo lời khai của Tolbert và hắn bị đề nghị án tử hình.
Thực sự Blake mới có 17 tuổi và theo luật của bang Maryland thì hắn chưa đủ tuổi để lãnh án tử hình. “Tao cá là bây giờ thì mày sẽ muốn nói chuyện với tao”, sĩ quan cảnh sát Curtis Reese nói khi đưa tờ quyết định khởi tố cho Blake.
Tuy nhiên, nhân viên điều tra William Johns tỏ ra khôn khéo hơn. Ông ta đẩy Curtis Reese ra khỏi phòng giam và nói : “Nó không nói chuyện với chúng ta đâu. Nó đòi gặp luật sư kia mà”.
Khoảng 30 phút sau, William Johns quay lại phòng giam, mang theo quần áo cho Balke. “Tôi nói chuyện với các ông được chứ?”, Blake nói. Johns hỏi lại có thực Blake muốn nói chuyện với ông ta và hắn gật đầu.
Sau khi điều tra viên nhắc lại lần nữa cho Blake nghe về quyền được im lặng, hắn bắt đầu khai rằng hắn có mặt ở hiện trường vụ án nhưng Tolbert là người nổ súng giết người và lái xe cán thi thể nạn nhân. Tobert bị tuyên án chung thân, nhưng Blake được trả tự do nhờ luật sư Ravenell.
Vụ việc của Blake sau khi đi qua tòa phúc thẩm bang Maryland đã rơi vào tầm ngắn của Tòa án Tối cao Mỹ. Phía công tố thì cho rằng bị can có quyền thay đổi ý kiến : Ban đầu không chịu nói, đòi phải có luật sư nhưng sau đó chấp nhận khai báo không cần luật sư.
Tuy nhiên, Ravenell cho rằng việc điều tra viên và cảnh sát dọa Blake bằng một bản án tử hình không có thật là hành động trái luật để ép bị can thay đổi ý kiến. Theo quan điểm của luật sư, bị can có thể thay đổi ý kiến nhưng phải hoàn toàn tự nguyện. Và quan điểm này của Ravenell đã được Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ.
Sau này, Ken Ravenelle nhớ lại phiên xét xử của Tòa án Tối cao Mỹ về vụ này. Quan tòa Antonin Scalia hỏi Ravenell : “Thế có khi nào ông nghĩ rằng đối với thân chủ của ông, ngồi nói chuyện một mình với cảnh sát lại là tốt hơn không ?”.
Vị luật sư nhớ lại : “Tôi nhìn thẳng vào mắt quan tòa và đáp : Thưa ngài, tôi hành nghề đã 20 năm và tôi chưa một lần nào nghĩ rằng mọi việc sẽ tốt hơn nếu thân chủ của tôi ngồi nói chuyện với cảnh sát mà không có sự hiện diện của tôi”. Nghe câu trả lời của Ravenell, quan tòa Scalia cười khùng khục trong họng, còn các vị thầm phán khác cười phá lên.
Một vụ án lớn khác giúp Ravenell thêm nổi danh là trường hợp Rodney Morrison, một tay buôn ma túy chuyển sang bán thuốc lá nhập lậu. Vụ án này khiến người ta nhớ lại vụ án trốn thuế của trùm maphia Al Capone 80 năm trước.
Nằm cách thành phố New York chưa tới 60 dặm, khu dân cư Poospatuck không lớn, chỉ với 300 cư dân nhưng được mệnh danh là “thủ đô thuốc lá lậu” với lý do chính quyền Mỹ không thu thuế bán hàng 310 khu vực riêng của thổ dân da đỏ. Một bao thuốc lá ở Poospatuck được bán ra với giá chỉ bằng một nửa ở New York.
Sau khi chấm dứt buôn ma túy, từ năm 1993 Rodney Morrison bắt đầu buôn thuốc lá. Cửa hàng Peace Pipe của hắn lớn nhất ở Poospatuck. Các nhà chức trách tính ra cứ bẩy bao thuốc lá được bán ra ở bang New York thì có một bao bán ra từ cửa hàng của Morrison.
LS Ken Ravenell |
Nếu kể cả 3 cửa hàng thuốc lá khác của những tay anh chị khác theo gương Morrison thì năm đó có cả thảy 9,9 triệu thùng thuốc lá được bán ra, tức là đủ để mỗi người nghiện thuốc lá của bang New York hút một bao/ngày trong suốt ba tháng rưỡi. Morrison kiếm được một khoản tiền kếch xù vì hắn bán thuốc lá cho tất cả mọi người trong khi quy định miễn thuế của bang New York chỉ áp dụng cho cư dân da đỏ mua thuốc lá sử dụng cá nhân.
Các nhà chức trách tính rằng chỉ trong bốn năm rưỡi họ theo dõi, Morrison kiếm được 172 triệu USD, hắn dùng tiền mua nhà đất trong và ngoài nước Mỹ, sắm một bộ sưu tập đồng hồ trị giá 1,7 triệu USD, gửi 30 triệu USD ở nước ngoài.
Các điều tra viên cho rằng Morrison là một maphia trong ngành buôn bán thuốc lá, dùng vũ lực để dằn mặt các đối thủ: Đặt bom trên xe hơi, bắt cóc tra tấn, đe dọa các thủ lĩnh của cộng đồng da đỏ... Năm 2003, hắn bị quy là thủ phạm giết hại Henry Sherwin, nhân viên làm việc tại một hiệu thuốc lá cạnh tranh... Công tố viên cho rằng Morrison đã chi 15.000 để thuê người giết Henry vì hắn giành khách hàng của hắn.
Tuy nhiên, Ravenell thuyết phục được đoàn bồi thẩm bác tất cả những cáo buộc của viện công tố, chỉ còn lại tội tàng trữ vũ khí bất hợp pháp (một khẩu súng cất giữ tại văn phòng). Trong một phiên tòa diễn ra 2 năm sau đó, Morrison lãnh án 10 năm về tội này.