“Mong có những việc ưu đãi nhiều hơn dành cho người già chúng tôi”
Đó là mong muốn mà ông Nguyễn Thu Chung ở quận Ba Đình (Hà Nội) bày tỏ khi ông nhận tấm thẻ xe buýt miễn phí cho người già trên 60 tuổi. Theo chủ trương của chính quyền thành phố Hà Nội, từ ngày 1/9/2019, người trên 60 tuổi được bổ sung vào đối tượng được miễn phí đi xe buýt.
Theo số liệu từ Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, hiện Hà Nội có khoảng 20.000 người cao tuổi (NCT) đang sử dụng vé tháng để đi xe buýt với mức 100 nghìn đồng/người/tháng. Chủ trương của thành phố sẽ khiến số lượng NCT sử dụng xe buýt tăng vọt trong thời gian tới.
Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đã bố trí gần 50 điểm bán vé đồng thời là nơi hướng dẫn, tiếp nhận thủ tục cấp Thẻ đi xe buýt miễn phí cho NCT.
Nhận tấm thẻ xe buýt miễn phí cho người già, bà Hoàng Thị Mộng Điệp ở quận Đống Đa chia sẻ: “Tôi rất vui khi được làm thẻ xe buýt miễn phí cho người già trên 60 tuổi, rất tiện ích và thuận tiện cho người già chúng tôi. Thủ tục nhanh gọn, chỉ mấy hôm là có thẻ”.
Còn theo ông Nguyễn Thu Chung: “Tôi nhận được thông tin khi các con tôi xem báo đài. Tôi đến làm thủ tục ngay, ở đây người ta hướng dẫn từng chi tiết để điền thông tin. Nói chung, tôi cảm thấy rất vui và mong có những việc ưu đãi nhiều hơn dành cho người già chúng tôi’’.
Tuy nhiên, không phải NCT nào cũng có được niềm vui như vậy. Theo quy định của Luật NCT, NCT khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng sẽ được miễn hoặc giảm giá vé tùy loại hình giao thông.
Nhưng trên thực tế, NCT khi tham gia giao thông công cộng mới chỉ được giảm giá vé tàu hỏa và vé máy bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines, qua những điểm bán vé của Nhà nước, còn các đại lý bán vé của các hãng hàng không khác và giao thông công cộng đường bộ thì người cao tuổi chưa được giảm giá vé. Cách đây không lâu, thực tế này đã được cử tri thành phố Đà Nẵng đưa ra để và Bộ LĐ-TB&XH đã có câu trả lời.
Bên cạnh việc tham gia giao thông công cộng thì giá dịch vụ cho người cao tuổi khi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tại nhiều nơi cũng chưa được thực hiện. Ông Đào Nhật Thịnh, 73 tuổi ở quận Đống Đa tỏ ra rất bức xúc, sau chuyến dẫn bạn đi thăm các di tích lịch sử, văn hóa du lịch ở Thủ đô.
Theo lời kể của ông, Luật NCT quy định NCT được giảm giá vé tham quan du lịch, giá dịch vụ giao thông, nhưng tại phần lớn những nơi này, ông phải trình bày dài dòng trước ánh mắt không mấy thiện cảm của nhân viên làm nhiệm vụ soát vé, thực hiện dịch vụ có tuổi đời chỉ bằng con, cháu ông. Họ cũng có lý khi cho rằng không biết phải giảm giá vé như thế nào cho NCT.
Sau vài lần nói mãi mà chẳng ai nghe, hai ông lẳng lặng trả tiền như bất cứ một người không cao tuổi nào. Chưa kể nhiều lần đi khám chữa bệnh, ông cũng phải xếp hàng, trả tiền như những người khác…
Chỉ Hội Người cao tuổi hiểu về Luật Người cao tuổi?
Ở góc độ quốc gia, Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Để đáp ứng với tình hình này, từ năm 2010, Luật NCT đã được ban hành.
Câu chuyện trên chỉ là một phần trong trong những hạn chế, bất cập khi Luật NCT chưa được thực hiện triệt để trong cuộc sống. Mà để từ đó có lời đùa vui rằng, Luật NCT đi vào cuộc sống cũng “bước chầm chậm” như NCT (!). Trong một lần trao đổi với truyền thông, ông Phạm Văn Ngọc - Hội NCT TP. Hà Nội đã cho rằng, có thực tế này là do công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật NCT chưa được đầy đủ, sâu rộng.
