Việc Luật sư bào chữa chỉ định cho bị can, bị cáo theo yêu cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) đang được dư luận xã hội quan tâm, trong đó có sự “dòm ngó” của cơ quan thông tấn báo chí.
Bị cáo giết người đang nghe tòa tuyên án. |
Cãi chỉ định như “ mì ăn liền”
Bình tâm và công tâm nhận xét về hoạt động bào chữa chỉ định của luật sư, chúng ta trân trọng một số luật sư dám “xả thân vì đại nghĩa” hết lòng vì thân chủ dù là bào chữa có thù lao hay “cãi thí”. Tuy nhiên, không ít luật sư coi bào chữa chỉ định như nhiệm vụ bất khả từ chối (thực hiện theo sự phân công của Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư).
Từ đó, có luật sư miễn cưỡng tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo chưa thành niên hoặc người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội danh đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt cao nhất là tử hình. Một số luật sư bào chữa chỉ định không ngần ngại thổ lộ: Cãi chỉ định mà có gì phải đắn đo, cân nhắc giống như ăn điểm tâm loại thực phẩm “mì ăn liền” ấy mà!
Vì xem nhẹ công việc bào chữa chỉ định nên có khi chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, tòa án mới tìm luật sư nhờ bào chữa cho bị cáo mang tính cách “chữa cháy” để vụ án khỏi phải bị hoãn xử. Là luật sư chân chính, bản lĩnh phải từ chối bào chữa, không nên đứng ra bào chữa cho bị cáo theo luật định do vị nể Tòa án, bất chấp kết quả việc bào chữa như thế nào. Luật sư chưa nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hồ sơ vụ án thì khó lòng làm tốt vai trò “người phụ tá công lý”!
Nhiều luật sư bào chữa chỉ định chỉ được cung cấp bản cáo trạng trước khi mở phiên tòa, nên khó tránh khỏi tâm lý sẽ “tùy cơ ứng biến”. Đối với vụ án có nhiều tình tiết phúc tạp, luật sư dựa vào nội dung được thể hiện trong bản cáo trạng để đưa ra quan điểm bào chữa. Theo đó, luật sư thống nhất với đại diện Viện kiểm sát về mặt tội danh, khung hình phạt, quan điểm truy tố lặp lại các tình tiết giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo mà cơ quan Cảnh sát Điều tra, Viện kiểm sát đã nêu trong bản kết luận điều tra và bản cáo trạng...
Không thể vơ đũa cả nắm
Đã từng bào chữa nhiều vụ án chỉ định, miễn phí được báo chí biểu dương qua các bài viết: “Luật sư của người nghèo”, “Người cãi chùa không mệt mỏi”... Khi được biết có một số luật sư bị dư luận phê phán trong hoạt động bào chữa chỉ định, tôi cảm thấy bị tổn thương đối với cái nghề từng được xã hội tôn vinh là thiên chức. Dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đánh giá sự việc một cách khách quan: Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi; Không thể “vơ đũa cả nắm” trong tình cảnh có những “con sâu làm sầu nồi canh”.
Mặt khác, luật sư bào chữa chỉ định sơ sài, qua loa có phần trách nhiệm của cơ quan THTT. Thật vậy, trong khi luật sư bào chữa có nhận thù lao bị các cơ quan THTT “hành hạ”, thì luật sư bào chữa chỉ định lại được dễ dãi, phớt lờ các thủ tục khi cấp giấy chứng nhận người bào chữa, tiếp xúc bị can, bị cáo, mượn hồ sơ vụ án để nghiên cứu, sao chụp các bút lục. Không có đơn yêu cầu, luật sư bào chữa chỉ định vẫn được cơ quan Cảnh sát Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cho luật sư được tiếp xúc bị can, bị cáo, nghiên cứu hồ sơ.
Còn đối với luật sư bào chữa có thù lao thì phải có đơn nhờ luật sư của bị can, bị cáo mới được cơ quan THTT cấp Giấy chứng nhận người bào chữa. Mới đây, ngày 10/10/2011, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 70 đơn giản hóa thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư, giúp đỡ luật sư tiếp xúc bị can, bị cáo.
Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM có cải tiến trong việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư dù bị cáo chưa có đơn nhờ luật sư, Tòa này vẫn cấp giấy chứng nhận cho luật sư nhưng chỉ khi nào có trong tay đơn nhờ luật sư bào chữa được giám thị trại giam xác nhận, luật sư mới được tiếp cận hồ sơ vụ án.
Quy định vừa nêu của Tòa án, luật sư gặp không ít khó khăn, nhất là đối với các vụ án ở các tỉnh xa TP.HCM như Lâm Đồng, Cà Mau... chưa kể, một số trại tạm giam (tỉnh Đăk Lăk) đòi hỏi luật sư có lệnh trích xuất bị cáo do tòa án cấp mới cho luật sư tiếp xúc với bị cáo!
Hoạt động bào chữa chỉ định của luật sư chỉ khởi sắc, được dư luận xã hội chấp nhận cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan THTT và các tổ chức hành nghề luật sư. Chúng ta cần đổi mới phương thức hoạt động bào chữa chỉ định vừa có tâm vừa có tầm.
LS. Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm ĐLS.TP.HCM