Cho mượn… mất xe?
Đó là câu chuyện trớ trêu mà ông Ngô Văn Ngọc (SN 1974, trú tại thôn Tân Lập, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định) không may là người trong cuộc. Theo ông Ngọc trình bày, tháng 06/2018, ông Ngọc có mua xe ô tô nhãn hiệu Ford Mondeo BKS 29T-8977, của một người tại Hà Nội với giá 200 triệu đồng, có giấy tờ mua bán nhưng chưa sang tên.
Đến tháng 10/2018, bà T.T.N.T. (ngụ tại Thị trấn Lâm, Ý Yên) là chị dâu ông Ngọc đến nhà để mượn chiếc xe nêu trên “đi công việc”. Chứng kiến việc này còn có anh Trần Quốc Hội (SN 1985, trú Hậu Lộc, Thanh Hóa) là công nhân làm cho gia đình ông Ngọc, trực tiếp đưa chìa khóa và giấy tờ xe cho ông Dương Xuân Định (ngụ cùng địa phương) đi cùng bà T. lái xe về.
Sau đó, theo ông Ngọc, bà T. đã mượn chiếc xe dài hạn, ông Ngọc nhiều lần tới yêu cầu trả nhưng bà T. viện ra những lý do khác nhau để khất lần. Đến đầu năm 2019, bà T. mang chiếc xe “mượn đi công việc” bán cho người khác với giá 85 triệu đồng, tới nay, sau một lần mua bán nữa, tung tích chiếc xe ở đâu không còn ai rõ.
Chính vì sự việc này, vào tháng 11/2020, ông Ngọc đã làm đơn tố cáo bà T. có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tới cơ quan công an.
Hợp đồng mua bán xe của ông Ngọc |
Tuy nhiên, theo lời khai tại cơ quan điều tra, bà T. khẳng định chưa mượn chiếc xe trên của ông Ngọc lần nào. Lý do, bà T. cho biết, vào thời điểm tháng 10/2018, vợ ông Ngọc đã bán “kín” chiếc xe này cho vợ chồng bà với giá 140 triệu đồng, nhưng không có giấy tờ mua bán, chỉ hợp đồng bằng miệng, đến nay, sau nhiều lần trả tiền, bằng chuyển khoản và đưa trực tiếp thì đã hết nợ.
Tuy nhiên, vợ ông Ngọc lại cho rằng, có nghe chồng kể về việc bà T. tới mượn xe và không có việc bán “kín” chiếc xe nêu trên cho bà T. mà ông Ngọc không hay biết. Thậm chí, khoảng tháng 6/2020, có lần vợ ông Ngọc còn tới nhà bà T. để đòi xe và có mâu thuẫn dẫn tới thương tích. Ngoài ra, bà T. có vay tiền vợ ông Ngọc nhiều lần, việc trả nợ có diễn ra nhưng không phải trả tiền mua xe như nêu trên.
Về vụ việc này, sau khi tiếp nhận nội dung đơn tố cáo, tới 06/2021, Công an huyện Ý Yên khẳng định tại Kết luận giải quyết nguồn tin về tội phạm: “Không có căn cứ chứng minh giữa bà T. và gia đình ông Ngọc giao dịch mua bán hay cho mượn” chiếc xe ô tô nêu trên nên không khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ việc.
Trách nhiệm cần khởi tố vụ án?
Trong tình huống pháp lý này, một luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, trong vụ án này có một số vấn đề cần làm rõ như sau:
Thứ nhất: Chứng cứ chứng minh quyền tài sản đối với chiếc xe của ông Ngọc như giá trị pháp lý của giấy tờ mua bán xe giữa ông Ngọc và chủ cũ, biên lai chuyển tiền thanh toán mua xe.
Thứ hai: Chứng cứ chứng minh vấn đề cho mượn xe, thông qua việc lấy lời tường trình của ông Hội, yêu cầu đối chất giữa ông Hội, ông Định, bà T. và ông Ngọc, hoặc ông Ngọc nhiều lần yêu cầu trả nhưng bà T. không trả, vậy thì ông Ngọc có file ghi âm hay tin nhắn nào lên quan đến việc này không. Vợ ông ngọc có lần đến đòi xe có đi cùng ai hay có bằng chứng gì thể hiện không?
Thứ ba: Bằng chứng chứng minh việc bà T. có nợ tiền vợ ông Ngọc và giao dịch chuyển tiền từ bà T. là để trả nợ.
Thứ tư: Yêu cầu công an làm rõ nếu là xe mua từ vợ ông Ngọc thì xe đó bà T. đang làm gì, bán cho ai vì kể cả mua từ vợ ông Ngọc thì giao dịch đó vẫn là vô hiệu, không có giá trị pháp lý.
Do đó, nếu như trong trường hợp trả lời được 4 vấn đề trên có lợi cho chủ xe thì cần xem xét phải khởi tố vụ án, bởi có dấu hiệu của vấn đề hình sự rõ ràng.
Tuy nhiên, “bài toán” trong vụ việc này là cần phải đưa ra “đáp án” là dân sự hay hình sự, vì đình chỉ điều tra khi và chỉ khi không có căn cứ, tức không xác định được đối tượng tranh chấp nào đó.
Theo luật sư, trong vụ việc này không đồng nghĩa là hết cơ sở giải quyết vì vẫn có thể hướng ra tòa. Tại tòa nếu thấy đủ căn cứ thì lại yêu cầu cơ quan công an điều tra, vì xét tình huống khách quan, điều tra lần này không đủ cơ sở, thì lần sau có thể đủ.
Do đó, trong vụ việc này, tới thời điểm hiện tại đình chỉ và không khởi tố vụ án là phù hợp, trừ trường hợp có thêm chứng cứ mới để chứng minh.
Nhưng theo luật sư Nguyễn Thị Mỹ Hà (Giám đốc Công ty luật Hà Đăng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) lại cho rằng, căn cứ vào Điều 16 BLHS về Xác định sự thật vụ án thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền và Điều 18 BLHS về Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự thì cơ quan điều tra có dấu hiệu chưa làm tròn trách nhiệm trong vụ việc này. Trong đó việc cần thiết phải khởi tố vụ án để điều tra làm rõ việc có chiếm đoạt tài sản hay không?
Bởi, từ kết luận của cơ quan công an có thể thấy, khẳng định không chứng minh được có quan hệ dân sự (mua bán và cho mượn) thì phải chứng minh có dấu hiệu tội phạm hay không, mà trách nhiệm là của các cơ quan tiến hành tố tụng, mà trong trường hợp này là cơ quan công an. Vấn đề này đồng quan điểm của luật sư đã phân tích ở trên, tức phải khẳng định vụ việc có dấu hiệu là hình sự hay dân sự?
“Thế nên, khẳng định không phải là quan hệ dân sự, thì không có nghĩa là không có quan hệ hình sự đâu? Không khởi tố vụ án là sai trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự (Điều 18 BLHS)”, luật sư Hà phân tích. Cho nên, luật sư Hà cho rằng cần phải khiếu nại về vấn đề này tới cơ quan cấp cao hơn.