“Luật ngầm” rắc rối phía sau thương vụ “Chúa Chổm” bán nhà

Nguyên đơn không đến tòa mà ủy quyền cho người khác đến dự
Nguyên đơn không đến tòa mà ủy quyền cho người khác đến dự
(PLO) -Phiên tòa “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất” do TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xét xử, nguyên đơn Lê Ngọc không đến tòa, mà ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng thay. Còn bị đơn là bà Lương Thúy và người chồng, đều đã ngoài 60 tuổi.

Nhà của ai?

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, trong quá trình kinh doanh, do thiếu tiền để xoay vòng vốn, ông Ngọc có vay mượn bà Thúy một số tiền. Hai bên có lập một giấy thỏa thuận vay tài sản vào ngày 4/9/2013. Theo đó, ông Ngọc đồng ý bán căn nhà tại đường Hai Bà Trưng (TP Huế) cho bị đơn với giá 7 tỷ đồng. Đồng thời trong giấy thỏa thuận ghi rõ, “khi bên A (bên ông Ngọc) có nhu cầu cần bán hoặc vay ngân hàng thì bên B (bên bà Thúy) tạo điều kiện cho bên A thực hiện”.

Để đảm bảo ông Ngọc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi, bà Thúy bị cho là đã yêu cầu ông Ngọc lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản ngày 7/10/2013 tại phòng công chứng. Mục đích nếu không trả được nợ, bên cho vay sẽ xác lập quyền sở hữu nhà mà không cần phải đi kiện đòi lại tài sản cho vay. Do đó, ông Ngọc cho rằng hợp đồng chuyển nhượng ngày 7/10/2013 thực chất là giả cách để bảo đảm tài sản cho bên cho vay. 

Theo ông Ngọc, giấy thỏa thuận vay nhận nợ mới là thật, còn hợp đồng chuyển nhượng nhà chỉ là giả cách. Giấy thỏa thuận vay nợ ngày 4/9/2013 chưa thanh lý, thì ngày 27/11/2015, bà Thúy lập hợp đồng mua bán, chuyển nhượng căn nhà trên cho người khác. Sau đó người mua nhà là ông Nguyễn Đắc bị cho là “đã dùng xã hội đen đến ép” vợ chồng ông Ngọc giao nhà, khóa cửa lại. Toàn bộ tài sản của 4 công ty có trụ sở trong căn nhà trên bị khóa trong căn nhà, chưa kịp dịch chuyển, gây nhiều thiệt hại.

Vì vậy, ông Ngọc khởi kiện bà Thúy ra tòa, yêu cầu tòa án hủy hợp đồng chuyển nhượng ngày 7/10/2013. Đồng thời yêu cầu bị đơn phải bồi thường 50 triệu đồng vì đã gây ra nhiều thiệt hại.

Tuy nhiên lời phân trần của bị đơn lại khác, cho rằng hai bên quen biết, là bạn bè làm ăn với nhau đã lâu năm. Khi ông Ngọc cần tiền làm ăn, thường vay mượn, hoặc nhờ bà Thúy vay mượn giùm. Ngày 4/9/2013, hai bên đã chốt lại số tiền vay mượn và thống nhất phương thức giải quyết theo giấy thỏa thuận.

Ông Ngọc bị cho là khi đó đã thế chấp căn nhà tại ngân hàng để vay 4,2 tỷ đồng, nay đồng ý bán cho bà Thúy với giá 7 tỷ. Bà Thúy có nhiệm vụ bỏ ra 4,2 tỷ đồng vào ngân hàng lấy sổ đỏ ra để công chứng sang tên cho mình. Sau thời gian 2 tháng, nếu ông Ngọc muốn lấy lại nhà phải thanh toán khoản tiền 4,2 tỷ đồng, cùng khoản nợ cũ và khoản lãi tính đến ngày trả tiền. Đến ngày 7/10/2013, hai bên đã đến phòng công chứng số 1 tỉnh Thừa Thiên Huế làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và và tải sản gắn liền với đất.

Bà Thúy cho rằng, sau thời gian 2 tháng, bên kia không chuộc lại nhà. Bà nhiều lần thông báo sẽ sang tên ngôi nhà trên, nhưng “đối tác” nhiều lần đến xin hoãn, với lý do sắp có tiền để chuộc nhà. Do có quan hệ làm ăn lâu nay, nên bà Thúy đồng ý chờ đợi.

