Luật sư nói bà Nga không có mục đích chiếm đoạt tài sản
Luật sư Hoàng Văn Hướng bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga cho rằng thân chủ không có hành vi gian dối và không có mục đích chiếm đoạt tài sản khi huy động vốn của khách hàng. Theo luật sư này, dự án là có thật, việc dự án đổ vỡ vì lý do khách quan, khi HAIC đột ngột rút khỏi dự án nên Housing phải đứng ra gánh vác gặp nhiều khó khăn. Đến nay hầu hết các khách hàng đều mong muốn dự án được tiếp tục thực hiện.
“Việc huy động vốn với các khách hàng là để phục vụ cho kế hoạch thực hiện dự án chứ không phải chiếm đoạt tài sản cho dù có một số ít hợp đồng huy động vốn vi phạm về thời điểm được huy động vốn”, luật sư Hướng bào chữa.
Theo luật sư Hướng, Housing Group đã thực hiện 3 loại hợp đồng huy động vốn mà trước ngày 8/8/2010, Luật Nhà ở 2005 vẫn cho phép huy động vốn trước khi dự án được phê duyệt đó là: Thỏa thuận vay vốn, Hợp đồng đặt cọc, Hợp đồng hợp tác đầu tư. Do đó, không thể coi việc huy động vốn của Housing Group trước ngày 8/8/2010 với 3 loại hợp đồng trên là vi phạm pháp luật được.
Đối với các hợp đồng ký sau ngày 8/8/2010, theo luật sư hầu hết đều là hợp đồng đã ký từ trước nhưng được đưa ra ký đổi sau ngày 8/8/2010. Thời điểm giao kết hợp đồng vẫn phải được xác định trước ngày 8/8/2010 nên không vi phạm pháp luật.
“3 loại hợp đồng này hoàn toàn độc lập, minh bạch và có bản chất pháp lý khác nhau theo quy định của BLDS chứ không thể quy về hợp đồng huy động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua nhà như cáo trạng và bản án sơ thẩm đã quy kết”, luật sư nêu quan điểm.
Luật sư Hướng trình bày tiếp, quá trình vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đều được Housing Group thực hiện báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đều nhận được báo cáo tình hình huy động vốn của công ty, biết rõ nhưng không có cơ quan nào có công văn nói rằng Housing Group đang vi phạm về hoạt động huy động vốn.
Từ lập luận không có mục đích chiếm đoạt tài sản, luật sư khẳng định bà Châu Thị Thu Nga càng không có hành vi gian dối. Các hoạt động liên quan đến dự án được thực hiện trước khi có phê duyệt điều chỉnh dự án, trước khi được cấp giấy phép xây dựng chỉ đơn thuần là vi phạm trình tự thủ tục chứ không phải hành vi gian dối trong tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giải thích về vấn đề trên, luật sư nói: Các hoạt động lập mô hình dự án, đăng thông tin dự án lên website công ty, thực hiện việc khoan nhồi cọc bê tông không nhằm mục đích khiến khách hàng tin tưởng, ký kết hợp đồng, nộp tiền cho công ty. Đặc biệt, tất cả các hoạt động đăng thông tin, thi công cọc, dựng mô hình nói trên chỉ được thực hiện từ 2010 - 2011, trong khi đó việc huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đã được Housing Group thực hiện từ trước năm 2010.
Trong khi đó, luật sư Ngân cho rằng bị cáo Nga sinh trưởng trong gia đình có truyền thống, nề nếp, không hề có động cơ, mục đích gì để chiếm đoạt tài sản. Nhân thân bà Nga là người có tư cách đạo đức, chưa bao giờ có tiền án tiền sự, do đó, luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc, tuyên hủy bản án sơ thẩm điều tra xét xử lại. Bên cạnh đó, các luật sư cũng kiến nghị tới Ủy ban TP Hà Nội cho phép liên danh Housing Group và HAIC thực hiện dự án B5 Cầu Diễn.
Luật không cấm việc thuê sản xuất, trưng bày mô hình?
Tiếp diễn biến phiên tòa, luật sư Phan Thị Lam Hồng bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Cương mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho hưởng án treo. Nữ luật sư cho rằng bị cáo Cương không được hưởng lợi trong vụ án và không chung mục đích phạm tội. “Trong quá trình làm việc, bị cáo luôn hoàn thành trách nhiệm của mình. Nếu có tội chỉ là vô ý phạm tội”, luật sư nêu quan điểm.
Theo luật sư, bị cáo Cương không phải là người ký hợp đồng thuê đơn vị sản xuất thiết kế mô hình này. Khi vào làm việc, mô hình đã được ký để sản xuất. Sau khi được trưng bày, bị cáo mới ký biên bản nghiệm thu nhằm thanh toán tiền cho bên đối tác.
Luật sư Hồng cho rằng pháp luật không cấm doanh nghiệp, chủ đầu tư thuê sản xuất, trưng bày mô hình. Và không ai bảo mô hình này sai. Việc ký thanh lý hợp đồng đó không mang mối quan hệ nhân quả.
Ở hành vi ký thi công 17 cọc khoan nhồi đại trà: Trong quá trình điều tra, xét xử, bị cáo thừa nhận lỗi, không quanh co chối tội, thành khẩn. Bị cáo ký cho thi công với mục đích rút ngắn thời gian thực hiện dự án và tin tưởng dự án sẽ được phê duyệt điều chỉnh nên chủ quan.
Luật sư cũng cho rằng bị cáo Cương không phải là người chỉ đạo để các bộ phận thi công cọc khoan nhồi. Việc bản án sơ thẩm cho rằng khách hàng nhìn thấy thi công cọc khoan nhồi mới mua nhà là không đúng. “Vì vậy, nếu có hành vi phạm tội chỉ là hành vi vô ý phạm tội, không phải là hành động phạm tội quyết liệt’, luật sư nêu quan điểm. Việc bị cáo Cương ký nghiệm thu và thanh lý mô hình, ký thi công cọc khoan nhồi bị quy kết là đồng phạm với bị cáo Nga theo luật sư quá nặng.