NCT chưa được giảm tiền vé tàu, xe, máy bay, vé xem biểu diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật, vé vào cửa các di tích, khu du lịch… dù luật đã quy định rõ ràng. NCT cũng ít được khám chữa bệnh định kỳ, theo dõi, quản lý về y tế, ít được ưu tiên khi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.
Không ít NCT (từ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, nghèo) để thất lạc giấy tờ hoặc có sự không thống nhất về ngày tháng năm sinh giữa chứng minh thư và hộ khẩu cũng phải chờ đợi xét duyệt 5-7 tháng mới được hưởng trợ cấp xã hội…
Theo ông Phạm Văn Ngọc, không ai có thể phủ nhận những tiến bộ trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò của NCT. Đời sống vật chất, tinh thần của NCT đã có nhiều chuyển biến tích cực, NCT được cộng đồng quan tâm chăm sóc, mừng thọ, chúc thọ, NCT từ 80 tuổi trở lên được hưởng một trong những khoản trợ cấp xã hội như lương hưu, ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội… Dù vậy, vẫn còn một thực tế khá phổ biến là mới chỉ có Hội NCT tuyên truyền về Luật NCT.
Người cao tuổi làm thẻ miễn phí tại điểm bán vé xe buýt của Hà Nội |
Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Hội NCT Việt Nam, có 78% người cao tuổi và 72% đại diện các hộ gia đình có NCT được biết về Luật NCT và các quyền cũng như các biện pháp bảo đảm quyền cho NCT. Con số này chỉ dừng lại trong nội bộ Hội NCT. Nhiều cơ quan, người dân vẫn chưa hiểu, hoặc chỉ hiểu lơ mơ, chưa được hướng dẫn thực hiện luật như thế nào.
Điều này đã dẫn tới nhiều nhà cung cấp dịch vụ công cộng (như dịch vụ vận tải hàng không, taxi, các điểm tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng…) không thực hiện giảm giá, vì không được hướng dẫn, không được hỗ trợ kinh phí. Luật NCT đã ban hành nhưng các quy định vẫn chưa được thực thi đầy đủ. Đáng nói hơn, các hành vi vi phạm Luật NCT cũng không có chế tài răn đe, phòng ngừa…
Để người cao tuổi không thấy mình bị bỏ lơ
Nói về vấn đề NCT, bà Astrid Bant - Tổ chức UNFPA tại Việt Nam cho biết, hiện nay, cứ 10 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Đến năm 2050, tỉ lệ này sẽ là 1:5 và đến năm 2150 sẽ là 1:3. Trong 50 năm tới, số lượng NCT trên thế giới sẽ tăng từ khoảng 600 triệu lên đến gần 2 tỷ người. Bà Astrid Bant khẳng định, NCT mang lại lợi ích chứ không phải là gánh nặng cho xã hội. Họ là những thành viên tích cực và năng động trong xã hội.
Chúng ta không được phép tiếp tục coi họ là những người chỉ tiếp nhận một cách thụ động các dịch vụ đồng nhất của Nhà nước mà phải coi họ là một nguồn lực kinh tế quan trọng cho sự phát triển. Chính vì vậy, theo bà Astrid Bant, Việt Nam cần thúc đẩy các cơ hội việc làm, quy định tuổi về hưu linh hoạt và phát triển kỹ năng cho NCT để giúp họ tăng thu nhập và có được lợi ích cho tuổi già.
Trước tình hình này, các chuyên gia thực thi luật pháp cho rằng, để Luật NCT phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an sinh, phát huy vai trò của NCT trong phát triển kinh tế - xã hội, rất cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về Luật NCT, giúp người dân và toàn xã hội nâng cao nhận thức.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp rà soát, ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn triển khai Luật NCT; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật NCT và các văn bản liên quan; bổ sung chế tài răn đe, hạn chế hành vi vi phạm Luật NCT.
Nhưng hơn hết, cần có một lộ trình thực hiện luật, huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò của NCT mà đơn cử trước nhất là tập trung nâng cao khả năng tiếp cận của NCT đến các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin, các dịch vụ về văn hóa, du lịch, vui chơi, giải trí, tham gia giao thông...
Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến thực hiện Luật NCT, xem hoạt động của NCT chính là thực hiện chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội quan trọng trên địa bàn cũng cần được coi trọng và thực hiện.