Thời gian trôi qua đã 2 năm, vì vậy bà Thúy đã làm thủ tục sang tên và được UBND TP Huế chấp nhận, giấy tờ ký ngày 29/7/2015. Sau đó bà yêu cầu ông Ngọc giao nhà. Ông Ngọc xin cho thời gian 3 tháng để sắp xếp công việc làm ăn. Hết thời hạn, ông Ngọc đề nghị thuê thêm 2 tháng với lý do chưa giải quyết xong công việc làm ăn, tiền thuê nhà mỗi tháng là 30 triệu đồng. Căn nhà này sau dó được bà Thúy chuyển nhượng cho một người khác, ngày 31/12/2015 được cơ quan chức năng cấp sổ đỏ.

Theo bà Thúy, việc ông Ngọc gửi đơn khởi kiện ra tòa đòi hủy hợp đồng mua bán ngôi nhà trên vì cho rằng bà Thúy chưa trả tiền cho việc mua bán ngôi nhà là hoàn toàn sai sự thật, vu khống hòng chiếm đoạt ngôi nhà.  

“Cháy thành vạ lây”

Theo nguyên đơn, người mua lại căn nhà từ bà Thúy đã dùng áp lực, uy hiếp để ông ra khỏi căn nhà. Gia đình ông đang lưu trú ở đó, đồng thời còn là nơi kinh doanh khách sạn, trụ sở của công ty. Người mua nhà đã dẫn theo rất nhiều người đến uy hiếp, buộc ông phải ra khỏi nhà, đồng thời buộc tất cả những người đang lưu trú trong khách sạn phải ra ngoài nếu không sẽ bị đánh.

Tại thời điểm đó, trong khách sạn có 27 khách ở trong 11 phòng. Do bị buộc ra khỏi nhà, nên ông  không kịp mang theo bất cứ giấy tờ, hồ sơ, chứng từ, tài sản gì ra ngoài. Ông đã có đơn kêu cứu, đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự cưỡng đoạt tài sản và cản trở việc kinh doanh, chiếm dụng nhà trái pháp luật, đồng thời gửi đơn yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, giao căn nhà lại cho ông.

Lại nói đến người đàn ông mua lại căn nhà từ bà Thúy. Sau khi mua nhà và hoàn tất thủ tục sang tên, đến ngày 2/6/2016, ông này ngỡ ngàng khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND, yêu cầu phải mở khóa cửa ngôi nhà giao cho ông Ngọc tiếp tục quản lý. Không đồng ý với quyết định trên, ông này đã gửi đơn khiếu nại lên các cấp. 

Vợ chồng bị đơn cho rằng thậm chí cho đến giờ nguyên đơn vẫn còn thiếu món nợ tiền tỉ
Vợ chồng bị đơn cho rằng thậm chí cho đến giờ nguyên đơn vẫn còn thiếu món nợ tiền tỉ
Theo ông, vợ chồng ông sau khi mua căn nhà trên từ bà Thúy, thì đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận cấp giấy. Cho nên ông có toàn quyền về việc thực hiện quyền sở hữu của mình đối với tài sản trên. Nếu ông Ngọc cho rằng bà Thúy chưa thanh toán tiền mua nhà, thì ông Ngọc phải trực tiếp yêu cầu hoặc yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải trả tiền, chứ không liên quan gì đến ông.

Theo người mua nhà (được tòa xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án), việc bà Thúy chuyển nhượng căn nhà cho ông là hợp pháp. Hợp đồng đã có giá trị, hợp lý, hợp tình, được cơ quan nhà nước chấp nhận, do đó ông yêu cầu tòa không hủy hợp đồng giao dịch giữa ông và bà thúy. Theo ông, việc ông Ngọc không khiếu nại cơ quan cấp giấy, không khiếu nại cơ quan công chứng, thì không có căn cứ gì yêu cầu tòa hủy sổ đỏ của ông.  

Về đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của ông Ngọc, cơ quan chức năng cho rằng, người mua nhà đến khóa cửa nhà, yêu cầu ông Ngọc dọn ra khỏi nhà, quá trình thực hiện không gây ra ồn ào, không đập phá đồ đạc.Việc xác định ai đúng ai sai cần phải xác định tại thời điểm đó căn nhà thuộc quyền sở hữu của ai. Mà vấn đề này cần phải chờ kết quả từ TAND TP Huế.

Bác đơn khởi kiện

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Ngọc không dự mà ủy quyền cho người khác đi thay. Tòa hỏi đại diện nguyên đơn: “Khi nguyên đơn ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, có biết hậu quả là bên kia sẽ đi đăng ký chứng nhận quyền sử dụng đất hay không?”. 

Nguyên đơn: “Do hai nhà làm ăn cùng nhau đã lâu, nên luôn tin tưởng nhau”. 

Tòa: “Có chứng cứ gì chứng minh hợp đồng trên là giả cách không?”.

Nguyên đơn: “Có thỏa thuận vay nợ ngày 4/9”. 

Tòa: “Nếu đó là nhà của nguyên đơn, vậy tại sao còn ký hợp đồng thuê lại căn nhà đó từ bị đơn?”. 

Nguyên đơn: “Do áp lực từ khoản nợ vay, áp lực bị đòi nợ, bị đe dọa nên phải ký”. 

Tòa: “Có bằng chứng về việc bị đe dọa không?”. 

Nguyên đơn: “Có tin nhắn hăm dọa”. 

Tòa: “Vì sao không giao nộp?”. 

Nguyên đơn: “Do tin nhắn không còn lưu giữ trong máy”.

Trong quá trình tòa xét hỏi đại diện nguyên đơn, vợ chồng bị đơn cứ nhấp nha nhấp nhổm. Bị đơn bảo, căn nhà kia nguyên đơn thế chấp ngân hàng, nhưng mất khả năng trả nợ, có thể sẽ bị ngân hàng phát mãi. “Ông ta bảo, nếu ngân hàng phát mãi nhà, thì ông ta mất hết mặt mũi, sau này cũng khó vay ngân hàng. Vợ chồng ông ta năn nỉ vợ chồng tui giúp đỡ, vậy mà giờ lại lật lọng”, bà Thúy nói.

Bà bảo, do nguyên đơn chẳng còn mặt mũi gặp lại vợ chồng bà, nên mới nhất quyết không “ló mặt” đến tòa. “Hai lần tòa mở phiên hòa giải, một lần gặp gỡ đối chất, một lần mở phiên xét xử, nếu ông ấy cho rằng đó là hợp đồng giả, sao không trực tiếp đến tòa để đối chất, “ba mặt một lời” làm rõ chuyện, lại đi ủy quyền cho những người chẳng biết rõ nội tình đến đây “nói hươu nói vượn””?.

Tòa hỏi bị đơn: “Ông Ngọc chuyển nhượng nhà cho bà, bà đã trả tiền đủ chưa?”. Bị đơn cho biết nhận chuyển nhượng nhà 7 tỷ. Ông bà nộp 4,2  tỷ vào ngân hàng để lấy giấy tờ mà nguyên đơn thế chấp. 2,8 tỷ còn lại trừ nợ trong thỏa thuận ngày 4/9. Hôm giao 4,2 tỷ, con trai bà chở ông Ngọc đến ngân hàng. Lẽ ra con trai ông bà là người trực tiếp nộp tiền vào ngân hàng, nhưng nguyên đơn xin được đứng ra trả tiền, để khỏi “mất mặt” với ngân hàng.

Tòa yêu cầu bà Thúy giải thích về thỏa thuận ngày 4/9. Theo bà, giấy thỏa thuận này đã dẫn dắt đến việc chuyển nhượng nhà. Trong giấy này có 2,8 tỷ đồng là tiền thỏa thuận trừ nợ và thanh toán chuyển nhượng nhà. Giấy thỏa thuận còn thể hiện các khoản nợ khác mà nguyên đơn đang còn nợ bà với tổng số tiền là 5 tỷ đồng. Bà còn cho biết, tiền thuê nhà đến nay, phía nguyên đơn vẫn chưa trả đủ cho bà.

Tòa: “Hai bên có thỏa thuận điều kiện chuộc nhà không?”. Bị đơn: “Không”. Tòa: “Hai bên có thỏa thuận phía bị đơn không được chuyển nhượng nhà hông?”. “Không”. “Nguyên đơn có lần nào trao đổi về việc hủy bỏ hợp đồng không?”. “Không có”. 

HĐXX nhận định không có cơ sở để chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn nên quyết định bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với căn nhà. Riêng về việc khóa cửa gây thiệt hại tài sản, ông Ngọc có thể khởi kiện bồi thường trong một vụ án khác.

(Tên các nhân vật đã được thay đổi)

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.